Trừ phi bạn sinh ra đã là tài năng kiệt xuất, ngàn năm có một như Sir Alex Ferguson của Man Utd, còn lại sự nghiệp của những người quản lý khác đều đi theo gần như một lộ trình. Thời gian của tôi ở Real Madrid chính là một ví dụ điển hình cho lộ trình này, mà cả ở những CLB trước đó cũng vậy.
Đầu tiên là giai đoạn ve vãn, tán tỉnh, khi CLB tìm cách để có được sự phục vụ của bạn. Sau đó là giai đoạn trăng mật. Lúc này, tất cả mọi người - các cầu thủ, ban lãnh đạo, CĐV - đều cho bạn khoảng thời gian để tìm hiểu. Nhưng không may là giai đoạn này thường kéo dài chẳng lâu. Sau đó là đến giai đoạn thành công và ổn định, nếu bạn có khả năng vươn đến điều đó. Với một CLB lớn, thành công ở đây có nghĩa là những danh hiệu, nhưng ở những quốc gia khác nhau thì lại có những cách định lượng thành công khác nhau.
Nhưng sau đó, giai đoạn ổn định này cũng qua đi và bắt đầu sẽ xuất hiện những rạn nứt trong mối quan hệ. Và cuối cùng là giai đoạn... ly hôn. Chúng ta gọi toàn bộ quá trình này là vòng cung lãnh đạo. Nó đi từ điểm thấp nhất, lên cao nhất rồi lại trở về thấp nhất.
Ở Madrid, vòng cung lãnh đạo của tôi rất hẹp, cũng như ở bất kỳ CLB hàng đầu nào khác. David Moyes chỉ trụ được ở Man Utd chưa đến một năm. Tôi cũng từng có những vòng cung với biên độ rộng hơn, như tám năm ở Milan chẳng hạn, một thời gian rất dài ở một CLB lớn như thế. Nhưng đấy là một ngoại lệ. Còn lại, tuổi đời của những HLV hàng đầu tại các CLB hàng đầu đều không cao.
Trên hành trình của mỗi vòng cung ấy, sẽ có những thời khắc then chốt. Ở đó, cách quản lý có thể tác động lên những sự kiện để có thể làm thay đổi vận mệnh của mình, nhưng các giai đoạn mà tôi đã nêu trong vòng cung trên cơ bản là không thay đổi. Nó đã theo tôi trong suốt sự nghiệp, khởi đầu với CLB đầu tiên mà tôi cầm quân.
Leo thang. Bước đầu tiên: Reggiana
Giả như tôi đang làm người tư vấn cho Chủ tịch Reggiana, nếu ông ấy chuẩn bị thuê một cựu cầu thủ, có gốc gác ở địa phương, nhưng lại không có chút kinh nghiệm cầm quân nào, tôi sẽ cản ngay. Người ấy từng là một cầu thủ giỏi, nhưng ai quan tâm đến điều ấy cơ chứ? Thật may cho tôi, sự điên rồ của bóng đá luôn có chỗ cho những HLV khởi nghiệp.
Không có gì phải nghi ngờ nữa, Reggiana bổ nhiệm tôi vì tôi từng là một cầu thủ nổi tiếng và tôi trưởng thành từ chính CLB này. Đôi khi điều này chẳng có ý nghĩa gì cả. Nhưng vào thời điểm ấy, tôi và Reggiana đúng nghĩa là đang cần nhau. Họ vừa rớt xuống giải Serie B và cần một cái tên để vực dậy bầu không khí ảm đạm. Tôi là một cái tên như thế, lại sẵn sàng để trở thành một HLV trưởng.
Tôi đã ở trong nghề này đủ lâu để biết một quá khứ thi đấu lẫy lừng hoàn toàn không đủ để giúp một người trở thành HLV giỏi. Nó chỉ cho bạn một chút lợi thế, bởi việc từng là cầu thủ giúp bạn hiểu cầu thủ cần gì. Nhưng tất cả những đòi hỏi khác của nghề nghiệp chỉ có thể đến thông qua học hỏi và nghiên cứu. Trong một thời gian dài ở Reggiana, tôi làm việc mà chưa có bằng HLV. Tôi cố vừa làm vừa tranh thủ học để lấy bằng. Tôi là người tin vào học thuật.
Vì chưa có bằng, tôi cần phải thuê một người có bằng để làm trợ lý cho tôi. Khi ấy tôi cũng cần một HLV thủ môn. Tôi tìm cuốn sách của Hiệp hội HLV Italy và nhìn thấy một người đáp ứng đủ hai tiêu chí này ngay những trang đầu tiên theo thứ tự chữ cái. Người ấy cũng sống ngay ở Reggiana với tôi: Giorgio Ciaschini. Tôi không biết anh ấy là ai cả, nhưng tôi cứ gọi thử và anh ấy đồng ý sẽ làm việc cùng tôi. Và chúng tôi đã cùng nhau trải qua mười năm trong nghề. Giorgio trở thành một thành viên quan trọng và trung thành trong gia đình bóng đá của tôi ngay từ những ngày đầu. Và xuyên suốt trong cuốn sách này, bạn sẽ biết là tôi đánh giá cao lòng trung thành đến thế nào.
Ngài Chủ tịch đề ra mục tiêu vào đầu mùa bóng: chức vô địch Serie B. Nhưng sau bảy trận đấu đầu tiên, Reggiana rớt xuống tận chót bảng. Có lẽ là do lỗi của tôi, bởi tôi còn quá non kinh nghiệm, tôi ngỡ ngàng nhận ra việc chuyển từ cầu thủ sang làm HLV không hề dễ dàng như mình tưởng.
