VnExpress - Bao tieng Viet nhieu nguoi xem nhat

Thứ sáu, 20/9/2024

Bé nhà em 3 tuổi, thường xuyên bị giun kim, mặc dù đã sổ giun định kỳ 6 tháng nhưng không đỡ. Hôm trước, em thấy bé đi cầu ra giun luôn. Bác sĩ có thể giúp em được không ạ?

Trần Thu, 27 tuổi, Bắc Giang

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Hương

Chào bạn Thu, con bạn bị giun kim. Giun kim nó có một đặc điểm nó ở trong cơ thể nhưng khi hậu môn ấm thì nó có thể chui ra ngoài hậu môn để đẻ trứng ở bên ngoài, sau đó lại chui ngược vào. Cho nên, tẩy giun kim không hề đơn giản chút nào.

Thứ nhất là các bạn sẽ phải tẩy tập thể, tức là những ai mà ngủ chung với bé như bạn ở lớp bán trú hay gia đình. Bạn phải chọn những ngày thật nắng trời, mang tất cả những vật dụng có tiếp xúc với bé như: chăn, chiếu, quần, áo... đem đi phơi dưới nắng để làm loại bỏ những trứng giun còn rơi rớt ở bên trong. Kèm theo đó thì bạn cho bé tẩy giun với thuốc dạng Zentel. Có trường hợp bé bị nặng quá thì 3 tuần sau cần phải tẩy giun. Về sau, cứ khoảng 6 tháng hoặc 1 năm bạn phải tẩy lại.

Bên cạnh đó, bạn cần vệ sinh sạch sẽ, không cho trẻ mút tay, tất cả đồ chơi của trẻ phải được rửa sạch, không ăn đồ sống và tắm rửa vệ sinh cho bé cẩn thận. Nếu không, giun kim sẽ theo đường mũi miệng vào cơ thể. Trường hợp bé bị giun kim nhiều lần trong khi bạn đã tẩy giun rồi thì về vấn đề vệ sinh bạn cần phải xem xét lại.

ID CLIP 87699_PGS Nguyễn Thị Quỳnh Hương
 
 

Thưa bác sĩ, làm thế nào để phân biệt cháu bị cảm lạnh do thời tiết hay là mắc các bệnh về đường hô hấp để chữa trị kịp thời ạ? Cháu thấy 2 bệnh này biểu hiện khá giống nhau.

Ngọc Anh, 32 tuổi, Hà Nội

BSNT Dương Thùy Nga

Xin chào bạn Ngọc Anh, bạn có hỏi vấn đề là băn khoăn của rất nhiều các ông bố bà mẹ. Đó là phân biệt giữa cảm lạnh và viêm đường hô hấp. Cảm lạnh về bản chất là bệnh lý gây tổn thương lên đường hô hấp và do virus gây nên. Và có rất nhiều loại virus khác nhau có thể gây hiện tượng cảm lạnh như Rhinovirus, adenovirus. Thông thường các ông bố bà mẹ nghĩ rằng cảm lạnh cũng rất nhẹ nhàng, con có thể hắt hơi, sổ mũi nhẹ, sốt nhẹ, đau họng và thường là tự hồi phục.

Trong khi đó, viêm đường hô hấp trên thì có nguyên nhân rất là đa dạng, có thể căn nguyên là vi khuẩn, virus. Bệnh viêm đường hô hấp không không chỉ đơn thuần do virus cúm gây ra mà có thể do những loại vi khuẩn như viêm phế cầu, tụ cầu, Hib và biểu hiện của bệnh cũng rất đa dạng. Có những cháu biểu hiện rất nhẹ nhàng như viêm mũi, hắt hơi sổ mũi... nhưng có những bạn nặng bị khò khè, ho đờm có thể bị viêm phế quản, viêm phổi.

Do vậy, nếu chỉ dựa trên những triệu chứng lâm sàng và với kinh nghiệm của các bậc phụ huynh thì việc phân biệt 2 bệnh lý này chỉ là một phần thôi. Quan trọng là bạn phải theo dõi con mình để xem bé nhà mình có những dấu hiệu gì đáng ngại, cần có sự tư vấn của y tế hay không. Ví dụ như bé có bị sốt cao, sốt kéo dài, sốt cao liên tục, ho... có ảnh hưởng tới việc ăn uống của bé, bé khò khè, nôn trớ, không ăn ngủ được... hay bé khó thở, li bì... thì những trường hợp như vậy cần phải đưa bé đi khám. Đặc biệt là những bé nhỏ, có thể chỉ 1 tháng tuổi, nhưng nếu đã sốt trên 38 độ thì cho dù bạn nghĩ là cảm lạnh hay viêm đường hô hấp thì bạn cũng bắt buộc phải đưa bé đi khám. Vì để điều trị tốt nhất cho bé thì rất cần sự tư vấn của cơ sở y tế.

