Cuốn "Tự truyện Andrew Carnegie" kể về cuộc đời đầy biến động của ông, phần nào trả lời được câu hỏi đó. Dưới đây là trích đoạn trong cuốn sách, bản dịch tiếng Việt của công ty sách Alpha. ... Giờ đây, câu hỏi lớn nhất khắc khoải trong lòng tôi là liệu có việc gì cho tôi làm hay không. Tôi đã bước qua tuổi 13 và khao khát có việc làm để giúp gia đình bắt đầu cuộc sống tại vùng đất mới. Cảnh túng thiếu đối với tôi là một cơn ác mộng khủng khiếp. Thời gian này, tâm trí của tôi bị hút vào suy nghĩ: cần phải kiếm và tiết kiệm đủ tiền để có thể có được 300 đô la một năm, 25 đô la mỗi tháng. Tôi cho đây là số tiền cần có để giúp chúng tôi không phải sống dựa vào người khác. Vì ngày ấy, nhu yếu phẩm rất rẻ. Người anh trai của chú Hogan tôi thường hỏi xem cha mẹ tôi định làm gì với tôi. Rồi một hôm, tôi đã chứng kiến một cảnh tượng để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng tôi, mà tôi không bao giờ có thể quên được. Với dụng ý rất tốt, chú ấy đã nói với mẹ tôi rằng, tôi là một cậu bé thông minh và rất nhanh trí, chú ấy tin rằng nếu đưa cho tôi một túi đồ lặt vặt, tôi có thể đi bán rong ở cầu tàu và kiếm được bộn tiền. Cho đến tận lúc này đây, tôi mới được biết thế nào là một phụ nữ giận dữ. Khi nghe chú tôi nói đến đó, mẹ tôi đang ngồi khâu vá bỗng dựng phắt lên, giang tay ra và tát mạnh vào mặt chú ấy.
“Cái gì! Con trai tôi mà lại làm người bán rong, đi chen lấn với với bọn đàn ông thô lỗ ở cầu tàu à! Tôi thà ném nó xuống sông Allegheny còn hơn. Hãy xéo đi!”, bà đã gào lên và chỉ tay ra cửa, và thế là Ngài Hogan bước đi. Khi nhìn lại những cuộc vật lộn trong những ngày đầu, tôi có thể nói rằng: Trên mảnh đất đó, không có gia đình nào đáng tự hào hơn gia đình tôi. Một ý thức danh dự, độc lập, tự trọng mạnh mẽ tràn ngập trong gia đình. Walter Scott nói rằng Burns có đôi mắt đặc biệt nhất mà ông từng nhìn thấy ở con người. Tôi cũng có thể nói như vậy về mẹ tôi: “Đôi mắt bà thắp sáng không gian vô cùng, Ngời lên lòng tự trọng”. Bất kỳ cái gì hèn kém, đê tiện, dối trá, quỷ quyệt, tục tĩu, lén lút hay ngồi lê đôi mách đều rất xa lạ với tâm hồn anh hùng ấy. Lẽ tất nhiên, Tom (em của tác giả- ND) và tôi sẽ lớn lên và mang trong mình những đức tính cao đẹp khi có một người mẹ và một người cha như vậy. Cha tôi cũng là một trong những người có bản tính cao quý, và được tất cả mọi người yêu mến như một vị thánh. Không lâu sau khi sự việc trên xảy ra, cha tôi nhận thấy cần phải từ bỏ nghề dệt khung cửi và xin vào làm cho một nhà máy chỉ của ngài Blackstock, một người Scotland già ở thành phố Allegheny, nơi chúng tôi sinh sống. Cha cũng đã kiếm được cho tôi một chân cuộn chỉ trong nhà máy này, và công việc đầu tiên tôi làm ở đó được trả 1 đô la 25 xu mỗi tuần. Cuộc sống thật khó khăn. Khi mùa đông đến, cha và tôi phải dậy và ăn sáng trong bóng tối, rồi đến nhà máy trước khi trời sáng, chỉ có một thời gian ngắn để ăn trưa, sau đó lại phải bắt tay vào làm việc cho đến