VnExpress - Bao tieng Viet nhieu nguoi xem nhat

Thứ tư, 22/1/2025

Cháu cứ bị đầy bụng khoảng 3 năm nay, nhất là sau giờ cơm trưa, mặc dù cháu ăn rất ít vào buổi trưa, khoảng 1/2 bát cơm và rất ít đồ ăn. Cháu đã uống rất nhiều thuốc trị dạ dày mà tình trạng đầy bụng vẫn còn. Lần gần nhất cháu nội soi là 8/2020. Kết luận cháu bị viêm dạ dày trung ...

Than Hang, 42 tuổi

ThS.BS Ngô Hoàng Kiến Tâm

Chào bạn!

Tình trạng của bạn có thể là bệnh viêm dạ dày mãn tính, cũng có thể là bệnh lý khác. Bạn cần đến bệnh viện lớn, gặp bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa khám, nội soi lại dạ dày kiểm tra, có thể chụp thêm CT scan bụng để xác định tình trạng bệnh của bạn. Từ đó mới có hướng điều trị.

Chúc bạn mau khỏi bệnh. Nếu bạn có thắc mắc thêm, xin vui lòng liên hệ đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh qua số điện thoại 0287 102 6789 để được hỗ trợ.

Trân trọng.

Gần đây, tôi bị đắng miệng cả ngày và đêm, rõ nhất vào ban đêm khi thức giấc. Tôi không bị đau dạ dày, chỉ trừ khi ăn chua quá sẽ có hiện tượng đau nhẹ. Trường hợp của tôi bị bệnh gì? Cách điều trị như thế nào? Xin cảm ơn bác sĩ.

Trần Thị Thu Hà, 50 tuổi

BS.CKI Hoàng Đình Thành

Chào bạn!

Đắng miệng có thể do bệnh ở tuyến nước bọt, bệnh khoang miệng, đặc biệt người hút thuốc lá dễ bị tình trạng này. Ngoài ra, có thể bị bệnh trào ngược dạ dày - thực quản hoặc bệnh lý gan mật. Người bệnh cần đi khám để có cách chữa trị hợp lý. Không nên tự suy đoán rồi mua thuốc uống, có khi không hết bệnh mà còn làm trầm trọng hơn! Nếu có hút thuốc lá, trước tiên nên bỏ thuốc lá. Chế độ ăn cần giảm các thức ăn uống quá chua cay hoặc nhiều muối, tránh thức ăn lên men, thức ăn chiên rán khó tiêu, tránh ăn quá no vào buổi tối! Cuối cùng là nên đi khám chuyên khoa tiêu hoá càng sớm càng tốt!

Trân trọng!

Khoảng gần 2 năm trở lại đây, mình đi khám được xác định là ruột kích thích. Mình đã sử dụng một số loại thuốc nhưng tình trạng đại tràng vẫn không dứt điểm. Xin bác sĩ tư vấn giúp, cảm ơn bác sĩ.

Nguyên, 53 tuổi

ThS.BS Nguyễn Trung Liêm

Chào bác!

Liên quan đến hội chứng ruột kích thích, cần có các chẩn đoán loại trừ các tổn thương thực thể ở đại trực tràng (cần thiết phải nội soi đại trực tràng toàn bộ).

Việc điều trị hội chứng này, ngoài việc thực hiện chế độ thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần đặc biệt quan tâm đến một số vấn đề khác như:

1. Chế độ ăn: Không nên ăn bữa ăn quá no; nên ăn đúng giờ, ăn chậm; Hạn chế đồ ngọt; chất béo; sữa (nếu có tình trạng giảm dung nạp lactose); Tăng cường nước uống nếu bị táo bón; Tăng cường chất xơ mềm, hoặc các chất xơ đã qua chế biến (dạng viên nén; dạng bột); hạn chế các chất xơ thô (các loại rau nhiều xơ: măng; cải, cần; dưa muối, ngọn bí, ngọn su su...); hạn chế ăn quả có vị chát (các loại hồng, đặc biệt là hồng ngâm...). Tránh các đồ ăn kích thích; rượu bia và nước có gas.