ID CLIP 87696_BS Dương Thuỳ Nga
 
 

Chào bác sĩ. Bé nhà cháu 8 tháng tuổi, đang ăn bột và có bú kèm sữa mẹ. Mấy ngày nay bé bị ho khan, không sổ mũi, không sốt. Xin hỏi bác sĩ cháu nên làm gì? Có cần đi khám uống thuốc không? Cảm ơn bác sĩ. Mẹ cháu cũng bị rát họng, chớm ho, có thể do nằm điều hòa nhiều ...

Nguyễn Nhật Thu, 29 tuổi, Hưng Yên

BSNT Phan Thị Thu Minh

Cám ơn bạn vì câu hỏi. Em bé nhà bạn 8 tháng, đang ăn bột và bú sữa mẹ, vấn đề dinh dưỡng của bé vậy là rất hợp lý rồi. Gần đây, em bé có ho khan và không chảy mũi, không sốt. Nếu em bé không có những triệu chứng sau: không li bì, quấy khóc bất thường; em bé ho xong, ăn xong không bị nôn trớ; bé chơi bình thường, thở bình thường; bé không bị gắng sức khi thở, không có những tiếng thở rít và tần suất ho khan không quá nhiều thì mẹ có thể theo dõi bé vài ngày nữa và không cần phải dùng thuốc ho. Vì ho là một cơ chế tự nhiên của cơ thể để bảo vệ cơ thể, tống những dị vật, đờm, dãi trong cơ thể ra. Khi đó mình làm cho bé bớt ho đi thì không phải là lựa chọn tối ưu.

Việc mẹ có nằm điều hòa và hơi đau rát họng thì không thể khẳng định ngay việc bé ho là do nằm điều hòa được. Bạn nên theo dõi bé, nếu con có bất kỳ dấu hiệu nào như bác sĩ tư vấn với bạn thì cần đưa bé đi khám luôn. Trường hợp con không có triệu chứng như bác sĩ tư vấn mà trong vòng 3 - 4 ngày sau, bé vẫn ho như vậy thì bạn nên kết nối với bác sĩ để nhận những tư vấn tiếp theo.

ID CLIP 87693_BS Phan Thị Thu Minh
 
 

Chào các bác sĩ, con em hơn 1 tuổi, nặng gần 10kg. Con em hiện đang bị sốt, và ho nhiều. Em đã cháu cho uống thuốc hạ sốt (4h/lần) và siro ho nhưng mà không thấy đỡ. Không biết có cách nào trị khỏi ho và sốt không? Con em có bị bệnh gì không hả bác sĩ? Vì giờ đưa bé tới ...

Oanh Nguyễn, 25 tuổi, Quảng Ninh

TTƯT.PGS.TS.BS Nguyễn Thị Yến

Chào bạn!
Bé nhà bạn 1 tuổi nặng 10kg, các chỉ số phát triển của bé khá tốt. Hiện tại đang trong mùa hè, trẻ nhỏ rất dễ gặp tình trạng nhiễm khuẩn hô hấp và bé nhà bạn đã có biểu hiện sốt, ho thì nguyên nhân có thể do virus, vi khuẩn hoặc các loại vi sinh vật khác.

Nếu bạn chưa đưa bé đi khám được, bạn cần theo dõi sát sao trẻ tại nhà. Nếu trẻ sốt cao thì phải hạ nhiệt cho bé, khi trẻ bị ho nhiều có thể sử dụng các loại thuốc ho an toàn hoặc tự chế biến tại nhà như quất hấp mật ong, lá húng chanh hấp đường phèn. Kết hợp vệ sinh mũi miệng cho bé bằng nước muối sinh lý (3 lần/ngày), nếu trẻ có nhiều nước mũi thì có thể hút nước mũi cho trẻ. Khi uống nước, nên cho bé uống nước từng ngụm nhỏ để tránh làm khô miệng và đồng thời giúp làm sạch miệng cho bé.

Nên duy trì việc tắm cho bé để vừa giúp hạ nhiệt cho bé khi bé bị sốt cao, đồng thời giảm nguy cơ lây nhiễm các vi sinh vật bám ở tay chân, da của em bé. Nếu bé ho tăng lên, có dấu hiệu thở nhanh thì phải đưa bé đến viện khám vì có thể đó là dấu hiệu của viêm phổi.

