Trong tuần qua, thị trường chứng khoán liên tục xuất hiện những phiên giảm sâu với áp lực bán tháo trên diện rộng. Từng có thời điểm, Vn-Index mất gần 33 điểm còn HNX-Index rơi xấp xỉ 5 điểm và được giới đầu tư nhận định là cú giảm mạnh nhất lịch sử thị trường.
Nhiều nhà đầu tư chia sẻ đã cảm thấy bối rối, hoảng loạn trước đà lao dốc gần như không phanh, nên quyết định gấp rút bán cổ phiếu. Không ít người trong số này chấp nhận lỗ tới hàng chục phần trăm để bảo đảm an toàn danh mục.

Trong phiên thị trường giảm điểm kỷ lục, bộ phận tự doanh các công ty chứng khoán đã chi hàng trăm tỷ đồng để mua cổ phiếu tích lũy. Ảnh: Anh Quân
Tuy nhiên, giữa tâm bán tháo, ngoài khối ngoại và một vài nhà đầu tư nội, bộ phận tự doanh các công ty chứng khoán mạnh tay giải ngân để gom cổ phiếu với giá rẻ. Trao đổi với VnExpress, ông Vũ Quang Đông – Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết đơn vị này đã chi tới 15 tỷ đồng trong phiên ngày 8/5 cho tự doanh.
“Những lần giảm điểm trước, thanh khoản không tăng nhiều. Nhưng theo quan sát trong vòng 5 phiên trở lại đây, chúng tôi vẫn thấy dòng tiền gia tăng. Điều đó có nghĩa thị trường chưa bị rút quá nhiều như mọi người đồn đoán”, CEO VCBS nhận định.
Cũng trong tâm thế tranh thủ cơ hội săn cổ phiếu giá rẻ nhờ những đợt điều chỉnh, ông Nguyễn Hoàng Giang – Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết bộ phận tự doanh đơn vị này đã chi trên dưới 20 tỷ đồng để tích lũy cổ phiếu trong ngày Vn-Index giảm hơn 30 điểm.
Theo số liệu từ VNDirect, tính riêng phiên ngày 8/5, khối tự doanh các công ty chứng khoán mua ròng hơn 9 triệu cổ phiếu, trị giá xấp xỉ 222 tỷ đồng, đánh dấu mức cao nhất trong phòng 6 phiên liên tiếp gần đây. Tính chung tuần qua, tổng cộng trên 10,6 triệu cổ phiếu được khối tự doanh mua ròng, trị giá hơn 251 tỷ đồng.
Đa số CEO tại các công ty chứng khoán đều giữ cái nhìn lạc quan về xu thế thị trường dù thừa nhận khó khăn còn tồn tại. Chia sẻ với VnExpress, ông Phạm Phú Khôi – Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) nhận định đầu tư vào thời điểm này tiềm ẩn nhiều rủi ro vì thị trường có khả năng giảm tiếp trong thời gian ngắn. Đây cũng là lần đầu tiên CEO này thấy chứng khoán có đợt giảm sâu chỉ vì tin tức thời sự.
Yếu tố về địa chính trị gần đây được xem là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến thị trường, theo ông Khôi lại “chỉ là sự cố nhạy cảm đột nhiên xảy ra”. Cùng với đó là ảnh hưởng từ những yếu tố về mặt kỹ thuật, nhà đầu tư sử dụng đòn bảy tài chính (margin) có thể chạm ngưỡng phải xử lý, gây ra phản ứng dây chuyền, ông Khôi nói.
Tuy nhiên, lãnh đạo này cho rằng với bức tranh vĩ mô và nền kinh tế đang phục hồi, rủi ro về dài hạn là không lớn. “Theo đánh giá cá nhân, tôi nghĩ đây là đợt điều chỉnh hơi thái quá của thị trường. Nó cũng là cơ hội cho những người tin vào quy luật giá trị tìm ra tài sản tốt để đầu tư”, CEO ACBS khuyến nghị.
Đồng quan điểm trên, CEO VCBS – ông Vũ Quang Đông khẳng định “thị trường chứng khoán không có lý do gì để đi xuống”. Bản thân rủi ro kinh tế phía trước cũng không nhiều. "Còn xung đột về địa chính trị sẽ có cơ quan chức năng giải quyết. Tôi không nghĩ có vấn đề gì với nền kinh tế Việt Nam trong năm nay", ông Đông đánh giá.
Dù vậy, trong ngắn hạn, vị tổng giám đốc công ty chứng khoán thuộc top 10 thị phần cho rằng thị trường vẫn cần thời gian để tích lũy và sẽ khó khăn hơn trong kinh doanh. Hiện thời, nhà đầu tư nên tập trung lựa chọn và gia tăng lượng cổ phiếu có chỉ tiêu cơ bản tốt trong trung, dài hạn, CEO VCBS khuyến nghị.
Ông Nguyễn Hoàng Giang – CEO VNDirect đánh giá nền kinh tế chung vẫn đang hỗ trợ tốt thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, đầu năm đến nay, kỳ vọng của giới đầu tư vào chứng khoán hơi quá đà. Đợt điều chỉnh trong tuần qua được lãnh đạo này xem là rất mạnh và thị trường sẽ cần có thời gian tích lũy để đi lên theo xu thế trung, dài hạn.
“Tôi nghĩ nhà đầu tư cá nhân không nên quá bi quan và cần tỉnh táo đưa ra những hành xử đúng với thực tế thị trường. Nếu đầu tư thì cần hạn chế dùng margin vì nó sẽ gây ra những quyết định không đúng đắn vào thời điểm hoảng loạn”, ông Giang bày tỏ.
Còn Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) – ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng 2014 vẫn là năm tốt cho chứng khoán dù còn tồn đọng nhiều khó khăn trên thị trường bất động sản và ngành ngân hàng. Ông chia sẻ chứng khoán từng lên quá nhanh với mức từ 500 lên 600 điểm. Việc quay lại âu cũng là bình thường.
"Có lẽ các nhà đầu tư đã hoảng loạn quá mức cần thiết trước các thông tin về tranh chấp trên biển Đông. Cá nhân tôi cho rằng vấn đề trên biển Đông sẽ sớm kết thúc bằng các biện pháp hòa bình”, Chủ tịch SSI nhận định.
Tình hình biển Đông đột ngột nóng lên là điều không ai lường tới, nhưng dưới góc độ nhà đầu tư, ông Hưng cho biết vẫn nghĩ nên coi đây là cơ hội lựa chọn danh mục. Lãnh đạo này cũng nói thêm phiên ngày 8/5, SSI đã giải ngân rất nhiều.
Một ngày sau cú giảm kỷ lục, cả Vn-Index và HNX-Index đều hồi phục trở lại với mức tăng lần lượt 15,37 và 2,54 điểm. Nhiều blue-chip từng chạm sàn hay bị bán tháo dồn dập như GAS, PVD, VNM, PPC cũng tăng giá và xuất hiện dư mua từ đầu phiên.
Tường Vi