tối. Tôi cảm thấy bó buộc về giờ giấc và không tìm thấy niềm vui trong công việc; nhưng trong cái rủi vẫn có cái may bởi công việc đó khiến tôi cảm thấy mình đang làm điều gì đó có ích cho thế giới của tôi - gia đình chúng tôi. Về sau, tôi đã kiếm được hàng triệu đô la nhưng không có đồng đô la nào khiến tôi cảm thấy hạnh phúc bằng những đồng tiền tôi kiếm được cho tuần làm việc đầu tiên. Giờ đây, tôi đã là một trụ cột, một người nuôi sống gia đình và không còn là gánh nặng cho cha mẹ tôi nữa. Ít lâu sau, khi ngài John Hay, cũng là một nhà sản xuất chỉ người Scotland ở thành phố Allegheny, cần một cậu bé làm công và đã hỏi xem tôi có muốn làm việc cho ông ta không. Tôi đã đồng ý và được nhận 2 đô la mỗi tuần; nhưng công việc thậm chí còn buồn tẻ hơn cả nơi làm việc trước. Tôi phải vận hành một động cơ hơi nước nhỏ và đốt nóng một cái nồi hơi trong hầm chứa của nhà máy sản xuất cuộn chỉ. Đối với tôi công việc đó quá nặng nhọc. Hết đêm này đến đêm khác, tôi phải thức liên tục để kiểm tra máy đo nồi hơi, lúc thì sợ lượng hơi nước quá thấp, công nhân ở bên trên sẽ phàn nàn không có đủ điện, khi thì sợ lượng hơi nước quá cao, nồi hơi sẽ nổ tung. Nhưng vì vấn đề danh dự nên tôi đã giấu cha mẹ tôi. Họ cũng đủ đau đầu với những khó khăn riêng của họ rồi. Vì vậy, tôi cần phải cư xử cho đáng mặt nam nhi và chịu đựng những khó khăn của chính mình. Tôi rất hy vọng và mong chờ sự thay đổi diễn ra từng ngày. Sự thay đổi đó là gì tôi không biết, nhưng tôi biết chắc nó sẽ đến nếu tôi kiên nhẫn chờ đợi. Bên cạnh đó, vào thời gian này, tôi không ngừng hỏi bản thân mình xem liệu Wallace (và Bruce là những nhân vật lịch sử nổi tiếng của Scoland- ND) sẽ làm gì và một người dân Scotland nên làm gì khi vào hoàn cảnh như tôi. Có một điều mà tôi biết chắc đó là anh ta sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Rồi một hôm cơ hội đã đến. Ngài Hay phải làm một số hoá đơn. Ông không có thư ký và bản thân lại là một người viết rất xấu. Ông hỏi tôi biết viết loại chữ nào và đưa cho tôi một số thứ để viết. Ông rất hài lòng với kết quả tôi làm được và thấy tốt hơn là nên để tôi lập hoá đơn cho ông. Tôi cũng rất giỏi làm tính; ông đã sớm nhận ra và rất quan tâm đến điều đó. Bên cạnh đó, tôi tin rằng người đàn ông đáng kính ấy cảm thấy mủi lòng trước cậu bé có mái tóc màu bạc là tôi, vì ông có một trái tim nhân hậu và là người Scotland nên ông mong muốn giải phóng tôi khỏi máy móc và giao cho tôi làm những việc khác ít nguy hiểm hơn. Giờ đây, nhiệm vụ của tôi là rửa các lõi dùng để cuốn chỉ ngay khi chúng vừa được làm xong trong vạc dầu. May thay, có một phòng dành riêng cho việc này và chỉ có một mình tôi, tuy nhiên dù tôi đã quyết tâm đến đâu, có tức giận đến đâu trước sự yếu ớt của mình, thì tôi cũng không thể thoát khỏi cảm giác khó chịu. Mùi dầu luôn khiến tôi cảm thấy buồn nôn. Ngay cả Wallace và Bruce chắc hẳn cũng trở nên bất lực khi ở đây. Nhưng nếu tôi không ăn sáng hoặc ăn