ID CLIP 87692_PGS Nguyễn Thị Yến
 
 

Con gái em 12 tuổi được chẩn đoán là viêm thận lupus ban đỏ hệ thống. Cháu đã điều trị thuốc prednisone 1 năm nay rồi. Bác sĩ cho em hỏi con em hiện nay đang ổn định thì em có thể dừng thuốc được không ạ?

Tú Anh, 32 tuổi, Hà Nam

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Hương

Chào bạn, con bạn bị viêm thận lupus thì khi dùng thuốc cần nhớ đã sử dụng các loại thuốc liên quan đến ức chế miễn dịch thì phải dùng cả đời, không được dừng, mặc dù bây giờ đang rất ổn định. Thận lupus chắc bạn cũng biết rồi, đó là một dạng bệnh mà cơ thể tự sinh ra chất kháng thể chống lại các thành phần, cơ quan trong cơ thể. Trong đó, con bạn đã sinh ra một loại kháng thể chống lại thận của mình. Hiện nay thuốc đặc trị thận lupus thì chưa có, người ta đang dùng các thuốc ức chế miễn dịch để làm cho kháng thể đó bớt hoạt động hơn và để cho cơ thể ổn định, không tự phá mình nữa.

Trường hợp này con bạn đã dùng ổn định với Prednisone thì bé phải điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý dừng thuốc. Nếu bé ổn định với liều các bác sĩ sẽ giảm dần liều và duy trì ở liều sàn (tức là liều thấp nhất để có thể khống chế được bệnh) và các thay đổi này cần có chỉ định bác sĩ. Ngoài thuốc prednisone bạn có thể cần dùng các loại thuốc khác như Hydroxychloroquin.

Ngoài ra thì bé phải tránh ánh nắng mặt trời, bé có thể uống thêm omega 3 bởi vì theo nghiên cứu người ta thấy rằng: trong một số trẻ ở vùng gần biển mặc dù nắng gió nhiều nhưng bệnh nhân đó lại không bị nặng bằng các bệnh nhân trong vùng đất liền. Sau đó người ta phát hiện dân vùng biển ăn khá nhiều cá, trong cá có nhiều Omega 3 tốt cho bệnh Lupus. Trường hợp này, bạn cần nhớ ánh sáng mặt trời hoặc một số loại thuốc có thể khởi phát bệnh và quan trọng bạn phải tránh nắng sáng mặt trời.

Thứ hai là điều trị thuốc là phải theo bác sĩ suốt đời. Dần dần y học thế giới sẽ phát triển và tìm ra được biện pháp điều trị được căn nguyên. Như hiện nay đã có một số nghiên cứu về tế bào gốc tạo máu trong bệnh lupus. Có thể trong tương lai, thế giới sẽ phát hiện ra phương pháp điều trị bệnh triệt để. Còn hiện nay thì bạn chỉ cần sử dụng Prednisone mà chưa phải dùng các loại thuốc ức chế miễn dịch cao hơn thì đó là một điều may mắn. Tuyệt đối không dừng thuốc đột ngột mà cần tuân theo chỉ định của bác sĩ. Nếu bạn tự ý dừng thuốc, con bạn bị mầm lây thì rất là nguy hiểm.

ID CLIP 87691_PGS Nguyễn Thị Quỳnh Hương
 
 

Con em 10 tuổi mà bị tiểu dầm, đêm nào cũng đi. Cháu bị từ bé tới giờ, gia đình em rất lo lắng, căng thẳng vì tình trạng của cháu. Mẹ em có nói hồi nhỏ em cũng bị như bé bây giờ nhưng 6 tuổi là hết rồi. Em đã cho bé đi khám thì kết quả siêu âm thận không có ...

Hòa Nguyễn, 36 tuổi, Ninh Bình

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Hương

Chào bạn, con bạn đến nay được 10 tuổi và bị tiểu dầm. Khi bé bị tiểu dầm như vậy thì đây là tình trạng không bình thường bởi thường các bé bị tiểu dầm sinh lý là trước 5 tuổi. Vậy tại sao con bạn bị tiểu dầm? Đại đa số các bé bị tiểu dầm tiên phát, tức là từ bé tới giờ, các cháu đều bị tiểu dầm và đêm nào cũng bị ướt. Mẹ bé cũng bị tiểu dầm tới năm 6 tuổi mới khỏi thì con bạn cũng có khả năng tiểu dầm tiên phát.