2. Phát triển mối quan hệ giữa thầy thuốc và người bệnh (NB), giúp NB hiểu kỹ về các triệu chứng của bệnh, từ đó giúp NB hiểu rằng đây không phải là vấn đề nguy hiểm cho sức khoẻ, không phải bệnh lý ác tính (Làm các thăm khám cận lâm sàng để chứng minh điều đó). Giáo dục cho NB hiểu biết về diễn biến bình thường của bệnh hay sự thay đổi của các triệu chứng, các tác dụng phụ của thuốc.

3. NB cần có suy nghĩ tích cực và tin tưởng vào việc điều trị của bác sĩ. Tránh để rơi vào các trạng thái stress, lo âu, hoặc rối loạn cảm xúc.

Như vậy bác cần có sự trao đổi thông tin thường xuyên với bác sĩ khám bệnh, cần có các lần tái khám định kỳ.

Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bác có thể gửi câu hỏi về cho chương trình, hoặc liên hệ tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh: 1800 6858 (Hà Nội) hoặc 0287 102 6789 (TP.HCM) để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của bệnh viện. Trân trọng.

5 tháng trước, em bị đau bụng cấp cứu. Sau khi nội soi, bác sĩ kết luận phù nề xung huyết dạ dày và đại tràng, trĩ nội cấp độ một, có hai polyp đại tràng và trực tràng cuống ngắn một cm bề mặt xung huyết, giải phẫu bệnh polyp tuyến.

Sau khi ra bệnh viện đến nay, em thường xuyên bị đi ...

Trần Thu Hà, 45 tuổi

TS.BS Vũ Hữu Khiêm

Chào bạn.

Bạn bị xung huyết dạ dày và đại tràng, trĩ nội độ 1, polyp đại tràng lên và trực tràng, giải phẫu bệnh polyp tuyến. Sau đó bạn thường xuyên bị đi ngoài phân táo đi ngoài phân táo nhiều lần/ngày, mỗi lần ít một mặc dù uống nước nhiều, ăn nhiều rau và hoa quả, sữa chua...

Với những triệu chứng bạn mô tả, có thể bạn bị mắc viêm đại tràng mạn tính hoặc rối loạn thần kinh thực vật ruột, ngoài chế độ ăn uống như trên bạn có thể uống thêm men tiêu hóa như Enterogermina 2 ống/ngày, các thuốc điều hòa nhu động ruột như Debridat 100 mg, 3 viên/ngày. Tốt nhất bạn nên đến các cơ sở chuyên khoa về tiêu hóa để kiểm tra lại. Bạn có thể tới Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh chi nhánh Hà Nội hoặc Sài Gòn nhé!

Trân trọng.

Tôi đã cắt nội soi 5 polip dạ dày, nếu không cắt tiếp thì có ảnh hưởng gì không?

hathetrung, 74 tuổi

ThS.BS Nguyễn Trung Liêm

Chào bác!

Sau cắt polyp dạ dày có cần nội soi để cắt tiếp không sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố sau:
- Lần soi trước, ngoài 5 polyp đã cắt, có còn polyp nào khác không?
- Kích thước các polyp ở dạ dày như thế nào?
- Kết quả giải phẫu bệnh của các polyp là gì?
- Tiền sử gia định có người bị polyp hoặc ung thư đường tiêu hoá không?

* Nếu tổn thương là polyp U tuyến ống, kích thước 1 cm thì nên cắt qua nội soi. Trong trường hợp đã được cắt hết thì sau 1 năm cần kiểm tra lại. Với các polyp tăng sản > 5 mm: nên cắt và kết hợp điều trị H. Pylori nếu có.

* Cần nội soi đại trực tràng toàn bộ để kiểm tra, nếu có polyp thì ưu tiên cắt qua nội soi ống mềm.

Trân trọng.

Tôi 39 tuổi, van thực quản đóng không khít và bị trào ngược nhiều năm, đã trải qua rất nhiều đợt điều trị nhưng tình trạng không giảm. Trường hợp của tôi có nên phẫu thuật để đóng lại van thực quản không? Cảm ơn bác sĩ.

Nguyễn Khắc Đạt, 39 tuổi

BS.CKII Nguyễn Quốc Thái

Chào bạn!

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể được điều trị bằng nhiều cách khác nhau. Cách thứ nhất là điều trị nội khoa, cách thứ 2 là can thiệp bằng phẫu thuật hoặc thủ thuật. Theo như bạn mô tả (đã điều trị rất nhiều lần nhưng không khỏi) thì nhiều khả năng bạn thuộc nhóm có chỉ định can thiệp phẫu thuật hoặc thủ thuật. Đối với phẫu thuật, bác sĩ có thể thực hiện mổ mở hoặc mổ nội soi để tạo hình van thực quản.