tối, tôi sẽ cảm thấy rất ngon miệng trong bữa ăn đêm và hoàn thành công việc được giao. Học trò đích thực của Wallace hay Bruce không thể bỏ cuộc; anh ta sẽ chết trước khi bỏ cuộc. Công việc của tôi với ngài Hay là một bước tiến bộ rõ rệt và tôi cũng đã quen được một ông chủ rất tốt bụng. Ngài Hay ghi chép sổ sách kế toán đơn, và tôi có thể quản lý việc đó giúp ông; nhưng tôi lại nghe nói tất cả các công ty lớn đều giữ sổ sách kế toán kép, và sau khi bàn bạc vấn đề này với các bạn của mình, John Phipps, Thomas N. Miller, và William Cowley, tất cả chúng tôi đều đi đến quyết định tham dự lớp học buổi tối vào mùa đông để học hỏi thêm về hệ thống sổ sách có quy mô lớn hơn. Thế là bốn chúng tôi đến gặp ông Williams ở Pittsburgh để học kế toán kép. Một tối đầu năm 1850, khi tôi đi làm về thì được bảo rằng ông David Brooks, Giám đốc văn phòng điện tín, đã hỏi chú Hogan của tôi xem chú có biết cậu bé nào có thể làm tốt công việc của người đưa tin. Ngài Brooks và chú tôi đều rất yêu thích chơi cờ Dame và khi chơi trò này, ông đã hỏi chú tôi câu đó. Chính trong những chuyện tưởng như nhỏ nhặt ấy lại luôn ẩn giấu những việc có ý nghĩa lớn lao. Một lời nói, một ánh mắt, một giọng nói đều có thể ảnh hưởng đến số phận của không chỉ một cá nhân mà còn của cả quốc gia. Đó là người mà khi được khuyên đừng để tâm đến những chuyện nhỏ nhặt, đã nói rằng, ông sẽ luôn làm theo lời khuyên đó nếu có bất kỳ ai nói được cho ông thế nào là chuyện nhỏ nhặt? Những người trẻ tuổi nên ghi nhớ rằng trong những chuyện vặt vãnh luôn ẩn giấu những món quà của Chúa. Chú đã nhắc đến tên tôi và nói rằng ông nên xem xét liệu tôi có thể đảm nhận vị trí đó không. Tôi còn nhớ rất rõ một cuộc họp gia đình đã diễn ra. Tất nhiên, tôi đã sướng điên lên. Con chim bị nhốt trong lồng quá lâu mong chờ được tự do cũng không thể nào vui sướng bằng tôi. Mẹ tôi thì ủng hộ nhưng cha tôi lại từ chối ước muốn của tôi. Ông cho rằng công việc đó là quá sức đối với tôi; ông nói tôi còn quá nhỏ và quá trẻ. Số tiền 2 đô la rưỡi mỗi tuần chứng tỏ đó phải là công việc dành cho một cậu bé lớn hơn tôi nhiều. Tôi có thể phải đưa điện tín ở vùng nông thôn vào lúc tối muộn, và có thể sẽ gặp nguy hiểm. Nói chung, cha tôi bảo tốt nhất tôi nên giữ công việc cũ. Tuy nhiên, sau đó, ông đã rút lại lời phản đối và cho phép tôi được thử sức, và tôi tin rằng ông đã đi gặp ngài Hay để bàn bạc. Ngài Hay cho rằng điều đó sẽ có lợi cho tôi và mặc dầu ông nói ông sẽ gặp chút khó khăn. Ông ấy vẫn khuyên tôi nên thử sức và nếu tôi thất bại, công việc cũ sẽ vẫn chờ đợi tôi. Khi điều này được quyết định, ngài Brooks đề nghị tôi sang bên kia sông tới Pittsburgh gặp ông. Cha tôi muốn đi cùng tôi và cuối cùng thì thoả thuận là ông sẽ chỉ đi cùng tôi đến văn phòng điện tín ở góc phố Fourth và Wood. Đó là một buổi sáng đẹp trời, nắng ráo báo hiệu điềm tốt lành. Cha và tôi đi bộ từ Allegheny đến Pittsburgh, cách nhà tôi gần hai dặm. Khi đến trước cửa, tôi đã