B.T. -
Tuy nhiên, ngay từ đầu, khi giải thích về tiêu đề của cuốn sách, tác giả Naomi Klein nhấn mạnh rằng, không nên hiểu No Logo như một khẩu hiệu theo nghĩa đen - không logo nào nữa hay đả đảo logo, mà nên hiểu cuốn sách như một nỗ lực nhằm nắm bắt thái độ chống lại các công ty lớn đã xuất hiện, kể từ khi ngày càng có nhiều người khám phá ra mặt khuất của thế giới thương hiệu.
Trong thế giới đó, thương hiệu chiếm lĩnh mọi khoảng trống để tiếp thị người tiêu dùng, và hồ hởi, khoa trương về một ngôi làng toàn cầu. Nhưng cũng trong thế giới đó, có những người thợ không hề có cơ hội được học cách vận hành chiếc máy tính do chính họ lắp ráp nên, có những công nhân phải làm việc hàng chục năm mới kiếm được khoản tiền tương đương thu nhập một giờ của một CEO, và cũng có cả những tập đoàn bán sản phẩm cao hơn hàng chục lần so với chi phí sản xuất thực tế.
Bìa sách. |
Theo tác giả, một số tập đoàn giờ đây đã lớn tới mức có thể lấn át chính phủ nhưng không giống như chính phủ, họ lại chỉ chịu trách nhiệm với cổ đông của mình. Cuốn sách phân tích cặn kẽ và dẫn chứng thuyết phục về các lực lượng, mà giới trẻ chiếm ưu thế, chống đối sự thống trị của các tập đoàn. Từ nhạo phá quảng cáo một cách nghệ thuật, tụ tập nhảy nhót trên đường phố đòi giải phóng không gian công cộng khỏi sự chiếm dụng của quảng cáo đến tẩy chay có tổ chức các thương hiệu không thân thiện với môi trường... - phong trào này mặc dù vẫn còn đang trong thời kỳ ấu thơ nhưng đã được dự báo sẽ phát triển xuyên quốc gia.
No Logo gồm bốn phần: Không khoảng trống (quá trình văn hoá và giáo dục đầu hàng trước marketing); Không lựa chọn (phổ lựa chọn của người tiêu dùng bị thu hẹp lại bởi các cuộc sáp nhập, nhượng quyền, hiệp đồng và sự kiểm duyệt của các công ty), Không việc làm (các xu hướng như chỉ thuê lao động phổ thông, tạm thời, bán thời gian hay gia công bên ngoài, khiến cơ hội có việc làm ổn định trở nên mong manh), và cuối cùng là Không logo (tìm kiếm giải pháp cho một hành tinh đang "bị bán").
No Logo đã trở thành best-seller ở nhiều nước, bán được hơn một triệu bản bằng 28 thứ tiếng. Nó cũng đem lại cho Naomi Klein các giải thưởng lớn như Giải thưởng Sách Kinh doanh Quốc gia (National Business Book Award) Canada năm 2000; giải Prix Médiations của Hội Đọc sách Chính trị (Lire la Politique) và Hội Giáo dục (Ligue de l'enseignement) Pháp năm 2001.
Naomi Klein là nhà báo nữ người Canada, sinh ngày 5/5/1970 tại Montreal trong một gia đình trí thức Do Thái cánh tả. Cha bà là bác sĩ, mẹ là nhà làm phim, nổi tiếng với bộ phim tài liệu chống khiêu dâm Not A Love Story (Không phải chuyện tình) và tích cực hoạt động vì nữ quyền. Cha mẹ bà đã bỏ nước Mỹ sang Canada sinh sống để phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.
Khi còn học ở Đại học Toronto, Naomi Klein bước chân vào địa hạt báo chí với chức Tổng biên tập tờ báo sinh viên The Varsity của trường.
Sau năm thứ ba đại học, bà thôi học và làm việc cho các báo và tạp chí The Toronto Star, This. Bà cộng tác thường xuyên với mục bình luận hàng tuần của tờ The Globe and Mail (Canada), The Guardian (Anh) và tạp chí The Nation (Mỹ). Ngoài ra, bà còn viết bài cho nhiều báo khác và được mời giảng dạy ở nhiều nơi. Các bài viết của bà được tập hợp trong cuốn Fences and Windows: Dispatches from the Front Lines of the Globalization Debate (Hàng rào và cửa sổ: Những thông điệp từ tuyến đầu của cuộc tranh luận về toàn cầu hóa), xuất bản năm 2002.
Naomi Klein là tiến sĩ danh dự ngành Luật dân sự của University of King's College, Nova Scotia (Canada). Bà được xếp hạng 11 trong một cuộc bầu chọn 100 nhà trí thức hàng đầu thế giới trên Internet do hai tạp chí Prospect và Foreign Policy phối hợp tổ chức năm 2005.