Đọc bài viết "Mẹ hối hận khi dạy con theo 'tư duy người nghèo", tôi cảm thấy bài viết rất chủ quan và phiến diện, để nhìn nhận đa chiều về vấn đề này, tôi chỉ phân tích một số khía cạnh của bài viết để độc giả cùng nhau đánh giá một cách khách quan:
Bài viết chỉ đề cập đến Vương Tình và Tạ Linh, cùng hai người con của họ, như vậy, nghiên cứu này chỉ nhìn nhận trên cơ sở có 02 mẫu để rồi đưa ra nhận xét trên một tổng thể, xin thưa rằng không có nghiên cứu nào được công nhận chỉ với hai mẫu cả, xét về quy mô tổng thể, có bao nhiêu bà mẹ và con gái như thế này. Nếu một nghiên cứu chỉ có tính tham khảo (không được công nhận), thì sơ sơ phải trên trăm mẫu, tức là phải xét từ 100 bà mẹ và con gái như thế này trở lên, chúng ta mới có thể đưa ra nhận xét và nhận xét ấy cũng chỉ mang tính thời điểm
Bài viết có đề cập đến điểm chung của 2 cô gái, đó là nền tảng gia đình và học lực, nhưng việc ra trường xin được việc làm còn có nhiều yếu tố tác động, đặc biệt là ý thức của mỗi cô gái. Có thể thấy rất rõ, là con gái Vương Tình trong quá trình học đại học đã độc lập hơn, còn con gái Tạ Linh vẫn được mẹ bao bọc.
Cho nên, điểm mấu chốt khác nhau là trong quá trình học đại học, 2 người đã tiếp cận việc học theo cách khác nhau, dẫn đến suy nghĩ và hành động khác nhau. Trong khi con gái Vương Tình tham gia các hoạt động thiện nguyện và kinh doanh, thì con gái Tạ Linh chỉ biết học và học, có rất ít bạn bè, nên các mối quan hệ xã hội kém xa con gái Vương Tình.
Cả bài viết, không hề nói đến việc hai cô con gái có thế mạnh là gì, sở thích là gì, mong muốn là gì, mà chỉ có theo mong muốn của mẹ. Vậy thì hai cô con gái chính là hai sản phẩm mà hai bà mẹ này tự hào với nhau, và nếu chúng ta áp dụng, chúng ta cũng biến con chúng ta thành những sản phẩm đã được lập trình như thế, chúng ta chưa biết được con gái Vương Tình có mong muốn trở thành một ca sĩ hay nhà du hành vũ trụ hay không, con gái Tạ Linh có thích trở thành vận động viên hay hướng dẫn viên du lịch hay không.
Tại sao không đề cập đến áp lực của những năm cấp 3 - mốc thời điểm của 2 ngã rẽ khác nhau - mà hai cô gái phải chịu đựng. Tại sao không đề cập đến cảm nhận của 2 cô con gái, họ có hạnh phúc với lựa chọn như vậy không? Tại sao mong muốn của đối tượng được tiếp thu nền giáo dục hiện đại lại bị bỏ qua, hay nó không đáng được nhắc tới?
- Tại thời điểm đánh giá, cả hai người đều mới ra trường, con gái Tạ Linh không tìm được việc, không đậu thạc sĩ, còn con gái Vương Tình lương rất cao, tương đương 64 triệu đồng một tháng. Đây không phải là thời điểm để ra kết luận về dạy con thành công các bạn ạ, cuộc đời con người nói dài không dài, nói ngắn không ngắn, nhưng ra trường đại học bước vào cuộc đời chỉ mới là khởi đầu thôi.
Nếu con gái Tạ Linh lại học tiếp để năm sau học Thạc sĩ, sau này trở thành nhà nghiên cứu, làm việc cho các công ty công nghệ hàng đầu thì sao, hay bây giờ mẹ Tạ Linh nhận ra cần phải để con mình tự lập, con gái cô vì áp lực cơm áo gạo tiền, không đòi hỏi những việc lương cao mà việc gì cũng nhận, rồi có thêm kỹ năng tiếng Anh, cô dần thăng tiến, hay cô đi học nghề rồi khởi nghiệp thành công thì sao?
Có rất nhiều khả năng xảy ra với muôn ngàn lối rẽ, vậy nên đừng đánh giá người khác có thành công không chỉ trong một thời điểm hay một khía cạnh của họ.
Việc Vương Tình cho rằng tư duy của Tạ Linh là tư duy của người nghèo tại mốc thời điểm 7 năm trước, khi 2 cô gái cùng bước vào cấp 3, và họ có 2 lựa chọn khác nhau, là hoàn toàn sai lầm. Cái sai của Tạ Linh, chính là bảo bọc con quá mức, nhưng vẫn còn kịp để cô sửa chữa. Đừng để tiền làm thước đo của thành công, và đừng bằng mọi giá để thành công.
Khi con bạn hoang mang về những lựa chọn, việc bạn làm là hãy nhìn nhận điểm mạnh, điểm yếu của con, tâm sự về mong muốn của con như những người bạn, truyền kinh nghiệm của bạn về kỹ năng và cuộc sống. Hãy rèn cho trẻ tự lập, tự chịu trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, sống hạnh phúc và mang lại hạnh phúc cho người khác, điều đó quan trọng hơn thành công.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.