Vậy, tiểu dầm tiên phát là gì? Thứ nhất là trong não của mình có tiết ra một chất hormone (ADH) sẽ có tác dụng xuống đến thận và làm cho thận tái hấp thu nước ở trong ống thận và cuối cùng chỉ có rất ít nước tiểu đi ra ngoài. Người bình thường trên 5 tuổi đã bắt đầu tiết ra các chất rất đầy đủ ADH và ban đêm tiết nhiều hơn so với ban ngày. Cho nên ban đêm khi bé ngủ thì các chất ADH tiết ra rất nhiều và nó tái hấp thu toàn bộ nước lại, do đó 8 tiếng ban đêm nó chỉ tương đương 3-4 tiếng ban ngày. Chính vì vậy mà lượng nước thải ra rất ít và đến tận sáng hôm sau mình mới đi tiểu ra ngoài.

Với trường hợp của con bạn, ban đêm bị thiếu hormone ADH cho nên thận không làm việc được hết năng suất của nó vào ban đêm. Chính vì thế mà nước được thải ra khá là nhiều và khi nước thải ra nhiều như vậy thì bé có rất nhiều nước đi xuống bàng quang. Khi nước đầy ở bàng quang thì thông tin tín hiệu sẽ truyền qua tủy sống, nên tới não và đánh thức bé để bé đi tiểu bình thường trong lúc mình tỉnh. Tuy nhiên, có thể trong trường hợp ban đêm, não bộ kém hoạt động hơn do ngủ say vì thế không nhận được tín hiệu, khiến bé không tỉnh dậy được để đi tiểu.

Vấn đề đặt ra là khi bé đi tiểu như vậy và đêm nào cũng ướt thì sẽ làm cho gia đình rất khó chịu. Về cách điều trị, bạn đã cho con đi siêu âm để loại trừ các bệnh thận rồi. Và theo bạn mô tả thì bé chỉ thường xuyên tiểu nhiều vào đêm nhiều vậy là thuộc dòng tiên phát nhiều hơn và mẹ cũng có gen như vậy.

Trong trường hợp như thế, bạn sẽ có 2 cách điều trị:
Thứ nhất là điều trị bằng đồng hồ báo thức trước. Nguyên lý hoạt động như sau: Trên đồng hồ báo thức nó điểm nóng và nhạy cảm, bạn đưa vào trong quần của bé và khi 1-2 giọt nước chảy ra thì điểm cảm nhận sẽ báo lên đồng hồ báo thức, làm cho mọi người tỉnh giấc, bé cũng tỉnh giấc để đi vệ sinh kịp. Đôi khi bố mẹ tỉnh dậy trước thì phải gọi con tỉnh như ban ngày bình thường để đi toilet và đi tiểu. Lưu ý, không để bé ngái ngủ khi đi vệ sinh, vì như vậy sẽ không tạo được phản xạ là một giọt nước ra quần cái là bé tỉnh như sáo dậy và bé đi vệ sinh luôn.

Tuy nhiên, ở Việt Nam có khí hậu nóng nên đôi khi nước tiết ra tạo nên tiếng kêu giả, cho nên nếu cẩn thận thì bạn lấy một miếng gạc mỏng lót bên trên để nước hơi ẩm thấm ra sẽ không dính vào điểm tiếp nhận đó. Và khi nước tiểu thực sự ra sẽ tạo thành một giọt đầy, nó sẽ ngấm qua miếng gạc và thấm vào điểm điểm tiếp nhận, đồng hồ sẽ báo lên. Thông thường, sau khoảng 3 tháng dùng đồng hồ báo thức thì sẽ tạo được phản xạ cho con. Lúc đó bé có thể buồn tiểu sẽ dậy đi tiểu và vào ngủ tiếp thì mình sẽ đỡ căng thẳng hơn.

Nếu đồng hồ báo thức không có tác dụng và vẫn không tạo được phản xạ Pavlov thì có thể sử dụng hormone thay thế. Trong trường hợp này, mẹ cần đưa bé đến gặp các chuyên gia, chúng tôi sẽ kiểm tra tình trạng của bé và bạn cần làm nhật ký tiểu dầm nữa. Qua đó, chúng tôi mới ước lượng bé thiếu khoảng bao nhiêu hormone để chỉ định cho bé. Và điều trị hormone thì bạn cần đến khám và chúng tôi sẽ chẩn đoán và điều trị.

ID CLIP 87690_PGS Nguyễn Thị Quỳnh Hương
 
 

Chào bác sĩ, bé nhà em được 7 tháng tuổi. Bé mang gen thalassemia ở thể dị thể thì có cần bổ sung sắt cho bé không ạ?

