Ông Nguyễn Xuân Giảng. Ảnh: T.T. |
- Trong số dự án cầu đường mà tổng công ty đã tham gia tư vấn thiết kế và giám sát, có những dự án nào thuộc quản lý của PMU18?
- Chúng tôi đã tham gia tư vấn giám sát 2 dự án lớn do Ban quản lý các dự án 18 (PMU18) làm chủ đầu tư là Quốc lộ 10 và cầu Bãi Cháy. Ở dự án quốc lộ 10, chúng tôi liên danh với công ty tư vấn Nhật Bản Nippon Koie. Còn ở dự án cầu Bãi Cháy, Tedi liên danh với Viện cầu và kết cấu Nhật Bản (JBSI), PCI và Hyder-CDC. Mới đây chúng tôi cũng liên danh với JBSI và Nippon Koie để tham gia vào một dự án khác của PMU18 là quốc lộ 3, đoạn Hà Nội - Thái Nguyên. Tuy nhiên, chúng tôi chưa chính thức bắt tay vào việc.
Nhưng xin nói rõ thế này, ở các dự án vốn vay nước ngoài, chỉ có các bên nước ngoài mới được tham gia bỏ thầu, ký kết hợp đồng với chủ đầu tư. Nếu muốn tham gia tư vấn giám sát, chúng tôi phải ký hợp đồng liên danh với công ty tư vấn nước ngoài đã được chủ đầu tư lựa chọn. Tedi đã tham gia nhiều dự án ODA, nhưng chưa bao giờ ký hợp đồng tư vấn giám sát trực tiếp với bất cứ chủ đầu tư hay ban quản lý dự án nào.
Chúng tôi ký hợp đồng liên danh với tư vấn nước ngoài thì chỉ chịu trách nhiệm với đơn vị đó trong liên danh. Bao giờ cũng vậy, phía tư vấn Nhật Bản phải có thư đề nghị cung cấp người, trong đó yêu cầu cụ thể chức danh như kỹ sư cầu, kỹ sư đường, vật liệu, khối lượng hay kỹ sư địa chất. Họ sẽ lựa chọn, phỏng vấn những kỹ sư mà chúng tôi đề xuất. Duyệt kỹ sư nào, chúng tôi chính thức cử người đó sang làm việc dưới sự chỉ đạo và giám sát của tư vấn nước ngoài. Cuối tháng, tư vấn nước ngoài sẽ chấm công, trả lương cho Tedi và chúng tôi sẽ trả lương cho người lao động.
- Sau những tiêu cực ở PMU 18, dư luận đang đặt vấn đề về chất lượng các dự án vay vốn ODA do ban này quản lý, và đặc biệt là trách nhiệm của tư vấn giám sát. Ông nghĩ sao?
- Không phải chỉ có một đơn vị tham gia tư vấn giám sát cho các dự án của PMU18. Rất nhiều công ty tư vấn nước ngoài như Luis Berger, PCI, JBSI Hyder-CDC, Nippon Koie và nhiều đơn vị trong nước cũng tham gia, không riêng gì Tedi. Tedi chỉ có hơn 100 kỹ sư đi tư vấn giám sát cho các dự án có sử dụng vốn ODA, không quá nhiều để mà trải quân khắp nơi.
Hơn nữa, hiện dư luận mới nói về dự án quốc lộ 2, đoạn Đoan Hùng - Thanh Thuỷ. Đây là dự án có vốn trong nước. Tedi không tham gia tư vấn giám sát dự án đó.
- Hiện nay, trên mỗi công trình đều có chủ đầu tư, nhà thầu và tư vấn giám sát. Theo ông cơ chế 3 bên đó liệu có đủ chặt chẽ để quản lý, giám sát?
- Cơ chế đó không có vấn đề gì đáng nói. Điều cần quan tâm hiện nay là hoạt động tư vấn giám sát ở Việt Nam chưa thực sự chuẩn. Tổ chức tư vấn giám sát chưa có quy mô chặt chẽ. Kỹ sư giám sát chủ yếu không chuyên, đa số là các kỹ sư thiết kế do các đơn vị tư vấn chuyên khảo sát, thiết kế cử đi làm công tác giám sát. Bản thân kỹ sư giám sát, theo tôi, cũng còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế thi công công trình và càng ít kinh nghiệm về quản lý dự án, vì thế mà hiệu quả giám sát chưa cao.
- Ở các dự án vay vốn nước ngoài, ban quản lý dự án với tư cách là đại diện chủ đầu tư và không phải là người bỏ ra những đồng vốn đó. Khi chủ đầu tư muốn tư lợi, bắt tay với nhà thầu để làm ẩu, lúc đó tư vấn giám sát xử lý thế nào, nhất là trong điều kiện tư vấn giám sát do chính chủ đầu tư thuê?
