Hồ Vĩnh Căn sinh năm 1933 trong một gia đình nông dân nghèo ở huyện Tân Tân, Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. Năm 1958, ở tuổi 22, ông tốt nghiệp trường Kỹ thuật không quân Thành Đô. Sau khi ra trường, ông làm công nhân cho một nhà máy sản xuất máy móc và kết hôn với một đồng nghiệp.
Công việc ổn định nhưng lương quá thấp, khiến cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Con gái ông thường bị bạn bè chế giễu vì đi chân đất và mặc quần áo vá đi học.
Đầu năm 1990, Hồ Vĩnh Căn nhìn thấy cơ hội kinh doanh khi bắt gặp hình ảnh một người vứt vỏ chai nước khoáng vào thùng rác. Ông mang vỏ chai đến nhà máy hỏi và được biết họ có thu mua lại.
Vĩnh Căn một mình lên thị trấn cách nhà vài chục cây số lập nghiệp. Nhiều người nói ông bị tâm thần vì lập nghiệp ở cái tuổi đáng lẽ sắp được nghỉ hưu.
Để bắt đầu công việc, ông vay người bạn 500 tệ (gần 2 triệu đồng) mua một chiếc xe đạp, lắp thêm hai chiếc giỏ bên hông xe, bắt đầu thu mua phế liệu. Mỗi ngày, ông đạp xe rong ruổi khắp các con phố, ngõ hẻm thu mua sắt thép hay giấy vụn, mưa gió cũng không nghỉ. Trước đây, dù làm 12 tiếng mỗi ngày, ông cũng chỉ kiếm được 60 tệ. Sáu tháng đổi nghề, thu nhập tăng, cuộc sống gia đình cải thiện rõ rệt.
Sau một thời gian làm việc, người đàn ông này nhận thấy lợi nhuận từ giấy vụn quá ít, trong khi kim loại phế liệu được giá cao hơn nhiều. Từ đó ông tập trung vào thu mua mặt hàng này. Năm 1991, Hồ Vĩnh Căn thành lập công ty tư nhân Hoa Thanh, chuyên thu mua và tái chế kim loại.
Công ty thu mua nhiều nên ngổn ngang như một bãi phế thải. Các loại phế liệu không có giấy tờ xuất xứ nên bị cảnh sát thu giữ, thiệt hại lên tới 10.000 tệ. Đây là số tiền rất lớn thời điểm đó. Đứng trước nguy cơ phá sản, ông tìm đến rất nhiều công ty tái chế khác xin hợp tác. Năm 1993, ông ký được hợp đồng với một công ty tái chế kim loại nặng ở quận Tân Tân.
Thời điểm đó, giá phế liệu kim loại tăng mạnh, từ 3.000 tệ một tấn lên 4.000 tệ, Hồ Vĩnh Căn tận dụng cơ hội tăng giá này để đẩy mạnh thu mua. Cuối năm 1993, tài sản của ông đã vượt qua 100.000 tệ (360 triệu đồng). "Đây là con số tôi không dám mơ chứ đừng nói là sự thật, ở thời điểm đó", ông hồi tưởng.
Năm 1996, doanh thu của công ty Hoa Thanh đạt 15 triệu tệ. Thành công của Hồ Vĩnh Căn đã mang lại hiệu ứng dây chuyền. Trên các con phố lớn hay hẻm nhỏ, người đi đường không khó để thấy những người già vác bao tải nhặt rác, dùng chai nhựa và kim loại cũ để kiếm ăn.
Có thể nói, Hồ Vĩnh Căn là người mở đường cho nghề nhặt phế liệu ở Trung Quốc.
Đầu những năm 2000, doanh thu của công ty đạt 50 triệu tệ, và mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác. Hiện tại, khối tài sản của Hồ Vĩnh Căn lên tới cả tỷ tệ. Khi cuộc sống trở nên sung túc, ông làm từ thiện. Xây trường học ở nông thôn, lập quỹ tình thương, xây viện dưỡng lão... đều là những việc ông đã thực hiện.
Hồ Vĩnh Căn cho rằng, làm từ thiện, giúp đỡ người khác... không phải để khoa trương thanh danh, cũng không phải thể hiện bản thân mà là trách nhiệm của mọi công dân.
"Khi chúng ta có của ăn của để, đừng quên nhìn lại những người vẫn đang phải vật lộn với cơm ăn áo mặc ngoài kia. Giúp đỡ họ để xã hội tươi đẹp hơn là điều đáng làm", ông nói. Mặc dù giàu có, điều kiện sống tốt nhưng Hồ sống rất thanh đạm, chưa từng bỏ phí một hột cơm trong bát.
Xuất phát từ tình yêu thương của một người cha, người chồng mong muốn gia đình có cuộc sống đầy đủ, tốt đẹp hơn, cùng với sự nhanh nhạy, thông minh, bản lĩnh và biết nắm bắt thời cuộc, Hồ Vĩnh Căn từ một công nhân có gia cảnh bần hàn trở thành "vua phế liệu", mở ra cơ hội kinh doanh cho ngành công nghiệp tái chế phế thải ở Trung Quốc.
Vy Trang (Theo sina)