34 năm trước, hai đặc vụ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) bắt đầu một cuộc điều tra về những mối đe dọa với lực lượng cảnh sát. Hai đặc vụ tới các nhà tù Mỹ, phỏng vấn 50 phạm nhân bị kết án vì tội giết cảnh sát để tìm hiểu động cơ của họ.
Hầu hết các chuyên gia tội phạm học ngày nay gọi những nghiên cứu như vậy là giả khoa học. 50 đối tượng khảo sát là con số quá nhỏ và điểm mấu chốt là lời kể của những tội phạm giết cảnh sát thường không đáng tin.
Tuy nhiên, kết luận trong nghiên cứu của họ với tiêu đề "Bị giết trong khi thi hành công vụ" đã xuất hiện rộng rãi trên truyền thông lúc bấy giờ và qua nhiều thập kỷ được Bộ Tư pháp quảng bá, nó dần ăn sâu vào văn hóa của cơ quan thực thi pháp luật Mỹ.
Trong nghiên cứu, hai đặc vụ FBI liệt kê những điểm nổi bật trong hành vi của những cảnh sát bị giết, trong đó có một số đặc điểm đáng chú ý như "thân thiện", "được người dân và đồng nghiệp yêu quý", "có xu hướng ít dùng vũ lực hơn các sĩ quan khác" và "chỉ coi vũ lực là phương án cuối cùng".
Sau các cuộc trò chuyện trong tù, hai đặc vụ FBI kết luận những kẻ giết cảnh sát thường tấn công các sĩ quan có "thái độ tốt". Họ đưa ra nhận định rằng việc một sĩ quan không thể lập tức kiểm soát nghi phạm đã khiến nguy cơ tử vong tăng lên. "Sai lầm trong việc đánh giá yêu cầu áp dụng các biện pháp kiểm soát trong những tình huống cụ thể có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng", hai tác giả nghiên cứu cảnh báo.
Mặc dù nghiên cứu này hiện rất ít được trích dẫn công khai, một số "bài học" được rút ra trong đó vẫn tồn tại như một phần văn hóa của lực lượng cảnh sát Mỹ, như niềm tin rằng việc đi một đôi giày không bóng loáng dễ khiến sĩ quan trở thành mục tiêu bị tấn công.
Theo bình luận viên David Kirkpatrick của New Yorker, những "bài học" như vậy dần trở thành "tư duy chiến binh" trong văn hóa của lực lượng cảnh sát Mỹ, dạy các sĩ quan coi hầu hết thường dân như một "sát thủ" có khả năng gây chết người. Đây là tư duy mà nhiều chuyên gia huấn luyện cảnh sát vẫn truyền đạt với các học viên, ngay cả khi tâm lý cảnh sát đối đầu người dân ngày nay đã không còn phổ biến.
Theo giới quan sát, vụ 5 cảnh sát Memphis đánh chết thanh niên Tyre Nichols hồi đầu tháng là lời nhắc nhở rằng tư duy "chế áp hay là chết" vẫn tồn tại trong lực lượng thực thi pháp luật Mỹ.
Camera gắn trên người các sĩ quan và các video giám sát do thành phố Memphis công bố hôm 27/1 cho thấy một nhóm sĩ quan đã chặn xe của Nichols và họ có xu hướng sử dụng vũ lực ngay từ đầu.
Nhóm cảnh sát này không đưa ra được bằng chứng nào về lý do chặn xe Nichols, ngoài thông tin cho rằng anh "qua đường ẩu". "Anh ta có bị cáo buộc gì không?", tổng đài viên đã hỏi các sĩ quan qua bộ đàm lúc bấy giờ, nhưng các cảnh sát này không đưa ra câu trả lời nào.
Nỗ lực của nhóm cảnh sát nhằm nhanh chóng áp chế Nichols dường như đã đẩy cuộc kiểm tra giao thông bình thường thành một "trận mưa đòn" chết chóc. Tại trường huấn luyện, các sĩ quan được dạy không bao giờ thò người vào cửa kính xe đang mở, vì tài xế có thể nhấn ga, khiến viên cảnh sát bị kéo lê trên đường. Nhưng sau khi Nichols dường như không chịu bước ra khỏi xe, một sĩ quan đã chui người qua cửa sổ vào sâu bên trong xe để kéo anh ra ngoài và quật xuống đất.
