Công việc thứ hai: AC Parma
Parma mời tôi sau khi Fabio Capello "hủy kèo" phút chót để sang Real Madrid. Thời gian quá gấp rút, họ không có nhiều sự lựa chọn. Khi ấy tôi đang làm tốt tại Reggiana, lại quen biết với Giám đốc điều hành của Parma, tôi nhanh chóng chấp nhận đề nghị của họ. Một vòng cung huấn luyện mới đã bắt đầu.
Cũng giống như tại Reggiana, thời gian đầu tiên mọi thứ không tốt, nhưng rồi chúng tôi cũng có thể khép lại mùa bóng theo cách tốt nhất. Tôi có một đội ngũ khá ổn, với Gigi Buffon trong khung thành, phía trước là cặp trung vệ Liliam Thuram - Fabio Cannavaro. Tất cả đều rất trẻ. Buffon mới 17 tuổi, cái tuổi bẻ gãy sừng trâu, Thuram tầm 21 trong khi Cannavaro mới 22 hay 23 gì đó. Trên tuyến đầu, tôi có Hernan Crespo, người mà tôi đã theo dõi suốt một kỳ Olympic. Giải ấy, Crespo giành danh hiệu Vua phá lưới, ở tuổi 21.
Cũng trong thời gian ấy, Parma còn mua Rivaldo và Cafu từ Palmeiras. Nhưng chúng tôi không dùng ngay, mà mang họ lần lượt cho Deportivo La Coruna và AS Roma mượn. Parma vẫn là một CLB nhỏ, vì thế chúng tôi phải thường xuyên bán cầu thủ để đảm bảo ngân sách. Tôi mau chóng nhận ra Capello có lý do để "nhảy tàu", nhất là khi có một đề nghị tầm cỡ như Real Madrid.
Tôi làm việc ở Parma được hai mùa, cùng CLB giành vé dự Champions League mùa đầu và dự Cup UEFA mùa tiếp theo, trước khi lần đầu tiên biết được thế nào là bị sa thải. Tôi đã thất nghiệp trong khoảng sáu tháng trước khi suy nghĩ nghiêm túc về việc chuyển sang Thổ Nhĩ Kỳ để làm việc cho Fenerbahce. Nếu quyết định vội vàng, có thể bây giờ sự nghiệp của tôi đã rất khác. Nhưng thật may là trong lúc đó, Juventus đã xuất hiện. Mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Công việc thứ ba: Juventus
Luciano Moggi, Tổng giám đốc của Juventus, gọi điện đến khi tôi chuẩn bị thu xếp hành trang sang Thổ Nhĩ Kỳ. Ông ấy nói: "Chớ quyết gì vội, gặp tôi cái đã".
Thế là tôi lên đường gặp ông ấy ở nhà riêng của Antonio Giraudo, Giám đốc kỹ thuật của Juventus khi đó. Khi vào nhà, tôi nhận ra ở đó, bên cạnh Giraudo và Moggi, còn có cả Roberto Bettega, tiền đạo huyền thoại của Juventus một thời. Lời của họ thật nhất quán: "Chúng tôi muốn anh lên làm HLV của Juventus từ mùa tới".
Thế là chỉ vài tiếng sau, tôi đã đặt bút ký vào bản tiền hợp đồng, chuẩn bị trở thành tân HLV của Juventus mùa giải 1999-2000. Thế nhưng HLV lúc ấy của họ là Marcello Lippi lại khiến CLB sa sút quá nhanh, nên bị sa thải ngay trong tháng Giêng. Từ chỗ phải chờ đợi, tôi nhận việc ngay vào tháng 2/1999.
Juventus quả thực là một thử thách lớn với tôi. Làm việc ở Parma như làm việc cho gia đình mình, còn làm cho Juventus là làm ở công ty. Mà nào phải công ty bình thường, đấy là một đại công ty với quy mô vĩ đại. Ở đó có những nhân vật thật ưu tú. Ông chủ của công ty ấy là Gianni Agnelli, phía dưới là Luciano Moggi, đi kèm với một Giám đốc phụ trách tài chính. Không khí của họ không có một chút gì gọi là gia đình. Chẳng giống chút nào với Reggiana, Parma và AC Milan, một CLB khác của tôi sau này. Nhưng sau khi có đôi chút thành công ở chặng khởi nghiệp, tôi háo hức bước vào công việc mới, nhất là với CLB có lịch sử và truyền thống tuyệt vời như Juventus.
Bên cạnh việc thay đổi môi trường làm việc từ gia đình sang công ty, tôi còn phải đối mặt với một khó khăn khác: các CĐV. Họ ghét tôi. Vì sao? Vì tôi là cựu cầu thủ của Roma và Milan. Khi cầm quân cho Parma, tôi đã cạnh tranh quyết liệt với Juventus chiếc Scudetto. Thế là suốt một thời gian dài, tôi bước vào sân tập trong tiếng la ó của họ. Thật đấy. Đấy là văn hóa bóng đá tại Italy. Công việc chuyển hóa các CĐV từ ghét sang yêu không hề đơn giản chút nào.
Tôi ở lại Juventus thêm hai năm nữa trước khi... bị sa thải tiếp, lần này quá trình thất nghiệp kéo dài bốn tháng. Vòng cung lãnh đạo của tôi ở Juventus đã khép lại trước khi tôi kịp sẵn sàng. Thật ra, đấy là một công việc mà ngay từ đầu, tôi nên biết cách từ chối. Nhưng dẫu sao, thời gian ở Juventus cũng cho tôi trải nghiệm hữu ích về bầu không khí ở một CLB lớn.