Bạn nên cân nhắc tìm bệnh viện uy tín và có phẫu thuật viên tay nghề cao để thực hiện phẫu thuật này. Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa quy tụ những phẫu thuật viên có nhiều năm kinh nghiệm trong điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa, trong đó có bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Bạn có thể cân nhắc đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để phẫu thuật. Tại đây, chúng tôi ưu tiên phẫu thuật nội soi đối với trào ngược dạ dày thực quản.

Trân trọng.

BS Thai - Cau 10
 
 

Em được nội soi đại tràng và kết quả bị vặn xoắn đại tràng trái. Đại tràng vặn xoắn là gì? Tại sao lại bị vặn xoắn và tình trạng này có chuyển biến xấu hơn không? Em có cần lưu ý gì không? Em cảm ơn.

Donghoang Nguyen, 38 tuổi

BS.CKII Nguyễn Quốc Thái

Xin chào bạn!

Về vấn đề vặn xoắn khi soi đại tràng, chúng tôi không nghĩ đó là một sang thương thực thể. Tình trạng vặn xoắn có thể được tạo ra trong lúc nội soi, khi người soi bơm hơi làm đại tràng xoắn lại, không đi lên được đoạn ruột trên cao. Nếu ngoài lúc soi mà bạn không có triệu chứng gì khác thì khả năng cao là trường hợp đại tràng vặn xoắn do quá trình nội soi. Đây không phải là sang thương thực thể nên sẽ không nặng hơn theo thời gian.

Trân trọng.

BS Thai - Cau 09
 
 

Tháng 5/2019, em có cắt nội soi polyp dạ dày. Tháng 2/202, em bị HP và uống thuốc một tháng đã âm tính. Kể từ đó đến nay, em chưa đi kiểm tra lại lần nào. Thời gian này, em ăn gì cũng dễ bị nôn ra, không đau dạ dày nhưng hay bị tức vùng bên phải ở phía trên.

Em xin hỏi ...

Nguyễn Tí Nị, 37 tuổi

BS.CKII Nguyễn Quốc Thái

Xin chào bạn!

Với câu hỏi của bạn, tôi xin trả lời như sau:

Thứ nhất, về vấn đề điều trị HP, HP sau khi điều trị khỏi vẫn có khả năng tái phát với tỷ lệ trung bình ở Việt Nam rơi vào khoảng 70% (đến từ văn hóa hay ăn uống chung của người Việt). Bạn có biểu hiện gần đây là đau lệch sang vùng bên phải thì ngoài vấn đề dạ dày, tôi nghĩ bạn nên đến bác sĩ khám và kiểm tra để loại trừ các nguyên nhân khác như bệnh đường mật hay đại tràng.

Về vấn đề cắt polyp và nội soi dạ dày, với thông tin bạn cung cấp, tôi chưa thể đưa ra khuyến cáo bạn có nên kiểm tra lại hay không bởi điều này phụ thuộc vào đặc điểm các polyp từng được cắt. Khi bác sĩ soi trên kính hiển vi sẽ đưa ra kết luận về đặc điểm loại sang thương và phân loại nguy cơ của nó. Tùy theo sang thương mà bạn có thể cần đi soi lại sớm hơn, trung bình 2-3 năm/lần.

Trân trọng!

BS Thai - Cau 06.
 
 

Em năm nay 37 tuổi, thời gian gần đây thường đi ngoài phân sống, có màu sậm. Khoảng mấy năm trước, em có HP dạ dày đã uống thuốc và gần đây nội soi lại đã hết. Em có bị viêm hang vị. Em không biết tình trạng đi ngoài phân sống như vậy có vấn đề gì không? Việc tầm soát thực hiện như ...

Trang, 37 tuổi

BS.CKI Hoàng Đình Thành

Xin chào bạn Trang!

Tiêu phân sống và sậm màu có khả năng rối loạn ở đại tràng hoặc ruột non. Các rối loạn hấp thu có thể ảnh hưởng từ ống tiêu hóa bao gồm từ dạ dày, tá tràng, ruột non, ruột già và cả từ men tiêu hóa của tuyến tụy và dịch mật. Bạn đã soi dạ dày tá tràng, phần còn lại bạn cần tầm soát là chức năng gan, đại tràng. Ngoài ra các loại thức ăn khó tiêu hóa hoặc thức ăn có tính chậm tiêu tùy cơ địa bạn cũng nên xem lại để né tránh.