Trong lúc bị 4 sĩ quan túm chặt chân tay, phản ứng của Nichols vẫn rất nhẹ nhàng: "Tôi có làm gì đâu!.. Được rồi, được rồi, được rồi, OK... Tôi đã nằm xuống đất, vâng, thưa ngài, vâng, thưa ngài... Tôi chỉ muốn về nhà thôi mà".
Tuy nhiên, các sĩ quan vẫn liên tục hét lớn các mệnh lệnh và những lời chửi thề như thể họ đang trong một cuộc vật lộn sinh tử. Một sĩ quan yêu cầu anh nằm úp xuống, trong khi một người khác ra lệnh cho anh quay lưng lại. Dưới hàng loạt các mệnh lệnh trái ngược nhau, Nichols tỏ ra bối rối không biết phải tuân theo lời của ai.
Nichols không có vũ khí và thể hình cũng không cao to. Anh mắc bệnh Crohn, căn bệnh khiến anh khá gầy, cao 1m9 nhưng chỉ nặng 65 kg, theo mẹ Nichols. Các sĩ quan, giống như Nichols, đều là người da màu, và tất cả trông to gần gấp đôi anh.
Trong cuộc trao đổi được ghi âm sau sự việc, các sĩ quan nói với nhau rằng Nichols muốn cướp súng của họ. Nhưng Seth W. Stoughton, chuyên gia về sử dụng vũ lực kiêm cựu cảnh sát, nhận định đoạn video ghi lại cuộc chạm trán khiến tuyên bố trên trở nên vô lý.
Thực tế, nhiều dấu hiệu cho thấy các sĩ quan không có chút e dè nào đối với Nichols. Stoughton, giáo sư luật tại Đại học Nam Carolina, người đã làm chứng tại phiên tòa xét xử một sĩ quan Minneapolis bị kết tội ghì chết người đàn ông da màu George Floyd vào năm 2020, lưu ý rằng cảnh sát thường hét lên ngay lập tức nếu thấy nghi phạm muốn cướp súng của mình. Trong cuộc chạm trán với Nichols, cả 5 người đều không làm vậy.
Khi bị chích điện, Nichols đã vùng chạy nhưng nhóm cảnh sát nhanh chóng bắt kịp anh. Họ sau đó liên tục đấm đá, đánh dùi cui vào các yếu huyệt trên người chỉ vì anh không tuân thủ mệnh lệnh. Đó là những mệnh lệnh như "Nằm xuống", "Nằm thẳng ra" hay "Đưa hai tay ra sau lưng".
Nichols đau đớn gào thét cầu cứu, gọi mẹ vì anh biết nhà mẹ anh ở gần. Khi Nichols rơi vào trạng thái bất tỉnh và vẫn bị còng tay, một sĩ quan thậm chí còn chế giễu những tiếng gọi mẹ tuyệt vọng của anh. "Hắn ta cũng có mẹ cơ đấy", viên cảnh sát nói.
Nichols qua đời ba ngày sau đó trong bệnh viện.
Các sĩ quan đánh đập anh thuộc một đơn vị gồm 40 cảnh sát mang tên SCORPION. Memphis thành lập đơn vị này vào tháng 11/2021 để giải quyết tình trạng gia tăng các vụ giết người và bạo lực bằng súng trong thời kỳ đại dịch.
Kể từ đó, giới chức đã ca ngợi thành công của đơn vị SCORPION bằng cách dẫn số liệu thống kê cho thấy họ hoạt động hiệu quả như thế nào, từ số lượng tiền, súng, ôtô bị tịch thu đến số nghi phạm bị bắt.
Theo Stoughton, trong khi giới chức bỏ qua thông tin việc liệu các vụ bắt người có dẫn đến kết án hay thậm chí giảm tội phạm hay không, những số liệu như vậy chỉ khuyến khích xu hướng sử dụng vũ lực.
