Tiến sĩ Đỗ Quang Trọng, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản thành nhà Hồ (Thanh Hóa), cho biết bão Dokruri gây mưa lớn khiến một đoạn tường thành phía đông bắc, cách cổng bắc 200 m, bị sạt lở mạnh.

Khu vực sạt lở đã được cắm biển cấm người dân và du khách qua lại. Ảnh: Lam Sơn.
Vị trí sạt lở dài gần 7 m, cao 4 m, khối lượng đất đá sạt lở ước 20 m3. Ngoài ra, nhiều vị trí tường thành phía đông bắc của di sản bị xô nghiêng ra phía ngoài, nguy cơ tiếp tục sạt lở.
Trung tâm bảo tồn di sản thành nhà Hồ đã căng dây, đặt biển cảnh báo, hướng dẫn du khách và nhân dân địa phương không đi lại qua khu vực này.
Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ đang phối hợp với các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành kiểm tra, thăm dò địa chất, đánh giá kết cấu khu vực tường thành phía bắc và toàn bộ di sản.

Nhiều vị trí ở khu vực tường thành phía Đông Bắc cũng sụt lún, sạt lở do nền địa chất yếu. Ảnh: Lê Hoàng.
Trung tâm cũng đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Văn phòng UNESCO Hà Nội kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ nghiên cứu, bảo tồn các đoạn tường thành bị xuống cấp.
Trung tâm bảo tồn di sản thành nhà Hồ cho hay, hiện các hoạt động tham quan dành cho du khách vẫn diễn ra bình thường.
Thành nhà Hồ nằm trên hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Trải qua hơn 600 năm tồn tại, hầu hết công trình kiến trúc bên trong Hoàng thành đã bị phá hủy. Những dấu tích nền móng của cung điện xưa giờ vẫn nằm ẩn mình phía dưới những ruộng lúa của người dân quanh vùng.

Được xây dựng hơn 600 năm trước, nhiều bức tường và cổng thành nhà Hồ còn khá vững chãi. Ảnh: Lê Hoàng.
Ngày 27/6/2011, tại phiên họp lần thứ 35 của Ủy ban Di sản thế giới thuộc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO) diễn ra tại thủ đô Paris (Pháp), thành nhà Hồ được công nhận là di sản văn hóa thế giới.
10h ngày 15/9, bão Doksuri (bão số 10) đổ bộ Hà Tĩnh, Quảng Bình với sức gió tối đa 133 km/h (cấp 12) - mạnh nhất từ năm 2014 đến nay. Bão làm 8 người chết, gần 200.000 nhà tốc mái, hư hại. Điện lưới, viễn thông tê liệt. Các tỉnh nằm rìa tâm bão như Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị cũng chịu thiệt hại. |