nói cha chờ tôi ở bên ngoài. Tôi khăng khăng đòi một mình đi lên tầng hai để gặp người đàn ông vĩ đại và lắng nghe quyết định về số phận đời mình. Tôi làm thế bởi vì đến lúc đó tôi đã phần nào tự coi mình là một người Mỹ. Lúc đầu, bọn con trai thường gọi tôi là “Tên Scotland! Tên Scotland!” và tôi đã trả lời: “Đúng đấy, tớ là dân Scotland và tớ tự hào với cái tên đó”. Nhưng trong lời nói, giọng nói đặc sệt đã nhẹ đi một chút, tôi cho là sẽ hay hơn nếu tôi một mình xuất hiện trước Ngài Brooks thay vì có ông bố già tốt bụng Scotland của tôi, có lẽ ông sẽ mỉm cười trước điệu bộ của tôi. Tôi mặc một chiếc áo sơ mi vải lanh màu trắng thường được dành riêng cho ngày Saba, chiếc áo khoác ngắn kiểu quân đội, và bộ vét ngày chủ nhật. Đó là tất cả số quần áo mà tôi có lúc ấy và cả trong vài tuần sau khi tôi đã làm việc cho văn phòng điện tín: một bộ quần áo mùa hè bằng vải lanh và cứ mỗi tối thứ Bảy, cho dù tối hôm đó tôi phải làm việc mãi đến gần nửa đêm mới trở về nhà thì mẹ vẫn giặt là bộ quần áo đó để tôi có một bộ đồ sạch sẽ, thơm tho vào sáng ngày Saba. Không có gì mà người phụ nữ anh hùng đó lại không cố gắng làm để chúng tôi có cuộc sống tốt đẹp hơn tại thế giới phương Tây này. Những giờ làm việc kéo dài đã vắt kiệt sức lực của cha tôi nhưng ông vẫn luôn cố gắng chiến đấu như một người anh hùng và không bao giờ thôi động viên tôi. Cuộc phỏng vấn đã thành công. Tôi đã tập trung vào việc giải thích rằng tôi không biết Pittsburgh, và rằng có lẽ tôi sẽ không bao giờ biết. Tôi chưa đủ vững vàng nhưng tất cả những gì tôi muốn là một sự thử nghiệm. Ông ta hỏi khi nào tôi có thể tới làm việc và tôi đã trả lời rằng nếu cần tôi có thể ở lại ngay lúc đó. Và khi nhìn lại tình huống khi ấy, tôi nghĩ những người trẻ tuổi thường cân nhắc trước khi đưa ra câu trả lời cho câu hỏi đó. Quả là một sai lầm lớn nếu không chộp ngay lấy thời cơ. Ngược lại có thể chuyện gì đó sẽ xảy ra, như một cậu bé khác có thể sẽ được mời đến và làm công việc này. Ông Brooks vui vẻ gọi một cậu bé khác vào - đây là một người đưa tin bổ sung- và bảo anh ta đưa tôi đi tham quan chỗ làm, cho tôi đi theo anh ta để học việc. Ngay sau đó, tôi có cơ hội chạy xuống cuối góc phố để thông báo với cha rằng, mọi chuyện đã ổn và ông có thể kể mẹ tôi rằng tôi đã thành công. Tôi đã có bước khởi đầu thực sự trong đời vào năm 1850 như thế đấy. Từ chỗ vận hành chiếc máy hơi nước trong bóng tối hầm chứa để kiếm 2 đô la một tuần, lấm lem với bụi than mà không hề có hy vọng được hưởng những gì sáng sủa hơn trong cuộc đời, tôi đã được nhấc bổng lên thiên đàng. Phải, đối với tôi đó quả là thiên đàng với những báo chí, bút mực, bút chì và ánh nắng mặt trời rực rỡ. Hầu như không có một phút nào trôi qua mà tôi không học hỏi được một điều gì mới mẻ hoặc không nhận ra rằng tôi còn phải học hỏi thật nhiều và rằng kiến thức của tôi còn hạn hẹp làm sao. Tôi cảm thấy chân tôi đang đặt lên bậc thang và tôi chắc chắn sẽ leo cao hơn nữa.
|