AC Milan: Về mái nhà xưa
Trong thời gian "thất nghiệp lần hai", tôi đã ngỡ là mình sẽ trở lại Parma, cho dù việc nhận lời trở lại đó lần nữa giống như một bước lùi trong sự nghiệp. Và một lần nữa số phận lại mang đến cho tôi một lần trở về nhà khác, nhưng là một... căn nhà lớn hơn: AC Milan. Một cuộc điện thoại cũng vào "phút 89" đã mang tôi trở lại CLB mà tôi đã có những ký ức đẹp nhất khi còn là cầu thủ.
Khi ấy, Milan vừa để thua Torino 0-1 và Giám đốc điều hành Adriano Galliani lập tức nghĩ đến tôi. Ông ấy tức tốc đến gặp Silvio Berlusconi và họ cùng thống nhất là sẽ thay HLV. Galliani bốc máy gọi ngay cho tôi và được tôi thông báo là chuẩn bị ký với Parma. Mới ba ngày trước đó, tôi còn bắt tay Chủ tịch Parma Calisto Tanzi, cam kết là sẽ trở lại.
"Thế anh đã ký với Parma chưa vậy?", Galliani hỏi qua điện thoại.
"Vẫn chưa, nhưng sớm thôi. Tôi đang trên xe đến trụ sở của họ", tôi đáp.
"Tôi đang đến nhà anh đây"
"Chi vậy?"
"Tôi nói chuyện với Berlusconi rồi, chúng tôi quyết định là anh phải làm việc cho Milan. Chúng tôi đã sẵn sàng mọi việc rồi".
Cuộc điện thoại chấm dứt ở đó. Tôi... tắt máy luôn và chỉ mở lại sau khi đã đặt bút ký vào bản hợp đồng với Milan. Mở máy điện thoại trở lại, cuộc gọi đầu tiên tôi thực hiện là cho Tanzi. Tôi nói:
- Tôi xin lỗi ông lắm, Tanzi. Nhưng Milan là gia đình tôi. Tôi đã chơi bóng ở đó những năm đẹp nhất sự nghiệp. Tôi mong ông hiểu cho.
Tanzi nói:
- Tôi hiểu mà, tôi hiểu hết.
Rồi ông cúp máy, và mãi 15 năm sau tôi vẫn chưa biết là ông ấy có thật sự "hiểu" hay không. Đấy là một nhân vật lớn, người sáng lập và cổ đông lớn của tập đoàn Parmalat, công ty sở hữu Parma. Sau này tập đoàn phá sản, nhưng người đàn ông ấy đã có một thời lừng lẫy.
Đến đây, có bạn sẽ hỏi tôi: vậy thì lòng trung thành, sự chính trực của một người đàn ông ở đâu khi tôi đã hứa đến Parma rồi lại "lật kèo" trong phút chót, chẳng khác gì Capello ngày trước. Xin trả lời: hai phẩm chất ấy cũng có giới hạn của nó. Bạn nghĩ Parma sẽ tôn trọng hợp đồng với tôi trong bao lâu nếu tôi trót khởi đầu tồi tệ? Huống chi Milan lại là gia đình thật sự của tôi. Lòng trung thành, trước hết, phải được trao cho gia đình mình!
Tôi đến Milan vào tháng 11/2001, lập tức có cảm giác vừa về nhà. Nhưng đội bóng thì không được tốt lắm. Thành ra sáu tháng đầu tiên thật sự rất vất vả. Trên thị trường chuyển nhượng, chúng tôi đã chiêu mộ thành công Clarence Seedorf và Alessandro Nesta, hai cầu thủ xuất sắc. Nesta 27 tuổi, đang ở đỉnh cao phong độ, và tốn rất nhiều tiền. Ban đầu, việc thuyết phục Berlusconi bỏ ra ngần ấy tiền cho một hậu vệ thật sự rất gian nan, nhất là khi ông ấy và công ty đang gặp khó về tài chính. Berlusconi không muốn người ta đánh giá ông là một tay hoang phí, không muốn người ta dồn thêm áp lực lên ông và công ty. Cuối cùng, Nesta cũng chỉ là... Nesta, một trung vệ. Mà Berlusconi thì đời nào muốn bỏ đến 34 triệu đôla cho một cầu thủ phòng ngự. Nhưng tôi quyết không nhượng bộ, dù có phải bỏ ra bao nhiêu công sức thuyết phục đi nữa.
Khi ấy Berlusconi đang ở Đan Mạch, và tôi đã nói với ngài ấy: "Thưa Chủ tịch. Ai cũng muốn vô địch Champions League cả. Nhưng nếu ngài không ưng thuận mua Nesta, chúng ta sẽ không thể vô địch. Cứ cho tôi Nesta, tôi sẽ mang về cho ngài chiếc Cup ấy".
Cuối cùng, chúng tôi đều có điều mình muốn. Tôi mang về không chỉ một, mà những hai Cup Champions League, bên cạnh một lần vào chung kết, một bán kết và một tứ kết. Đấy là một thời gian tuyệt vời của CLB ở châu Âu.
Đấy là một trong những lần hiếm hoi, tôi không nhân nhượng ông chủ của mình trong sự nghiệp!
* Phần tiếp theo của cuốn sách sẽ được đăng trên VnExpress thứ Năm ngày 9/6.
Hoài Thương dịch