* Độc giả gửi câu hỏi tư vấn tại đây
Thực trạng bệnh xương khớp đang ở mức báo động trên toàn cầu. Tổ chức Y thế Thế giới (WHO) cảnh báo, khoảng 25% người ở tuổi trung niên có triệu chứng mắc bệnh và bệnh cũng đang có xu hướng trẻ hóa. Ước tính, nguy cơ tàn phế có thể xảy ra ở 33% bệnh nhân xương khớp.
Theo các chuyên gia, bệnh lý xương khớp, đặc biệt là thoái hóa khớp thường trở nên nặng nề khi thời tiết thay đổi, dinh dưỡng không phù hợp hay bệnh nhân bị tăng cân, béo phì. Bệnh cũng có thể diễn tiến trầm trọng rất nhanh và gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.
Học viện Thoái hóa khớp Mỹ (ACO) cảnh báo, thoái hóa khớp là bệnh liên quan đến toàn bộ tổ chức khớp, trong đó đáng kể là sự tổn thương, thoái hóa ngày càng tăng nặng của sụn và xương dưới sụn. Trong cơ chế bệnh sinh của thoái hóa khớp, ngoài sụn khớp được biết đến lâu nay, xương dưới sụn (tức hai phần đầu xương ở khớp) đang là vấn đề thu hút sự quan tâm, chú ý của các nhà khoa học. Xương dưới sụn đóng vai trò hỗ trợ sụn trong việc chống sốc, giảm áp lực để khớp vận động bình thường và cung cấp một phần dinh dưỡng cho sụn can xi nằm gần mặt xương dưới sụn, thúc đẩy sự chuyển hóa nơi sụn khớp. Những nghiên cứu mới của ngành sinh học phân tử cũng cho thấy rõ điều đó và đã mở ra một hướng mới trong việc dự phòng và điều trị các bệnh lý xương khớp.
Nhằm cung cấp đến độc giả những thông tin hữu ích về bệnh xương khớp, VnExpress tổ chức chương trình tư vấn phòng trị bệnh xương khớp. Các chuyên gia trực tiếp tư vấn, gồm Giáo sư, bác sĩ Trần Ngọc Ân - Chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam; Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Anh Thư - Phó Chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam, Phó giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Lan - Phó chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam, Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh - Trưởng khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.
![polyad](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2016/09/12/28-10-201528-7858-1446023351-7390-1473665184.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=m214uwC6YhKjyg6WgZ07CQ)
Giáo sư, bác sĩ Trần Ngọc Ân hiện là Chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam.
Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Ân (sinh năm 1937) hiện là Chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam. Ông được xem là người thầy của chuyên ngành thấp khớp học trong nước. Từ năm 1968, Giáo sư Ngọc Ân bắt đầu đi sâu nghiên cứu chuyên ngành thấp khớp, với lý giải hoàn cảnh thời tiết Việt Nam nóng và ẩm, nông dân lao động vất vả nên có nhiều người mắc căn bệnh này. Năm 1974, ông học tập tại Hungary. Năm 1981, ông là một trong những phó tiến sĩ đầu tiên bảo vệ luận án tiến sĩ trong nước tại Đại học Y với đề tài "Viêm cột sống dính khớp". Cũng trong năm này, ông được phong học hàm phó giáo sư và sau đó là giáo sư vào năm 2001.
Với kinh nghiệm, năng lực, kiến thức chuyên môn cao, qua từng giai đoạn công tác, Giáo sư Trần Ngọc Ân từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Giảng viên cao cấp Đại học Y Hà Nội kiêm Chủ nhiệm khoa Cơ xương khớp Bệnh viên Bạch Mai (1960-2007), Giám đốc Bệnh viện E (1995-2004), Chủ tịch Hội Thấp khớp học Viêt Nam (1994-nay), Hội viên Hội Thấp khớp học châu Á-Thái Bình Dương (1996-nay). Giáo sư Trần Ngọc Ân đã trực tiếp đào tạo nhiều cán bộ có trình độ khoa học, nhiều nhà giáo ưu tú. Ông cũng là một trong những thành viên biên soạn từ điển Bách khoa Y học và là chủ biên sách Cơ - Xương - Khớp tại Việt Nam.
![polyad](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2016/09/12/28-10-201543-5266-1446023350-5635-1473665184.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=hn8x29jifCF47xsnW4AjUQ)
Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Lê Anh Thư hiện đảm nhận chức vụ Phó chủ tịch hội Thấp Khớp học Việt Nam.
Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Lê Anh Thư hiện đảm nhận chức vụ Phó chủ tịch hội Thấp Khớp học Việt Nam. Bà từng làm Trưởng khoa Nội cơ xương khớp - Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM và Phó chủ nhiệm bộ môn Nội tổng quát, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP HCM. Bà nhận hàm Phó giáo sư năm 2009.
Ngoài khám chữa bệnh, bà cũng tích cực nghiên cứu nhiều đề tài khoa học về bệnh xương khớp và viết nhiều đầu sách chuyên ngành. Tham gia chương trình tư vấn, Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Lê Anh Thư sẽ giải đáp các câu hỏi, thắc mắc của độc giả cách phòng và điều trị các bệnh về khớp.
![polyad](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2016/09/12/28-10-201527-501078772-5606-14-4062-1532-1473665184.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=sMlXgzXNpi7qK8xuNhKNsA)
Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Lan đảm nhận chức vụ Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký hội Thấp Khớp học Việt Nam.
Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Lan đang đảm nhận chức vụ Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký hội Thấp Khớp học Việt Nam. Bà từng tham gia khóa đào tạo chuyên khoa sâu về thấp khớp học tại Đại học Marseille, Pháp. Sau đó, bà làm giảng viên của Đại học Y Hà Nội kiêm nhiệm Trưởng khoa Cơ xương khớp Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội (tháng 4/2009 đến tháng 7/2013).
Ngoài việc khám chữa bệnh, Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Lan cũng dành nhiều thời gian hướng dẫn luận văn luận án tốt nghiệp sinh viên đại học, học viên sau đại học, nghiên cứu sinh. Bà đã tham gia viết 20 đầu sách, giáo trình giảng dạy, tham gia nhiều đề tài nghiên cứu các cấp và viết khoảng 70 bài báo nghiên cứu khoa học.
![polyad](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2016/09/12/28-10-20154-574641344-2048-144-9186-6936-1473665185.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=rwd7aQvC7_ioqfoBb-yAoQ)
Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh đảm nhận chức vụ Trưởng khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP HCM.
Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh đảm nhận chức vụ Trưởng khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP HCM và công tác tại khoa Cơ xương khớp - Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM. Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh liên tục tham gia các khóa học về nội soi khớp, các khóa thay khớp, các khóa y học thể thao tại nhiều bệnh viện quốc tế. Ông cũng thường xuyên báo cáo tại các hội nghị quốc tế chuyên ngành tại châu Á, châu Âu, châu Mỹ.
Ngoài việc khám chữa bệnh, ông còn được mời làm giảng viên trường Đại học Y dược TP HCM, Phó giám đốc Trung tâm phẫu thuật thực nghiệm Đại Học Y dược TP HCM, Phó chủ tịch Hội Y học Thể thao và Nội soi khớp Đông Nam Á.
VnExpress