Từ nghìn xưa, người phương Đông quan niệm: người lãnh đạo nhất thiết phải hội tụ các tố chất như tầm nhìn, tài dụng người, dụng ngôn, biết đối nhân xử thế... Bộ sách Tứ thư lãnh đạo gồm 4 cuốn Thuật lãnh đạo, Thuật quản trị, Thuật dụng ngôn, Thuật xử thế được thực hiện với mục đích trở thành bạn đồng hành trên con đường thành công của những nhà lãnh đạo.
Bất kỳ nhà lãnh đạo kiệt xuất nào trên thế giới cũng từng phải đối mặt với những thách thức của thời gian, từng phải ra những nước cờ quyết định trước khi giành chiến thắng. Sách Thuật lãnh đạo chỉ ra, người lãnh đạo không nhất thiết phải học rộng, nhưng nhất thiết phải là người có năng lực. Là người của công chúng, họ luôn luôn bận rộn. Họ phải cung kính lắng nghe, biết lựa lời cấp trên; phải nghiêm khắc mà độ lượng, ân cần niềm nở với cấp dưới; phải động viên tinh thần cộng sự để cùng đoàn kết một lòng; phải biết tùy cơ ứng biến, nhanh nhạy khôn khéo với đối phương; phải biết tranh thủ những người ủng hộ; phải biết đặt mình vào vị trí của những người phản đối để tìm cách thu phục họ…
Thuật quản trị đưa ra những kiến nghị giúp người lãnh đạo có con mắt tinh đời để nhìn người. Bằng những chỉ dẫn cụ thể, sách chỉ ra cách để nhận biết người tốt kẻ xấu. Một điều kiện tiên quyết khi dụng người là công bằng, chính trực, vô tư, không thiên vị.
Tài ăn nói là một công cụ liên kết quan trọng sau công cụ giao thông và công cụ thông tin liên lạc. Cuốn Thuật dụng ngôn đưa ra phương pháp giúp hoàn thiện khả năng nói chuyện hấp dẫn, truyền đạt dễ hiểu, đi vào lòng người. Sách cũng chỉ ra một người lãnh đạo không hoàn toàn làm chủ ngôn ngữ thì chắc chắn không thể lãnh đạo người khác tốt được.
Xử thế là tố chất đòi hỏi người lãnh đạo cần phải có. Như Adams.J, nhà xã hội học nổi tiếng của Mỹ nói: "Giao thiệp giống như một sức hấp dẫn tiềm ẩn trong tố chất căn bản của mỗi con người, nó có thể thổi luồng gió đầy sức sống vào những việc cứng nhắc khô khan, có thể làm cho những sự việc rối rắm trở nên thông suốt, rõ ràng. Quan trọng hơn nó có thể đưa một người không nhiều năng lực lên đỉnh cao của công danh sự nghiệp". Cuốn cuối trong bộ sách là Thuật xử thế - đã đưa ra những gợi ý cho cách kết nối giữa người với người.
Là người tâm đắc với bộ sách Tứ thư lãnh đạo, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT - nhận xét: "Dù bạn có đang là lãnh đạo hay không, miễn là bạn đang khao khát thực hiện ước mơ sự nghiệp của mình, tôi khuyên bạn nên đọc bộ sách này để con đường sự nghiệp luôn suôn sẻ, tránh được những vấp váp, trắc trở và gặt hái thành công. Khi đọc sách, hãy nghiền ngẫm kỹ những sách lược, đọc thật chậm lời khuyên, phân tích rõ ràng những ví dụ thực tế và khéo vận dụng những kinh nghiệm mà tác giả đã đưa ra vào công việc hàng ngày của mình".
Về văn phong của sách, ông Bình nói: "Giản dị nhưng sâu sắc, đơn giản nhưng đầy đủ, tôi tin đây là bộ sách cẩm nang cho các nhà lãnh đạo và những người sẽ trở thành lãnh đạo".
Lam Thu