Trân trọng.

Tôi 40 tuổi, khoảng 3 năm gần đây, rất hay đánh hơi nhiều lần trong ngày và không có mùi, đi vệ sinh luôn xì theo hơi. Phân vẫn bình thường lúc nát lúc vẫn có khuôn. Cho tôi hỏi đây là dấu hiệu viêm đại tràng không?

Tung nguyen vu, 40 tuổi

ThS.BS Nguyễn Trung Liêm

Chào bạn.

Từ một số thông tin bạn cung cấp thì tôi thấy các biểu hiện đều là triệu chứng rối loạn tiêu hoá. Tuy nhiên, cần làm rõ thêm một số thông tin liên quan để có các dữ liệu phục vụ cho chẩn đoán: có đau bụng không, tần suất đau/ tuần? Diễn biến trong bao lâu (tháng), và có thường xuyên không; đau bụng có liên quan đến khuôn phân; số lần đi ngoài. Rối loạn tiêu hoá có liên quan đến khẩu phần ăn nhiều đạm, mỡ không; có liên quan đến trạng thái căng thẳng tâm lý không. Có kèm đại tiện lẫn máu không...

Liên quan đến rối loạn tiêu hoá, các phân định được ba nhóm nguyên nhân:
1. Do tổn thương thực thể tại niêm mạc đường tiêu hoá (U cục, viêm loét do vi khuẩn hay không do vi khuẩn...)
2. Do rối loạn cơ năng của đường tiêu hoá (Hội chứng ruột kích thích; dính ruột sau mổ mà không có tắc ruột...)
3. Do suy giảm chức năng của gan, tuỵ (viêm gan mạn, suy gan, viêm tuỵ mạn...)

Như vậy, bạn nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa Tiêu hoá - Gan mật - Tuỵ để được các bác sĩ khám và tư vấn trực tiếp. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm về Tiêu hoá - Gan mật - Tuỵ, cùng cơ sở vật chất - hạ tầng, trang thiết bị máy móc hiện đại, đầy đủ. Bạn có thể cân nhắc lựa chọn để có những trải nghiệm trong việc khám và chữa bệnh đạt hiệu quả cao và hài lòng.

Trân trọng.

Khoảng mấy tháng trước, tôi có bị đi ngoài ra máu tươi, kéo dài vài ngày thì hết. Xin hỏi tôi bị bệnh gì?

Cong Luan Nguyen, 41 tuổi

BS.CKII Nguyễn Quốc Thái

Xin chào bạn!

Với tình trạng đi cầu ra máu trong thời gian ngắn như vậy thì mình sẽ hướng đến các bệnh lành tính của vùng hậu môn trực tràng, ví dụ như trĩ, nứt hậu môn hoặc viêm nhiễm vùng hậu môn trực tràng. Mặc dù vậy, bạn vẫn nên đi thăm khám, kiểm tra và loại trừ các nguyên nhân ác tính để an tâm hơn.

Nếu bạn có thắc mắc thêm, xin vui lòng liên hệ đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh qua số điện thoại 0287 102 6789 để được hỗ trợ. Trân trọng!

BS Thai - Cau 07
 
 

Tôi nghe nói ăn phải đồ ăn rang cháy, chiên, nướng có thể bị ung thư. Tôi thích uống cà phê nhưng lại sợ cà phê rang cháy có thể gây ung thư. Xin bác sĩ cho biết cà phê có thể gây ung thư không? Xin cảm ơn bác sĩ.

Trung Bui, 28 tuổi

BS.CKII Nguyễn Quốc Thái

Xin chào bạn!

Như bạn đã biết, một số đồ ăn rang cháy, chiên, nướng hoặc những thực phẩm chế biến sẵn làm tăng nguy cơ gây ung thư, ví dụ như thịt nướng, thịt hun khói... Riêng vấn đề cà phê rang cháy, trước đây cũng đã có những tranh cãi về vấn đề đồ uống này có gây ung thư hay không, tuy nhiên vấn đề tranh cãi liên quan đến ung thư phổi chứ không phải ung thư đường tiêu hóa.
Cuối cùng, đại học Harvard đã kết luận cà phê rang cháy ko liên quan đến nguy cơ gây ung thư. Nói chung, đến hiện tại chúng ta không có bằng chứng loại thực phẩm này gây ung thư.

