Năm 1856, chỉ 4 tiếng sau khi hạ sinh Tolotos, mẹ ông qua đời. Vì không có ai khác trong gia đình đứng ra nhận nuôi, Tolotos bị bỏ lại bên bậc thềm của một tu viện tại vùng núi Athos. Ông được các tu sĩ Chính thống giáo Đông phương nuôi nấng và cái tên Mihailo Tolotos cũng là do tu viện đặt cho. Trong suốt cuộc đời, Tolotos sống theo các quy tắc nghiêm ngặt được áp dụng tại khu vực.
Năm 1060, một điều luật được công bố cấm tất cả phụ nữ, kể cả động vật cái, tới vùng núi Athos, nơi thực chất là bán đảo rộng hơn 330 km2. Luật này vẫn có hiệu lực đến tận ngày nay, khiến nơi đây trở thành khu vực rộng lớn nhất trên thế giới cấm phụ nữ.
Tiến sĩ Graham Speake, tác giả một cuốn sách về lịch sử vùng núi Athos, cho hay điều luật trên được đưa ra nhằm đảm bảo các tu sĩ duy trì lời thề độc thân thiêng liêng của họ suốt đời. Phụ nữ đã bị cấm vào tu viện ở nhiều nơi vì lý do tương tự, nhưng điều khiến vùng núi Athos trở nên độc đáo là toàn bộ khu vực này "được coi là một tu viện khổng lồ".
Không có động vật giống cái cũng đồng nghĩa là nơi đây không thể sản xuất trứng hoặc sữa. Vì vậy, phô mai và các sản phẩm động vật khác phải được đưa vào từ thế giới "bên ngoài". Các tu sĩ cũng bị cấm cạo râu và phải để râu dài để đảm bảo không một phụ nữ nào có thể trà trộn vào.
Trong khi nhiều tu sĩ khác đã nhìn thấy phụ nữ trước khi gia nhập tu viện, cuộc đời của Tolotos từ bé đến lớn đều gắn liền với vùng núi Athos.
Các tu sĩ vùng núi Athos cũng hoàn toàn có thể rời tu viện để đến với thế giới rộng lớn bên ngoài và bắt gặp một người khác giới, nhưng Tolotos không bao giờ bước chân khỏi nơi ông sinh ra.
Ông qua đời vào năm 1938 ở tuổi 82 và được các tu sĩ núi Athos chôn cất theo nghi thức đặc biệt. Họ tin rằng ông là người đàn ông duy nhất trên thế giới chưa từng gặp một người phụ nữ.
Cái chết của Tolotos được ghi nhận trong một bài báo lúc bấy giờ. "Tu sĩ qua đời ở Hy Lạp mà chưa từng gặp phụ nữ" là tiêu đề một bài viết về Tolotos được đăng trên tờ Edinburgh Daily Courier số ra ngày 29/10/1938.
Theo đó, ngoài phụ nữ, ông cũng chưa bao giờ tận mắt nhìn thấy rất nhiều thứ khác. Ông chưa bao giờ được tận mắt thấy ôtô, máy bay, thậm chí chưa bao giờ xem một bộ phim nào.
Mặc dù lệnh cấm phụ nữ kéo dài hàng thế kỷ vẫn còn nguyên vẹn, phụ nữ thực tế đã đặt chân lên vùng núi Athos nhiều lần trong suốt lịch sử. Trong Nội chiến Hy Lạp (1946-1949), các tu sĩ ở vùng núi Athos đã cho phép nông dân cất giấu đàn gia súc tại đây. Một nhóm ở phe khác, trong đó có phụ nữ và bé gái, đã tiến vào Athos để giành gia súc.
Không lâu sau, một phụ nữ Hy Lạp tên Maria Poimenidou đã ăn mặc như đàn ông và dành ba ngày tại Athos. Hành vi xâm phạm của cô đã gây náo động trong cộng đồng cư dân địa phương, đến nỗi chính phủ Hy Lạp phải ban hành một quy định rằng phụ nữ vào Athos là bất hợp pháp và bất kỳ ai cố gắng làm điều này có thể bị bỏ tù tới 12 tháng.
Ngày nay, vùng núi Athos được công nhận là Di sản Thế giới của UNESCO. Vùng này quy tụ 20 tu viện với khoảng 2.000 tu sĩ Chính thống giáo Đông phương. Mỗi ngày, 100 nam tín đồ Chính thống giáo và 15 người đàn ông không theo Chính thống giáo được phép tham quan bán đảo.
Vũ Hoàng (Theo Vintage News, Greek Reporter)