UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt dự án tu sửa cấp thiết tường thành đá Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc với tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng vốn ngân sách, ngày 29/11, ông Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ cho biết.

Đoạn tường thành phía bắc bị sạt lở do ảnh hưởng của mưa bão từ năm 2017. Ảnh: Lam Sơn.
Dự án sẽ hoàn thành trong thời gian ba năm 2020-2022. Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ sẽ tập trung tu sửa, phục hồi đoạn tường thành đá bị đổ có chiều dài 15 m; tôn tạo hố trưng bày khảo cổ học ngoài trời về cấu trúc tường thành.
Bức tường đổ sạt là đoạn tường thành phía bắc, mạn đông nằm trên khu đất gốc, vùng lõi của Di sản văn hóa thế thế giới Thành Nhà Hồ. Trong phương án phê duyệt, sau khi thu dọn toàn bộ phần đất đá bị sạt trượt, các nhà khoa học sẽ loại bỏ những vật liệu không đúng chủng loại và thay thế bằng loại đất, đá xây thành nguyên mẫu.

Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ lắp barie cảnh báo người dân và du khách tránh lại gần đoạn tường bị sạt lở. Ảnh: Lam Sơn.
Đá xây thành nguyên gốc phải được thí nghiệm thành phần lý hóa, sau đó các nhóm thợ sẽ gia công đá khối lớn bằng phương pháp đục thủ công, hoàn thiện bề mặt cho giống với bề mặt đá xây tường thành hiện nay. Hình dáng các viên đá phải đồng bộ, khi xếp chồng khít mạch với các viên khác để không bị xô lệch hoặc hở mạch... Một số vị trí chân thành yếu cũng sẽ được gia cố bằng bê tông cốt thép.
Trong thời gian tu sửa, các hoạt động tham quan dành cho du khách vẫn diễn ra bình thường.

Một đoạn tường thành nhà Hồ còn nguyên vẹn, bề mặt đá nhẵn, xếp vuông vức lên nhau. Ảnh: Lê Hoàng.
Thành nhà Hồ nằm trên hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Trải qua hơn 600 năm tồn tại, hầu hết công trình kiến trúc bên trong Hoàng thành đã bị phá hủy. Những dấu tích nền móng của cung điện xưa giờ vẫn nằm ẩn phía dưới những ruộng lúa của người dân quanh vùng.
Ngày 27/6/2011, tại phiên họp lần thứ 35 của Ủy ban Di sản thế giới thuộc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO) diễn ra tại thủ đô Paris (Pháp), thành nhà Hồ được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.