Trân trọng.

BS Thai - Cau 08
 
 

Tôi thỉnh thoảng đại tiện ra máu. Cách đây 5 năm, tôi đã nội soi đại tràng không bị gì. Hiện giờ, tôi có nội soi đại tràng lại được chưa và nội soi tại bệnh viện ở Đà Nẵng có đảm bảo chẩn đoán tiền ung thư được không vậy bác sĩ?

Trần Mạnh Hùng, 56 tuổi

BS.CKII Nguyễn Quốc Thái

Xin chào bạn!

Bạn mô tả là bạn có triệu chứng đi tiêu ra máu, sau một thời gian ngắn thì hết, đã nội soi đại tràng và kiểm tra không phát hiện sang thương. Tôi nghĩ với những thông tin như vừa rồi, mình nên hướng đến các bệnh lành tính của vùng hậu môn như trĩ hoặc nứt hậu môn.

Về nội soi đại tràng, điều này sẽ tùy thuộc vào bạn có các yếu tố nguy cơ hay không. Ví dụ trong gia đình bạn có người từng bị ung thư (như ba mẹ, anh chị em ruột) hoặc độ tuổi của bạn từ 50 tuổi trở lên thì bạn nên đi soi đại tràng để kiểm tra lại. Khoảng cách giữa những lần soi trung bình là 5 năm nếu như bạn không có những sang thương nghi ngờ ác tính.

Để phát hiện được các sang thương sớm cần có các phương tiện, trang thiết bị hiện đại, đặc biệt là thiết bị nội soi cần có những nguồn sáng như NBI hoặc LCI. Tôi không thể kết luận được là bệnh viện tỉnh có bảo đảm tầm soát, phát hiện được sang thương sớm được hay không vì điều này phụ thuộc nhiều vào trang thiết bị và tay nghề của người thực hiện soi. Nhiều khi có những sang thương rất nhỏ, cần người nội soi có kinh nghiệm mới có thể phát hiện được sớm những sang thương đó.

Trân trọng!

BS Thai - Cau 04
 
 

Tôi đã điều trị phẫu thuật và hóa trị ung thư đại tràng giai đoạn ba, hiện tại đã được xuất viện. Tôi muốn nhờ bác sĩ tư vấn chế độ ăn phù hợp. Tôi thỉnh thoảng uống cà phê có được không? Tôi có phải kiêng hoàn toàn đường hay thịt đỏ không? Khi xuất viện, tôi được hẹn tái khám ba tháng một ...

Phạm Cường, 38 tuổi

BS Trần Vương Thảo Nghi

Thân chào Anh Cường!

Do không có thông tin về vị trí u đại tràng, về kích thước cũng như phần nào của đại tràng đã được cắt đi trong phẫu thuật, cũng như về loại thuốc hóa trị đã được dùng, nên chỉ có thể cung cấp các thông tin cơ bản, chứ không thể đảm bảo tính chuẩn xác vá cá thể hóa trong chế độ ăn.

Anh có thể thực hiện theo chế độ cơ bản như sau: chế độ dinh dưỡng cần đảm bảo cân bằng đầy đủ các nhóm thực phẩm (chất đạm, chất tinh bột, chất béo có bao gồm sữa và các dẫn xuất từ sữa, vitamin và khoáng chất, chất xơ từ rau củ quả). Có thể chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày nếu cần để giúp cơ thể dễ hấp thu.

Hiện nay vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng về việc kiêng hoàn toàn cà phê, đường hay thịt đỏ sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư/ giảm nguy cơ bệnh ung thư tái phát. Điểm mấu chốt là cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ các chất, cân bằng và phù hợp với thể trạng của từng người.

Ngoài ra, chế độ vận động đều đặn thường xuyên (bơi lội, đi bộ, đạp xe, dưỡng sinh, yoga, cầu lông, tennis...) cũng có thể giúp cải thiện sức khỏe. Đối với các thực phẩm chức năng, anh nên hỏi ý kiến của bác sĩ đang theo dõi bệnh để tránh tình trạng quá thừa/ hoặc thiếu các chất do sử dụng không hợp lý.

Mong rằng thông tin này có thề hỗ trợ thêm cho anh. Mến chúc anh vui khỏe, lạc quan.