Tất nhiên tôi cũng không phải là kẻ lơ tơ mơ không biết gì. Ngay trước khi treo giày ở Milan, tôi đã được mời về làm trợ lý cho Arrigo Sacchi ở đội tuyển Italy. Khi ấy tôi hoàn toàn có thể chơi bóng tiếp, nhưng tôi chọn dừng lại vì biết thời gian làm việc cùng Sacchi sẽ rất bổ ích cho mình sau này. Mà quả thực đấy là giai đoạn rất hệ trọng trong sự nghiệp của tôi. Nếu không được phụ việc và học hỏi Sacchi tại đội tuyển Italy thời gian ấy, tôi đã thất bại thê thảm ở Reggiana rồi.
Vấn đề của một HLV vừa bập bẹ từ thế giới cầu thủ chuyển qua là: bạn cho là mình biết mọi thứ, rốt cục lại nhận ra mình chẳng biết gì. Đầu tiên, phải làm được một việc khó khăn nhưng quan trọng: giữ quan hệ tốt với cầu thủ, nhưng đồng thời phải cho họ biết ai mới thật sự là ông chủ. Việc này không phải là bất khả thi, cho dù rất nhiều người nghĩ HLV rất khó được cầu thủ đồng thời yêu mến và kính trọng cùng lúc.
Điều khiến tôi cảm thấy sợ hãi nhất trong thời gian đầu là phải nói chuyện trước các cầu thủ. Cầu thủ muốn mọi thứ phải hoàn hảo, trong khi việc này lại quá mới mẻ. Đứng trước 25-30 con người, người thì đang ngáp, người thì tranh thủ "chợp mắt một tí", người thì nhìn lơ đãng ngoài cửa sổ, người thì đã ngủ gà ngủ gật, làm sao để họ tập trung không phải là việc dễ dàng.
Nhưng tôi cũng dần làm quen được với việc ấy. Nhưng một vấn đề khó khăn khác xuất hiện: công bố đội hình thi đấu. Bạn có 18-20 cầu thủ, ai cũng muốn đá chính cả. Khi công bố 11 cái tên, bạn sẽ nhìn thấy sự thất vọng ở những người mới mấy phút trước còn hào hứng vì nghĩ họ sẽ được đá. Tôi hiểu rõ nỗi thất vọng của họ, vì tôi từng là một trong số họ. Vậy nên, trong thời gian này, tôi để việc công bố đội hình ra sân đến tận những giây phút cuối cùng, để họ có thể hào hứng tập luyện và theo dõi suốt cả quá trình chuẩn bị. Nhưng cuối cùng, việc làm ai đó phải thất vọng vẫn là không thể tránh khỏi.
Một khó khăn khác: cầu thủ không hề coi trọng thời gian luyện tập cho trận đấu. HLV huyền thoại Bill Parcells của môn bóng đá Mỹ từng nói một câu bất hủ: "Ai cũng muốn thắng, nhưng không phải ai cũng muốn chuẩn bị để thắng".
Tôi nhớ một lần cho gọi các cầu thủ Reggiana đến và nói: "Tôi có niềm tin vào việc chúng ta nên chơi như thế nào và cư xử như thế nào. Nếu các anh đồng ý, chúng ta sẽ cùng làm việc với nhau. Nếu các anh không tin tôi, tôi sẽ chẳng chờ cho đến khi ông chủ sa thải tôi, tự tôi sẽ làm việc ấy. Nếu ta chẳng đồng lòng, thế thì chia tay sớm tốt hơn".
Hầu hết các cầu thủ nghe tôi nói thế đều ủng hộ, chỉ có hai người không theo. Nhưng như tôi đã nói, bạn chẳng bao giờ có thể khiến tất cả đều hạnh phúc. Sau cuộc gặp gỡ ấy, mọi thứ tốt dần lên. Cuối cùng chúng tôi đã giành suất lên hạng Serie A.
Trong bảy trận đấu đầu tiên ấy, đã có những lúc tôi nghĩ mình không thể nào trở thành HLV được. Tôi đã lo là mình chọn nhầm nghề, ngộ nhận về khả năng của mình. Áp lực của công việc là quá nhiều. Hầu hết những áp lực ấy là do tôi đặt ra cho chính mình. Bây giờ, khi đã là thành viên của Hiệp hội các HLV ở những giải vô địch lớn, tôi có điều kiện tiếp xúc với những nghiên cứu về thời gian bình quân của một HLV ở một CLB. Thật mừng là ngày ấy tôi không biết đến những con số này, nên không bị nó dọa cho chết khiếp!
Tôi đã đi đến cuối vòng cung của mình tại Reggiana ngay sau mùa bóng ấy. Nhưng không phải bị sa thải như Real Madrid mà tự tôi ra đi, để đến một CLB lớn hơn - Parma. Đôi khi người đặt dấu chấm hết cho một vòng cung là HLV chứ không phải CLB. Đôi khi bạn tự đi, đôi khi bạn bị ép. Nhưng đấy là bóng đá, và trong kinh doanh cũng thế!
* Phần tiếp theo của cuốn sách sẽ được đăng trên VnExpress thứ Ba ngày 7/6.
*Xem thêm: Bí mật về những năm tháng của Ancelotti ở Chelsea
Gareth Bale đã đâm sau lưng Ancelotti như thế nào
Hoài Thương dịch