Sơ đồ thùng loa Fostex FE206E.
Cũng như tất cả các model khác, loa FE206E được hãng Fostex sản xuất tại Trung Quốc và Đài Loan với mục đích giảm giá thành. Mỗi loa được đặt trong một hộp các-tông chắc chắn, ghi rõ nơi sản xuất, kèm theo tài liệu (bằng tiếng Anh và tiếng Nhật) ghi đầy đủ các thông số kỹ thuật, sơ đồ đáp tần của loa, thiết kế chi tiết và hướng dẫn các bước đóng thùng loa (kèm theo hình ảnh minh họa). Ngoài ra, mỗi loa còn kèm theo 4 vít gỗ và một gioăng bằng foam mút.
Về cơ bản, FE206E có kết cấu như các loại loa điện động khác: đường kính 20 cm, xương loa làm bằng kim loại dập, trông có vẻ hơi mảnh so với nam châm khá to có đường kính tới 14,5 cm gắn ở phía sau. Toàn bộ loa nặng 3,35 kg, trong đó riêng nam châm đã nặng 1 kg. Nón loa được làm bằng giấy, màu trắng sữa, rất mỏng và nhẹ, được gọi là ES cone paper. Theo hãng Fostex, họ đã sử dụng loại bột làm từ sợi của thân cây chuối để làm loại giấy này với mục đích làm ra một loại vật liệu rất nhẹ nhưng lại cho độ ổn định bề mặt, chuyên dùng làm nón cho các loa độ nhạy cao.
*Thú chơi loa kèn
*Dải băng Leisure
*Loa tĩnh điện lai
*Sonus Stradivari
Ngoài nón loa chính, FE206E còn có một nón loa phụ, nhỏ hơn, đặt chính giữa. Nón loa phụ có hình dáng như một kèn nhỏ, có chức năng mở rộng dải tần số cao của loa. Gân loa bằng vải rất mỏng và mềm mại. Đây là một yếu tố quan trọng giúp cho nón loa chuyển động nhẹ nhàng, dễ dàng đáp ứng những rung động rất nhỏ của cuộn dây. Theo các thông số kỹ thuật kèm theo, tiếng bass của loa FE206E có thể đạt được tần số cắt tới 40 Hz và âm cao đạt tới 20 kHz. Tuy nhiên, nếu nhìn vào đáp tuyến tần số, bạn sẽ thấy từ 55 Hz trở xuống, âm trầm của loa bị sụt giảm rất nhanh và từ khoảng tần số 2 kHz trở lên, đáp tuyến của loa không còn được ổn định, xuất hiện nhiều điểm nhấp nhô (peaks & dips). Điều này có nghĩa là về cơ bản, loa chỉ hoạt động có hiệu quả trong dải tần số từ 50 Hz đến 5 kHz. Đây là nhược điểm cố hữu của loa toàn dải mà FE206E không phải là ngoại lệ.
Loa Fostex và sơ đồ âm thanh.
Nếu với driver, chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào hãng sản xuất, thì làm thùng loa lại là phần việc để các DIY speaker thỏa sức thể hiện tài nghệ. Sở dĩ như vậy vì loa FE206E được thiết kế cho thùng loa dạng kèn sau (back loaded horn). Nếu so với các thùng loa bass phản hồi (bass reflex enclosure) hay thùng loa kín (sealed box) thường thấy thì thùng loa dạng kèn sau có thiết kế phức tạp hơn nhiều và việc gia công sẽ khó khăn.
Thùng loa FE206E cũng có thiết kế tương tự như các loa toàn dải áp dụng kiểu thùng kèn sau. Theo đó, phần âm trung và âm cao được phát ra trực tiếp từ phía trước nón loa, phần âm trầm được tạo ra bởi chuyển động phía sau của nón loa kết hợp với sự cộng hưởng của sóng âm sau khi đi qua một ống khí dạng kèn gắn ở phía sau loa (thiết kế này còn gọi là bass horn). Bass horn cho loa FE206E được thiết kế dưới dạng hình chữ nhật, trong đó đường đi từ họng đến miệng kèn (contour) được chia thành các đoạn thẳng, bẻ gấp khúc theo đường zích zắc với các góc 90 độ. Thể tích của các đoạn nằm trên contour tăng dần cho đến khi gặp miệng kèn, nơi mà tiếng trầm đạt được tần số cắt thiết kế cho loa (khoảng 45 Hz).
Vật liệu cần thiết để làm thùng loa gồm chủ yếu là gỗ. Theo hãng Fostex, bạn nên dùng loại gỗ dán (polywood) dày 21 mm để làm thùng loa FE206E. Tuy nhiên, gỗ dán loại tốt để làm thùng loa thường khó kiếm trên thị trường. Bạn có thể thay thế bằng loại vật liệu phổ biến hơn như tấm MDF có độ dày từ 18 mm đến 22 mm. đây, người đóng sử dụng loại gỗ dán 9 lớp, rất chắc chắn, dày 22 mm cho các tấm xung quanh loa, có tác dụng giữ ổn định toàn bộ khung của thùng loa và tầm MDF dày 12 mm cho phần kèn zích zắc bên trong.