- Ở các dự án vốn vay ODA, chủ đầu tư trực tiếp ký hợp đồng tư vấn giám sát với một công ty nước ngoài. Công ty tư vấn nước ngoài đó chịu trách nhiệm tuyển chọn kỹ sư giám sát, tổ chức, phân công công việc và đảm bảo chất lượng được giao. Họ có quyền bố trí, sắp xếp đưa người từ nước họ sang, theo số lượng trong hợp đồng. Thêm vào đó, còn được thuê kỹ sư qua các đơn vị tư vấn giám sát bản địa (ví dụ Tedi) hay trực tiếp thuê bất cứ cá nhân nào mà họ thấy có đủ năng lực chuyên môn để làm việc.
Tư vấn nước ngoài phải có trách nhiệm với chủ đầu tư về chất lượng, tiến độ công trình. Tư vấn nước ngoài cũng phải chịu trách nhiệm về chất lượng công việc, chất lượng con người mà ông huy động. Chủ đầu tư làm việc trực tiếp với tư vấn nước ngoài. Khi tư vấn nước ngoài phát hiện ra một kỹ sư tư vấn nào đó của Việt Nam có vấn đề, họ sẽ đề nghị chủ đầu tư xử lý, thậm chí đuổi việc. Quyền lực tư vấn giám sát tập trung vào ông tư vấn trưởng người nước ngoài.
- Như ông nói, các kỹ sư giám sát đến từ nhiều cơ quan khác nhau. Vậy làm thế nào để biết được các giám sát viên này có làm tròn trách nhiệm hay không, nhất là khi họ chính là người làm việc trên công trường, tiếp xúc trực tiếp với các nhà thầu?
- Hiện cũng đã có các quy định bằng văn bản hết sức chặt chẽ và đầy đủ, nêu rõ vai trò, trách nhiệm, quyền hạn và tiêu chuẩn chung của kỹ sư tư vấn giám sát. Chỉ có điều là thực tế không hoàn toàn được như các quy định đó.
Vấn đề quan trọng là sự tự giác và đạo đức của mỗi người tư vấn giám sát trong công việc cụ thể mà mình phụ trách. Nếu kỹ sư có lương tâm của người tư vấn giám sát, có trách nhiệm cao thì phải làm chặt chẽ, đúng quy định. Mỗi người đều có trách nhiệm của mình.
- Như ông nói, chất lượng giám sát một mặt phụ thuộc vào trách nhiệm, sự tự giác vào đạo đức của kỹ sư tư vấn giám sát. Vậy mặt khách quan là gì?
- Theo tôi, cơ chế chính sách cho các tư vấn giám sát của ta hiện chưa rõ ràng và chưa đầy đủ, đặc biệt là về vấn đề chi phí giữa các dự án trong và ngoài nước. Trong khi chi phí tư vấn giám sát ở các dự án trong nước quá thấp, mấy năm trước chỉ khoảng 0,3-0,4% tổng giá trị xây lắp, nay gần đạt 1%, thì ở các dự án nước ngoài thường là 4,5-5%. Thậm chí có dự án nước ngoài, chi phí dành cho dịch vụ tư vấn giám sát chiếm đến 6,5% giá trị xây lắp.
Ở các dự án trong nước, tỷ lệ chi phí đã thấp, lại còn thiếu trang bị nhà ở, phương tiện, thiết bị làm việc, đi lại, điều kiện làm việc khó khăn. Đơn cử như tư vấn giám sát dự án đường Hồ Chí Minh, có những đoạn dài cả chục, trăm cây số nhưng phương tiện đi lại dành cho tư vấn giám sát không đủ, họ phải tự túc, hoặc đi xe máy. Theo tôi nghĩ, với từng ấy điều kiện, dễ khiến tư vấn giám sát phải dựa vào nhà thầu, và như vậy dễ sinh ra chuyện là khó kiểm soát chặt được. Bản thân nhà thầu cũng cứ hay tạo điều kiện cho tư vấn giám sát làm sai. Bởi vì ông cứ hay rủ người ta đi uống bia, hay rủ đi nói chuyện đâu đó, khiến người tư vấn giám sát có điều kiện dễ sinh hư. Chuyện đó không phổ biến song vẫn có.
