![]() |
Tháp Tokyo. Ảnh tác giả cung cấp. |
Tôi được cử đi công tác tại Nhật Bản, ban đầu theo kế hoạch sẽ về trước Tết,
nhưng do có sự thay đổi lịch trình, thành ra lại được đón năm mới ở nước ngoài. Quả thực tôi cũng không vui khi phải xa nhà vào dịp Tết, dù ở nhà cũng không phải làm gì mấy. Người Việt nào chẳng trân trọng tất niên. Trong mỗi con người chúng ta, thời khắc giao mùa là quan trọng lắm. Ngày 30, nhà nào cũng có mâm cơm tất niên dâng lên thánh thần, tổ tiên. Nhà giàu thì nhiều món và món gì cũng đắt tiền, gia đình nào còn khó khăn thì ít món hơn và các món cũng bình thường hơn.
Gửi bài dự thi tại đây Bấm vào đây để xem thể lệ |
Nhưng trước anh linh thánh thần, tổ tiên nội ngoại, cái tâm trong mỗi con người mới là quan trọng. Có thể mâm cao cỗ đầy nhưng lòng trống rỗng thì lễ vật có cũng như không. Tuy chỉ đơn sơ lễ vật cây nhà là vườn nhưng tấm lòng rộng mở yêu thương thì tất cả trở thành báu vật.
Nhớ da diết cái rét ngọt chiều 30 Tết, đi bên em quanh hồ gươm nhìn sắc xuân đang phơi phới trong mầm non của lá, trong nụ hồng của hoa. Dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ, trong thời khắc giao hòa của đất trời, bao nhiêu là hoa tươi được dâng lên Người, vị vua anh minh đã xây lên Hà Nội. Hà Nội có năm nhiệt độ xuống 10 độ, mưa lất phất, nhưng đi quanh hồ Gươm, ta như thấy ấm lên, bừng lên ánh sáng của thời đại mới.
Khác với người Hàn Quốc, người Nhật không nghỉ và đón năm mới Âm lịch. Năm nay, 30 Tết, Tokyo mưa rả rích suốt cả ngày. Sáng 30, như đã tự nhủ với mình từ trước, tôi đến một ngôi chùa gần nhà cầu mong cho đất nước thịnh vượng, gia đình sức khỏe, hạnh phúc. Tôi muốn đến chùa Asakusa, ngôi chùa hơn 1.300 tuổi quá, nhưng trời mưa và cũng muốn sẽ đến chùa này vào ngày mùng 1 Tết, nên lại thôi. Cầu nguyện xong, tôi đi mua một số thứ để về liên hoan lúc giao thừa.
Bầu trời Tokyo như thấp xuống trong mưa, không biết có phải Phật pháp, thánh thần đang ngó xuống an ủi người dân Fukushima vừa phải chịu cảnh động đất, sóng thần và tai nạn hạt nhân không. Nhưng với tôi, Fukushima hiện lên như hình ảnh của một dân tộc anh hùng không chỉ trong xây dựng đất nước mà còn hiện lên như một giá trị văn hóa, nhân văn sáng ngời cho toàn thế giới học tập.
Tôi có đọc được ở đâu đó rằng Việt Nam muốn theo kịp các nước như Singapore. Chợt nghĩ, để chấn hưng đất nước, Singapore chọn giáo dục, Việt Nam chọn gì đây. Hay công nghệ điện hạt nhân. Đây cũng là một giải pháp không tồi. Hiện nay, vấn đề năng lượng đang làm đau đầu tất cả các nước trên thế giới, nhu cầu năng lượng đang tăng cao, nhất là với các nước có tốc độ tăng trưởng GDP cao như Việt Nam.
Ngoài ra, để phát triển bền vững năng lượng hạt nhân, cần có một ngành công nghiệp điện tử, tự động hóa phát triển. Nếu làm đồng bộ được các việc này, thì cùng với việc giải quyết vấn đề thiếu hụt năng lượng nhờ điện hạt nhân, trên đất nước ta, một ngành công nghiệp tiên tiến cũng sẽ hình thành. Nhưng để làm được điều này, chúng ta còn phải cố gắng rất nhiều.
Hôm nay 30 Tết, khi nhìn hàng cây trà trong nhà người dân Nhật, lại nhớ da diết chợ cây cảnh trước Tết, khi mà năm nào cũng vậy, cứ gần Tết là tôi lại đi chợ, mua ít cây hồng, cây trạng nguyên, cây trà,… Cũng lạ, không biết có phải do khí hậu hay là chất đất không, nhưng trà ở Nhật có rất nhiều nụ và hoa, không như ở Hà Nội, trà khó trồng hay sao mà nhiều khi đã chọn rất kỹ nhưng vẫn mua phải những cây trà mà hoa và nụ được gắn vào bằng keo con voi.
Mưa lất phất trên đầu, nhiệt độ 4 độ C mà không cảm thấy lạnh, có lẽ đang mải nghĩ về Hà Nội, đang mải nghĩ về em. Giờ này chắc em đang tất bật trong siêu thị để chuyển những vật phẩm cho khách hàng đang náo nức sắm Tết. Đôi vai gầy lại trĩu xuống như nâng cả bầu trời. Tôi đã thật sự rung động khi đi bên em trong vườn Phượng Hoàng. Không biết Tết này, em sẽ làm gì, dù chỉ 3 ngày thôi. Em nói, em sẽ ngủ bù cho những ngày vất vả quanh năm, chỉ mấy câu nói đó thôi đã làm tôi nghẹn thở, trong khi em vất vả tháng ngày thì mình rong chơi đây đó.
Chiều 30, Tokyo hửng nắng, mây đen tan ra, bầu trời cao lên, như báo hiệu một mùa xuân tình bạn khăng khít giữa hai đất nước, hai dân tộc có nhiều nét văn hóa tương đồng. Cho dù không có bánh chưng, không có hoa đào, không pháo hoa lúc giao thừa, nhưng lòng tôi như ấm lên cùng đất nước, ấm lên cùng tình bạn keo sơn hai nước.
Chúc một mùa xuân khởi sắc trên đất nước mặt trời mọc và trên đất nước rồng bay.
Nguyễn Mạnh Hùng
Tokyo, chiều 30 Tết Nhâm Thìn