Củ loa FE206E.
Các vật liệu khác gồm dây loa, cọc đấu dây, tấm bông hóa học, keo dán gỗ, đinh, gỗ lạng (veneer) và tất nhiên, thứ không thể thiếu là tài liệu đóng thùng loa của hãng Fostex.
Sau khi vật liệu đã được chuẩn bị, việc tiếp theo là cắt gỗ. Có tổng số 36 miếng gỗ cần cắt cho mỗi một thùng loa. Điểm thuận loại trong phần việc này, theo tài liệu của Foster, là cắt trên cơ sở hai tấm gỗ lớn có kích thước 1.800x900 mm. Trong tài liệu, toàn bộ các miếng gỗ đều được đánh số thứ tự với kích thước cần thiết. Lưu ý, khi cắt xong miếng gỗ nào, nên đánh số thứ tự ngay, tránh nhầm lẫn khi bắt đầu ghép thùng. Một điều hết sức quan trọng trong bước cắt gỗ là bạn phải cắt sao cho các cạnh của miếng gỗ phải thẳng. Nếu bạn cắt không chính xác, cạnh của các miếng gỗ bị cong, sẽ không thể thực hiện được khâu ghép thùng.
Khi toàn bộ miếng gỗ đã cắt xong và được đánh số thứ tự đầy đủ, ta tiến hành ghép thùng. Sơ đồ thùng loa trong tài liệu đi kèm được vẽ rất chi tiết, trong đó có nêu vị trí cần ghép của từng miếng gỗ đã được đánh số thứ tự trên. Nếu bạn thấy khó hình dung trên bản vẽ kỹ thuật, bạn sẽ thấy thuận lợi hơn khi đối chiếu với ảnh ba chiều thể hiện bên trong một thùng loa đã được ghép xong. Tài liệu cũng có ảnh minh họa, hướng dẫn các bước chính trong khâu ghép thùng. Nguyên tắc trong bước này là ghép từ phía trước ra phía sau, từ bên trong ra bên ngoài, từ trên xuống dưới. Các miếng bên trong tạo đường zích zắc của kèn được ghép trước, sau đó ghép với tấm mặt, rồi đến tấm lưng và cuối cùng là hai tầm cạnh.
Sau khi các miếng gỗ được dán bằng keo, bạn có thể dùng đinh để cố định. Bạn nên nhớ keo là vật liệu chủ chốt để liên kết toàn bộ các miếng gỗ của thùng loa. Khi ghép, bạn nên chia toàn bộ thùng loa thành các đoạn, và ghép đồng thời các miếng gỗ của một đoạn với nhau, ép cố định để chờ cho keo khô, sau đó sẽ ghép với đoạn khác. Trong bước ghép thùng, bạn phải lưu ý là ghép các miếng gỗ thật chính xác, nếu không, khi ghép lên, thùng loa sẽ bị vênh, hở và sẽ phải làm lại.
Loa Fostex FE206E đã hoàn thành.
Khi đã ghép xong, về cơ bản bạn đã hoàn thành xong công trình của mình. Phần việc còn lại là làm nhẵn bề mặt gỗ, dán lạng (veneer), đánh véc-ni hay sơn tùy ý, đặt tấm bông hút âm vào các vị trí theo sơ đồ, bắt cọc loa, chạy dây loa trong thùng và cuối cùng là ghép loa vào thùng. bước ghép loa, hai vật liệu đi kèm theo loa sẽ được sử dụng theo thứ tự: trước hết bạn dán vòng gioăng bằng foam mút vào vành loa phía sau. Vòng gioăng này có tác dụng làm khít phần tiếp xúc giữa vành loa và mặt gỗ của thùng và sau đó dùng 4 vít gỗ để bắt loa vào thùng.
Khi bắt loa vào thùng nên làm thật cẩn thận, từ từ, vì nếu lỡ tay có thể làm rách ngay nón gân loa. Chú ý, loa toàn dải không cần có phân tần như các loại hoa khác.
Do loa Fostex FE206E có độ nhạy tới 98 db (đối với thùng kèn sau), nên bạn chỉ cần một ampli có công suất 3 Watt trở lên là đủ. Theo kinh nghiệm, ampli đèn điện tử ba cực (single-end triod) chạy bóng 2A3, 300B cho hiệu quả âm thanh tốt nhất khi phối ghép với loa FE206E. Đôi loa này thực sự không hợp với các ampli công suất lớn. Về nguồn âm, FE206E hợp với đầu đĩa than và các đầu CD có chất âm mộc, trầm ấm như Marantz, Sansui hay Accuphase chứ không nên chọn đầu CD thiên sáng. Một điểm cần lưu ý là FE206E cần ít nhất là 100 giờ chạy rà trơn trước khi có âm thanh tốt nhất.
(Theo Nghe Nhìn)