Trần Hoà, 29 tuổi, Hà Nội

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Hương

Chào bạn, bé nhà bạn mang gen Thalassemia ở thể dị hợp tử thì thường các bé đôi khi không có triệu chứng hoặc thiếu máu nhẹ. Bé 7 tháng tuổi cũng có thể bị thiếu máu, thiếu sắt kèm theo. Cho nên trong trường hợp này thì bạn nên đưa bé đi kiểm tra để kiểm tra lượng sắt dự trữ trong gan (ferritin) có bị thiếu hay không. Nếu như kết quả bé bị thiếu ferritin thì bạn cần bù thêm sắt cho bé.

ID CLIP 87689_PGS Nguyễn Thị Quỳnh Hương
 
 

Chào bác sĩ, bé nhà em 25 tháng nặng 12kg, khoảng 1 tháng nay bé bị táo bón, 3 ngày - 4 ngày mới đi tiêu một lần, đỉnh điểm hôm nay đi phân rỉ máu và khóc nhiều. Bé ăn rau, củ tốt ạ, uống khoảng 400ml/ ngày. Ăn Trái cây và mỗi ngày 1 hũ sữa chua. Tối bé bú thêm 150ml ...

Phùng Thị Tuyết Nhung, 26 tuổi, Hòa Bình

BSNT Dương Thùy Nga

Xin chào bạn, với những thông tin bạn cung cấp, tôi cho rằng khả năng đúng là em bé nhà bạn bị táo bón. Bé 3-4 ngày mới đi tiêu một lần, phân cứng và có hậu quả của táo bón là bé đi ngoài ra máu, khả năng là bé bị rách niêm mạc hậu môn.

Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng táo bón ở trẻ: nguyên nhân sinh lý (sinh hoạt, vận động) hay nguyên nhân bệnh lý. Thông thường ở độ tuổi này, nếu bé mới xuất hiện tình trạng táo bón thì có thể là tình trạng cấp tính. Tuy nhiên, chúng tôi chưa biết thông tin về tình trạng gần đây của bé có sốt không, có dùng thuốc gì hay không vì một số loại thuốc cũng có thể gây ra hiện tượng táo bón.

Bạn cũng có nói là em bé ăn nhiều, ăn đủ rau củ quả, nhưng em bé uống nước không? Bởi giai đoạn này ngoài nhu cầu dùng sữa là 500ml thì em bé cũng cần được bổ sung thêm nước lọc.

Lượng chất xơ đóng vai trò rất quan trọng đối với việc tiêu hóa ở trẻ. Có nhiều bậc phụ huynh cũng ép nước cho con nhưng không ăn chất xơ đủ thì đó cũng là nguyên nhân khiến con bị táo bón. Ngoài ra, thói quen để hình thành cho con đi vệ sinh như thế nào, em bé đã được tập ngồi bô để đi ngoài khi em bé có nhu cầu hay em bé vẫn nhịn.

Mặt khác, trong chế độ sinh hoạt hàng ngày mình cũng có thể tăng cường vận động, xoa bóp, xoa bụng, massage bụng cho bé theo chiều kim đồng hồ để kích thích nhu động ruột và cũng nên cho bé vận động, sinh hoạt, thể dục thể thao nhẹ nhàng.

Nếu như bé nhà mình có hiện tượng này kéo dài khoảng 2-3 tuần và đặc biệt nếu bé bị đi ngoài ra máu kéo dài thì tôi khuyên bạn nên cho bé đi khám bởi vì mình có thể loại trừ những nguyên nhân về mặt bệnh lý chứ không hoàn toàn về nguyên nhân cơ năng.

Chúc bạn sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình, hoặc liên hệ tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tại Hà Nội: 1800 6858 và tại TP.HCM: 0287 102 6789 để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!

ID CLIP 87688_BS Dương Thuỳ Nga
 
 

Em đang nuôi con nhỏ 9 tháng (có bú mẹ), nay em mang thai được 12 tuần. Em có tiêm được vaccine phòng Covid-19 không ạ? Em cảm ơn.

Nguyễn Thị Hồng, 30 tuổi, TP.Bắc Giang

Xin chào bác sĩ, bé nhà con được 20 tháng nhưng đêm bé ngủ vẫn không ngon và ngày thì rất hay chảy dãi và chảy nhiều . Mọi nhận thức của bé vẫn tốt, bé có cần phải đi khám hay bổ sung gì không ạ? Con cảm ơn bác sĩ.

Oanh Tổng, 30 tuổi, Quảng Ninh

BSNT Dương Thùy Nga

Xin chào bạn, bé nhà bạn đã được 20 tháng và có hiện tượng khó ngủ, ngủ không ngon giấc, chảy dãi. Hiện tại thì tôi cũng chưa nắm được thông tin là bé đã có tình trạng thế này lâu chưa? Vì trường hợp bé mới có tình trạng này hay hiện tượng kéo dài thì sẽ dẫn tới nhiều tình huống xử lý khác nhau.