Ở các dự án vốn vay ODA, ngay trên một dự án, lương kỹ sư Việt Nam rất thấp so với kỹ sư nước ngoài. Một ông tư vấn trưởng của nước ngoài thường có lương 20.000-25.000 USD/tháng. Nhưng tư vấn nước ngoài ký hợp đồng thuê kỹ sư trong nước với mức lương 800-1.000 USD/tháng, cao lắm là 1.300 USD. Ngay cả lương của một phó chủ nhiệm dự án phụ trách giám sát người Việt cũng chỉ khoảng 1.500 USD. Các công ty, sau khi trừ thuế má, lãi doanh nghiệp, chi phí quản lý, sẽ trả lương tháng cho kỹ sư mà mình cử đi tham gia tư vấn giám sát ở các dự án khoảng 5-7 triệu đồng, cao nhất là 10 triệu đồng/tháng. Mức lương như vậy là quá thấp.
- Nhưng tư vấn giám sát không thể đổ cho lương thấp, điều kiện làm việc khó khăn để thiếu trách nhiệm với công việc của mình?
- Thực tế không ai nói là do lương thấp để làm bừa. Hầu hết các kỹ sư giám sát đều làm tốt. Tất nhiên có những người, rất ít thôi, phải tìm cách sống. Khi đi ra hiện trường, chi phí nhiều, từ cốc nước uống cho đến ăn, ngủ, đi lại đều phải tự bỏ tiền túi. Nếu lương quá thấp sẽ khó khăn. Đa phần người ta đều xác định dù khó khăn bao nhiêu vẫn phải chịu vì đó là nghĩa vụ. Nhưng quy luật của cuộc sống buộc con người phải tìm cách sống. Ai xác định được trách nhiệm của mình sẽ không bị sa ngã, còn có những người không xác định được thì bị sa ngã. Vì thế mà có những chuyện làm cột biển báo lẽ ra phải bằng cốt thép, nhưng người ta thay cốt tre vào.
- Độc giả VnExpress phản ánh, công ty tư vấn trong nước khi ký hợp đồng với nước ngoài đã lạm bớt một phần của anh em, trả lương anh em thấp, khiến họ khó khăn và phải tiêu cực?
- Cái đó ở đâu tôi không biết, riêng ở Tedi, thanh toán mức lương đều rất công khai. Một kỹ sư của chúng tôi nếu làm việc ở cơ quan có thể làm được 200-300 triệu đồng/năm. Nếu đi tư vấn giám sát với tư vấn nước ngoài, mỗi tháng chỉ 1.000 USD, năm là 12.000 USD, tương đương 180 triệu đồng, thấp hơn nhiều. Vấn đề là chi phí của doanh nghiệp rất lớn. Thông thường mức lương và các chi phí khác liên quan chúng tôi trả cho kỹ sư chỉ được chiếm tỷ suất 50% đơn giá ký với tư vấn nước ngoài. Tuy nhiên, kỹ sư đi dự án còn được các chế độ khác như lưu trú, công tác phí, nghỉ hè nghỉ mát, các chế độ khác đều có chứ không chỉ lương không, nếu tính tổng thu nhập ra cũng khá cao. Vì thế mà không kỹ sư tư vấn giám sát nào của tôi kêu thấp cả. Tất nhiên, nếu so với lương của các kỹ sư giám sát tự do, trực tiếp ký với tư vấn Nhật là 800-1.000 USD/tháng thì chúng tôi thua.
Ở Tedi ít có trường hợp kỹ sư bỏ đi làm cho tư vấn nước ngoài, đến nay chỉ có 2 trường hợp. Nhưng nhiều đơn vị khác đến với tôi than phiền, rất gay go vì không giữ được kỹ sư, không cạnh tranh được dù đã trả tới 500 USD/tháng.
- Ở Việt Nam hiện nay các kỹ sư tư vấn giám sát có được đào tạo chính quy, bài bản?
- Việt Nam không có đào tạo chính quy về quản lý, giám sát dự án. Chủ yếu có các lớp đào tạo ngắn hạn, một vài tháng do Bộ Giao thông, Bộ Xây dựng và các trường đại học Xây dựng, Giao thông Vận tải tổ chức. Các lớp này chỉ đủ thời gian để anh em kỹ sư hệ thống lại các nguyên tắc, các khung pháp lý cơ bản, chứ không thể đủ thời gian để nâng cao trình độ.
Nhưng không thể nói vì không được đào tạo chính quy mà không làm được việc. Trên thực tế, những người làm tư vấn đều có thể giám sát được, bởi thường thì họ đều nắm rõ quy trình công nghệ, có kiến thức cơ bản về thi công. Chỉ có điều những kỹ sư qua nhiều công trình, lâu năm công tác thì làm việc tốt hơn. Kỹ sư mới ra trường, ít năm công tác thì anh có lợi thế là lý thuyết cơ bản nắm vững, máy tính tốt nhưng kinh nghiệm xử lý công việc không cao.
Tất nhiên, nói gì thì nói, đội ngũ tư vấn giám sát nói chung vẫn cần phải được nâng cao trình độ.
Song Linh thực hiện