Tôi hay nấc cục và khám bị trào ngược dạ dày, kéo dài gần cả năm. Hiện giờ, tôi lại bị đau một bên hầu họng và rát lưỡi, có mụn nhỏ đầu lưỡi khóe miệng trên môi. Tôi đã đi khám nhiều nơi bao gồm các bệnh viện lớn và phòng khám tư tại TP HCM nhưng không hết đau rát. Khi uống thuốc ...

Lê Liên, 61 tuổi

BS.CKII Nguyễn Quốc Thái

Xin chào bạn!

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể có nhiều biểu hiện khác nhau, bao gồm viêm hầu họng và viêm thanh quản. Các triệu chứng bạn mô tả thì chủ yếu ở vùng lưỡi và miệng nên tôi khuyên bạn nên đi khám tai mũi họng sớm, để bác sĩ có thể khám, tư vấn và tìm ra nguyên nhân cho bạn.

Trân trọng!

BS Thai - Cau 05
 
 

Dạo gần đây tôi ăn cảm thấy khó tiêu, đau ở vùng ức, thỉnh thoảng có chóng mặt thoáng qua. Có phải tôi mắc bệnh gì không? Hướng điều trị như thế nào? Xin cảm ơn bác sĩ.

Lan Nguyễn, 56 tuổi

BS.CKI Hồ Thị Bích Thủy

Chào bạn.

Triệu chứng khó tiêu và đau tức vùng ngực là triệu chứng thường gặp ở đường tiêu hóa trên (thực quản, dạ dày, tá tràng). Có thể gặp ở người ăn nhiều thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, thức ăn có chứa nhiều chất acid hay thức ăn có nhiều gia vị (như thức ăn chua, cay, hành...). Tuy nhiên cũng có thể gặp ở người có bệnh lý như trào ngược dạ dày tá tràng, viêm loét dạ dày tá tràng thậm chí là ung thư dạ dày. Do đó bạn cần đi khám bệnh và bác sĩ sẽ thăm khám và nội soi thực quản dạ dày tá tràng để chẩn đoán bệnh và có hướng điều trị cụ thể.

Tôi từng có bệnh lý viêm loét dạ dày có HP, hiện đã chữa khỏi viêm loét và hết HP được một năm. Tôi nên định kỳ nội soi tầm soát bệnh lý dạ dày và ung thư dạ dày bao lâu một lần? Xin cảm ơn.

Ngọc Ly, 46 tuổi

BS.CKII Nguyễn Quốc Thái

Xin chào bạn!

Người bị viêm dạ dày mãn tính có HP được xếp vào nhóm có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày. Tuy nhiên, bạn đã điều trị khỏi thì có thể tạm thời xem bạn như một đối tượng bình thường khác. Chúng tôi không có đủ thông tin để khuyến cáo bạn có nên nội soi hay không.

Thông thường, nội soi dạ dày sẽ bắt đầu với những bệnh nhân 50 tuổi trở lên. Những trường hợp bị viêm dạ dày mãn tính có thể soi 2-3 năm/lần.

Nếu bạn có thắc mắc thêm, xin vui lòng liên hệ đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh qua số điện thoại 0287 102 6789 để được hỗ trợ. Trân trọng!

BS Thai - Cau 03
 
 

Con cháu năm nay 8 tuổi, bé gái. Gần đây, bé bị đau bụng, sôi bụng rất khó chịu. Cháu bắt bé ăn nhiều nhưng bé cứ ăn vào lại bị căng bụng. Bệnh này làm bé không học được, luôn đói mặc dù đã ăn rất nhiều. Bé cũng bị đau đầu thường xuyên. Xin bác sĩ tư vấn giúp về bệnh của con ...

Thanh Trâm, 8 tuổi

ThS.BS Lê Phan Kim Thoa – Trưởng khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Chào bạn!

Con bạn 8 tuổi, gần đây bé bị đau bụng, sôi bụng khó chịu, ăn nhiều vào lại bị căng bụng, luôn đói mặc dù ăn rất nhiều. Qua những thông tin bạn chia sẻ, con bạn có thể đang gặp phải vấn đề về rối loạn tiêu hóa hoặc mắc bệnh lý về dạ dày. Còn về việc bé bị đau đầu thường xuyên, dưới đây là một số nguyên nhân gây đau đầu thường gặp ở trẻ nhỏ:

- Do bệnh lý: viêm tai giữa, viêm xoang, chứng đau nửa đầu.