Nếu trong trường hợp hiện tượng mới chỉ xảy ra vài ngày thì bạn có thể kiểm tra là có phải bé đang mọc răng hay không. Vì nhiều em bé ở giai đoạn này có thể mọc răng hàm hoặc các răng khác, khiến tuyến nước bọt tiết ra nhiều hơn và gây ra tình trạng rớt dãi. Vì thế mà ban đêm em bé khó chịu, quấy khóc. Trong trường hợp này bạn có thể tự theo dõi bé tại nhà.

Nếu hiện tượng này kéo dài, em bé thường xuyên chảy dãi, khó ngủ, ảnh hưởng tới sinh hoạt hoặc ăn uống khiến bé chậm tăng cân thì bạn nên đưa em bé đi khám để có thể loại trừ một số bệnh lý khác.

ID CLIP 87686_BS Dương Thuỳ Nga
 
 

Thưa bác sĩ, bé nhà cháu 3 tuổi lúc xem tivi mắt cháu hay nhìn lệch sang 1 bên. Làm thế nào để điều chỉnh cho cháu để cháu hết tình trạng đó không ạ?

Lan Hin, 28 tuổi, Hà Nội

BSNT Phan Thị Thu Minh

Xin chào bạn,
Bé nhà bạn 3 tuổi và có hiện tượng nhìn lệch sang một bên khi xem tivi thì tôi cần có thêm thông tin là bé đã bị như vậy lâu chưa. Trong trường hợp bé bị từ lúc mới sinh ra thì nên được khám với bác sĩ chuyên khoa mắt để khám và phát hiện những dị tật bẩm sinh, để đánh giá những dị tật đó có cần can thiệp điều trị hay không.

Còn nếu hiện tượng nhìn lệch ở bé mới xuất hiện thì câu chuyện sẽ khác. Lúc này, bạn cần cung cấp thông tin: bé gần đây có bị ngã hay không, có nôn trớ, quấy khóc bất thường hay không, vấn đề vận động có gì bất thường không, hiện tượng bé nhìn lệch có bị tăng dần hay nặng dần hay không. Trong trường hợp hiện tượng nhìn lệch nặng dần thì bạn cần đưa bé tới khám với bác sĩ để phát hiện các bệnh liên quan tới liệt dây thần kinh hay tổn thương dây thần kinh liên quan tới thị lực.

Hoặc bé có thể chỉ gặp các vấn đề về tật khúc xạ. Trong trường hợp này thì bạn có thể chưa cần phải khám ngay lập tức nhưng vẫn cần phải tới gặp bác sĩ. Ngoài ra, có một hiện tượng rất hiếm xảy ra đó là u nguyên bào võng mạc. Bệnh có thể được phát hiện nếu như bạn chụp ảnh với đèn flash thì nhìn trên ảnh, bé có hiện tượng đồng tử trắng (hay còn gọi là dấu hiệu mắt mèo). Trường hợp này thì bạn cần tới gặp bác sĩ ngay lập tức.

Trong thời gian chúng ta chưa tới khám với bác sĩ, mẹ có thể hỗ trợ bé bằng cách không cho bé xem tivi ở khoảng cách gần, trong thời gian kéo dài. Nên khuyến khích bé nhìn ra không gian xa, rộng như nhìn ra ngoài trời. Cảm ơn bạn.

ID CLIP 87685_BS Phan Thị Thu Minh
 
 

Sau khi sinh mổ thì bao lâu 2 vợ chồng mới có thể quan hệ lại ạ? Trong thời gian cho con bú không có kinh sao em vẫn thấy có trường hợp vẫn "dính bầu", và bị chửa ngoài dạ con ạ?

Trà My, 30 tuổi, Hà Nội

BS.CKI Nguyễn Hoàng Tùng

Chào bạn! Sau sinh có thời kỳ gọi là hậu sản trong 7 tuần (42 ngày) và trong thời gian này cơ thể sẽ đẩy hết sản dịch ra ngoài. Khi hết sản dịch thì bạn mới có thể quan hệ lại được.
Vấn đề sau sinh kinh nguyệt chưa có lại nhưng vẫn có thai là điều có thể xảy ra.

Bạn nên áp dụng những biện pháp tránh thai như là: Cho con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu (không sữa ngoài), kinh nguyệt chưa quay lại thì có thể đảm bảo tránh thai an toàn. Tuy nhiên nếu bạn không có đủ 2 điều kiện trên thì vẫn có thể có thai nên bạn cần lưu ý vấn đề này. Về việc có thai ngoài dạ con thì có rất nhiều nguyên nhân, không hẳn là do mang thai trong giai đoạn cho con bú. Thân mến!