"Bạn đang tập trung vào số lượng hơn là tính hợp pháp. 30 năm nghiên cứu cho chúng ta biết đó là một ý tưởng tồi", ông nói.
Các đơn vị cảnh sát được quy định mục tiêu cụ thể như SCORPION, tập trung vào một số khu phố có tỷ lệ tội phạm cao, có lịch sử gây tranh cãi. Nhiều bê bối đã xảy ra tại đơn vị Rampart, ở Los Angeles, và Lực lượng Đặc nhiệm Truy tìm Súng, ở Baltimore, cùng hàng loạt đơn vị khác tương tự. Sở Cảnh sát Memphis hồi cuối tuần qua cũng cho biết họ đã quyết định giải tán SCORPION.
Cùng với tư duy cho rằng việc không thể khống chế đối tượng sẽ khiến nguy cơ cảnh sát bị giết tăng lên, nghiên cứu từ những năm 1990 còn gieo mầm một quan điểm khác trong văn hóa cảnh sát, rằng việc dừng ôtô là đặc biệt nguy hiểm đối với các sĩ quan.
Quan niệm đó hình thành từ việc sử dụng sai số liệu thống kê cho rằng một tỷ lệ lớn cảnh sát bị sát hại trong các vụ dừng xe bên đường. Trên thực tế, tỷ lệ cảnh sát tử vong khi dừng xe không cao hơn so với những nhiệm vụ khác.
Tuy nhiên, những đơn vị như SCORPION, được thành lập để truy quét các băng đảng, súng và ma túy, không phạt hành chính người vi phạm vì chạy quá tốc độ hay những lỗi giao thông khác. Thay vào đó, họ thường dựa vào những vi phạm hành chính như vậy để yêu cầu tài xế dừng xe và kiểm tra mọi thứ bên trong xe.
Tin chắc rằng họ sẽ phải liều mạng mỗi khi chặn một chiếc xe, nhiều sĩ quan đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho một cuộc đối đầu sinh tử. Rất ít người có thể trở nên quyết liệt như 5 sĩ quan đã đánh chết Nichols, nhưng thái độ hiếu chiến của họ có khả năng khiến tài xế hoảng loạn, dẫn đến hành vi chống trả, tăng nguy cơ bạo lực chết người, theo giới chuyên gia.
Dừng xe để kiểm tra vì cảnh sát "cảm thấy có gì đó không ổn" cũng được chứng minh là cách làm không hiệu quả. 5 sĩ quan đã dành cả đêm đối phó với Nichols, một dân thường không có vũ khí, mà lẽ ra họ có thể xử lý những tội phạm nguy hiểm hơn.
Nhiều nghiên cứu đã kết luận rằng phương pháp kiểm tra xe để tịch thu súng, ma túy hay hàng lậu như vậy ở Mỹ là chiến lược không hiệu quả, đôi khi còn phản tác dụng. Họ khiến những công dân tuân thủ luật pháp trong các khu dân cư có tỷ lệ tội phạm cao xa lánh cảnh sát, trong khi giới chức rất cần sự hợp tác của công dân.
Sau cái chết của George Floyd, cảnh sát và công tố viên ở các khu vực pháp lý từ Philadelphia đến Los Angeles đang cố gắng chấm dứt hoàn toàn các vụ dừng xe không lý do. Thành phố Fayetteville, Bắc Carolina, là một trong những nơi đầu tiên thử nghiệm cách làm này từ hơn một thập kỷ trước.
Những lời phàn nàn của người dân về cảnh sát Fayetteville đã giảm xuống, và các trường hợp tử vong khi tham gia giao thông cũng giảm, trong khi bạo lực súng đạn hay tội phạm ma túy đều không tăng đáng kể. Và chắc chắn Tyre Nichols vẫn còn sống nếu cảnh sát không dừng xe anh vào đêm định mệnh đó, theo bình luận viên Kirkpatrick.
Vũ Hoàng (Theo New Yorker)