- Bệnh về mắt: cận thị , loạn thị, viễn thị. Bệnh về mắt khi không được phát hiện kịp thời, không dùng kính hỗ trợ hay dùng kính không đúng tiêu cự cũng làm cho bé nhức đầu thường xuyên.

- Stress: yếu tố căng thẳng, tâm lý như học hành căng thẳng, bị ba mẹ la mắng...

Với tình trạng của con bạn, bạn nên đưa bé đến khám tại bệnh viện và làm thêm xét nghiệm để bác sỹ kịp thời tìm ra nguyên nhân, từ đó có hướng điều trị kịp thời cho bé.

Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình để được giải đáp.

Em đi khám đã hai năm bị trào ngược và viêm hang vị dạ dày. Em đã uống thuốc nhưng không có kết quả nhiều. Em muốn hỏi phương pháp điều trị kết hợp uống thuốc như thế nào cho hiệu quả?

Bùi Thanh Tùng, 38 tuổi

ThS.BS Nguyễn Trung Liêm

Chào bạn.

Đối với bệnh lý trào ngược dạ dày - tá tràng, trước tiên cần xác định mức độ trào ngược; xác định một số nguyên nhân và yếu tố nguy cơ liên quan đến tình trạng này. Nếu trong trường hợp bạn đã được chẩn đoán bệnh lý trào ngược dạ dày - thực quản thì việc điều trị sẽ có 2 vấn đề chính: 1. Thuốc và 2. Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, tránh các yếu tố khởi phát cũng như các yếu tố gây nặng hơn cho tổn thương (rượu, bia, chất có gas...). Ngoài việc dùng thuốc ra, bạn cần lưu ý đặc biệt tới chế độ sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ (Kiêng rượu, bia, thuốc lá, nước có gas, đồ cay, nóng, chua; tránh các tình huống căng thẳng tâm lý, tránh mất ngủ. Sau các bữa ăn ít nhất 2 tiếng mới được nằm, hoặc có thể đi nằm sớm hơn nhưng phải đảm bảo tư thế đầu và ngực cao hơn bụng; không bưng bê, thể dục thể thao, gây tăng áp lực ổ bụng sau ăn; hạn chế các động tác cúi dốc đầu; Bữa tối ăn nhẹ, ăn nhạt hơn bình thường, không ăn no, không ăn đồ khó tiêu; hạn chế dùng nước vào buổi tối; kết thúc bữa tối trước khi ngủ ít nhất 3 giờ).

Việc dùng thuốc điều trị kết hợp với thực hiện chế độ như trên cần được sự theo dõi của bác sĩ để nắm được sự chuyển biến của các triệu chứng vì hiện nay có tình trạng bệnh lý trào ngược kháng trị.

Trân trọng.

Sáng nào tôi cũng phải đi ngoài xong mới dám đi làm vì mỗi khi tôi mắc là đi không kịp. Tôi còn chứng ăn no hay bị trào ngược khi ra đường là không thở được hoặc bị ho. Xin bác sĩ tư vấn, cảm ơn nhiều.

Trần Văn Nguyên, 57 tuổi

BS.CKI Hoàng Đình Thành

Chào anh!

Nếu nội soi đại tràng bình thường thì khả năng anh bị hội chứng ruột kích thích. Thế nên anh cần đi khám và nội soi đại tràng để loại trừ các bệnh có tổn thương thực thể. Vấn đề trào ngược cũng cần được nội soi để xem có biến chứng gì ở thực quản hay không, đồng thời kiểm tra tình trạng dạ dày.

Tóm lại, với tình trạng của anh, chúng tôi khuyên anh nên đi khám và thực hiện nội soi thực quản dạ dày và cả nội soi đại tràng. Khi có kết quả chính xác thì việc điều trị mới có hiệu quả, anh không nên tự mua thuốc uống theo cảm tính, bệnh có thể không khỏi thậm chí bỏ sót bệnh thì rất nguy hiểm. Ngoài ra, ở tuổi trên 50, khuyến khích anh nên nội soi đại tràng tầm soát bệnh, ngay cả khi không có triệu chứng gì! Vậy anh nên sớm đi khám và làm những việc cần thiết để an tâm anh nhé! Trân trọng!