CLIP 87777_BS Nguyễn Hoàng Tùng
 
 

Chào bác sĩ, em đang bầu gần 30 tuần, đã test dương tính vào ngày 14/8. Mấy ngày qua có sốt, ớn lạnh run người 2 ngày, tiêu chảy, mệt mỏi đau nhức khắp người. Tuy nhiên, 2 ngày nay cũng không còn sốt nữa, mong bác sĩ tư vấn em nên làm gì, liệu có ảnh hưởng tới em bé không. Em cảm ơn ...

Le Thanh Nguyen, 30 tuổi, Tân Bình

Em 37 tuổi, thai được 12 tuần, từ khi mang thai thì em bị nghén nên không ăn được, do đó bệnh đau bao tử tái phát nặng, lại thêm bướu cổ sưng hơi to, nên hành em đau bụng, căng bụng trên, lúc nào cũng đói cồn cào dù ăn rồi hay chưa ăn cũng vậy, cứ nghẹn nghẹn ở cổ khiến em mệt ...

Nguyễn Thị Hằng, 37 tuổi, TPHCM

Xin chào Quý chuyên gia.
Gia đình tôi có 1 bé trai, nay đã được 5 tuổi nhưng cháu có vấn đề về ngôn ngữ, cháu chưa phát âm rõ 1 số từ ví dụ như "con cá" cháu lại nói là "chon chá"...
Khi đang kể về vấn đề gì đó thì cháu dừng lại suy nghĩ xem phải nói như thế nào, ...

Ngân Dương, 22 tuổi, Trung An, Tp. Mỹ Tho, tiền giang

Hiện tại em mang thai 21 tuần ở Long An giờ em muốn tiêm vaccine thì nên đi tiêm ở đâu được ạ? Bệnh viện ở Long An liệu có tiêm được không? Em cảm ơn ạ!

Nguyễn Ngọc Giàu, 30 tuổi, Thủ thừa, long an

Cho em hỏi ạ. Em đặt vòng tránh thai 3 tháng, chu kỳ kinh nguyệt kéo dài 7 ngày mới hết, mới có kinh ít khoảng 3-4 ngày và 2-3 ngày sau ra nhiều. Hiện tại tháng thứ 3 sau khi đặt vòng tới kỳ kinh nguyệt lại đau bụng dưới âm ỉ không dứt vào lúc 4-5 giờ sáng, đau bụng kèm đau ...

Trương ngọc tú, 25 tuổi, Ấp Tân lợi xã tân hưng huyện tân châu tỉnh tây ninh

Bác sĩ ơi, bé nhà em được 7 tuổi, cháu đi khám da liễu được chuẩn đoán là chàm, viêm da cơ địa, cháu uống thuốc một thời gian có đỡ. Nhưng dịch bệnh cháu không đi khám lại được. Thời gian gần đây, cháu có biểu hiện hen, suyễn (ho dai dẳng nhiều tháng liền, kèm theo hắt hơi). Cháu xin bác sĩ ...

Trần Thị Thu Hiền, 38 tuổi, 808/c5 đường 30/4, p11, TP vũng tàu

BS.CKI Nguyễn Thị Hạnh Trang

Chào em,
Về vấn đề chàm da:
● Bé nhà em từng bị chàm (viêm da cơ địa) hiện tại dịch bệnh không đi khám được em nên cho bé tiếp tục thoa kem dưỡng ẩm theo toa bác sĩ da liễu đã kê. Giữ ẩm da trong bệnh viêm da cơ địa (chàm) có vai trò rất quan trọng, sẽ tạo hàng rào bảo vệ da bé, hạn chế việc bé bị bệnh nặng hơn.
● Ngoài ra, em tránh cho bé các yếu tố có thể gây kích ứng da như xà phòng, nên tắm bằng sữa tắm không chứa xà phòng và hương liệu, giữ cơ thể bé luôn thoáng mát, mặc quần áo thấm hút mồ hôi, tắm nước ấm, sau tắm lau nhẹ nhàng bằng khăn cotton và dưỡng ẩm.
● Khi nào da bé bị đỏ, rỉ dịch, bé bị sốt em sẽ liên lạc lại bệnh viện, tùy tình hình bác sĩ sẽ hướng dẫn em tiếp.

Về biểu hiện hen suyễn của bé (ho, hắt hơi...), không biết em bé đã từng được chẩn đoán hen chưa, hiện tại em đã cho bé dùng những thuốc gì. Tình trạng ho dai dẳng nhiều tháng liền trên cơ địa bé bị chàm da cũng có khả năng bé bị hen suyễn; tuy nhiên vẫn có nhiều nguyên nhân khác có thể dẫn tới tình trạng này như viêm mũi xoang, trào ngược dạ dày thực quản, viêm phế quản, giãn phế quản, lao phổi... Vì vậy tốt nhất em cho bé đi khám để có hướng chẩn đoán và theo dõi bé phù hợp.

Nếu bé chỉ bị ho từng đợt kéo dài vài ngày rồi hết, bé vẫn chơi, sinh hoạt bình thường, em có thể cho bé uống tạm siro ho thảo dược một vài ngày. Nếu tình trạng bé cải thiện em có thể theo dõi tại nhà thêm. Chú ý đưa bé đến ngay bệnh viện khi bé có một trong những dấu hiệu sau: khó thở, tím môi, đừ, nặng ngực, đau ngực, sốt ... hoặc ngay khi em cảm thấy bé có dấu hiệu bất thường.

Mến chúc bé và gia đình em khỏe mạnh, an toàn trong mùa dịch này. Mến chào em!

Tôi năm nay 42 tuổi đã có 1 con muốn có thai lần nữa, khoảng 6 năm nay để tự nhiên và có thai nhưng cả 2 lần đều tự sẩy. Đi thăm khám chẩn đoán thai ngoài tử cung, tôi vẫn muốn có em bé có được không và nên để tự nhiên hay nên đi thụ tinh nhân tạo?

Nguyễn xuân Mai, 42 tuổi, 243, Trần Phú, tx.Tân Châu, An Ginag

Xin chào các bác sĩ,
Con gái của em năm nay 4 tuổi bé rất hay bị chảy máu cam và mỗi lần chảy rất nhiều máu. Bác sĩ cho em hỏi tình trạng như vậy có ảnh hưởng đến sức khỏe của bé không ạ?
Chân thành cám ơn sự giải đáp từ các bác sĩ.

Phạm thị phương Loan, 32 tuổi, Gian nghĩa đăk nông

BS.CKI Nguyễn Thị Hạnh Trang

Chào bạn!
Chảy máu cam là một vấn đề sức khỏe thường gặp ở trẻ em. Hầu hết chảy máu cam ở trẻ em xảy ra ở phần trước của mũi gần với lổ mũi. Phần mũi này có nhiều mạch máu nhỏ li ti, nên dể bị vở gây chảy máu và thường tái phát Nhóm nguyên nhân thường gặp: chảy máu mũi vô căn chiếm 90%, lành tính và hay tái phát thường xuyên khiến các bậc cha mẹ lo lắng.

Một trong những nguyên nhân gây chảy máu mũi là chấn thương nhẹ do bé ngoáy mũi , dụi mũi, hắt hơi mạnh, ho mạnh. Ngoài ra khi niêm mạc mũi bị viêm, khô do tiếp xúc với môi trường nóng và khô quá lâu hay sử dụng thuốc xịt mũi dạng corticoid kéo dài cũng có thể gây chảy máu mũi. Các nguyên nhân ít gặp có thể gây chảy máu mũi bao gồm: dị vật mũi, polype mũi, dị dạng mạch máu mũi, khối u vòm họng hay bệnh lý huyết học.

Trong tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp và nếu con bạn không có những dấu hiệu nguy hiểm nào khác, bạn có thể xử trí tại nhà giúp máu ngưng chảy. Bạn cho bé ngồi dậy và hơi nghiêng người về phía trước, đùng để bé nằm để ngăn bé nuốt máu vì nuốt máu có thể làm bé bị nôn. Hướng dẫn bé thở ra bằng miệng. Nhẹ nhàng đè lên nơi tiếp giáp giữa phần mềm và phần cứng của cánh mũi trong 5 đến 10 phút.

Ngoài ra bạn cũng có thể chườm lạnh lên sống mũi nhưng không nhét khăn giấy hoặc gạc vào mũi của bé. Nếu máu không ngừng chảy, có thể lặp lại các bước trên một lần nữa. Khi máu ngừng chảy, dặn bé không được xoa, ngoáy hoặc xì mũi trong vòng 2 đến 3 ngày. Về lâu dài, khi điều kiện thuận lợi, để có thể có hướng điều trị cho bé, bạn có thể đưa bé đến khám tại khoa Nhi để bác sỹ thăm khám, làm xét nghiệm nếu cần và xác định nguyên nhân gây chảy máu cam.

Chúc bạn sức khỏe!