Đầu tư chứng khoán 2 năm nay và chưa từng chứng kiến cảnh Vn-Index lao dốc nhanh như mấy tiếng buổi sáng 8/5, anh Phạm Văn Hiệp (TP HCM) thừa nhận: "Tôi đã mất bình tĩnh và đặt nhiều lệnh bán trong phiên".
Theo số liệu từ Công ty chứng khoán VNDirect, trong phiên 8/5, khối ngoại vẫn mua ròng tổng cộng gần 280 tỷ đồng cổ phiếu trên 2 sàn Hà Nội và TP HCM (87% giá trị này thuộc về HOSE). Các mã được mua ròng mạnh nhất (theo khối lượng) gồm GAS, PVS, VND, ITA, CSM. Trong khi đó, khối ngoại bán ròng mạnh các mã HAG, STB, SHB, CTS và OGC. |
Anh xả tổng cộng gần 100.000 cổ phiếu gồm ITA, KBC, PVS, SHB, STB, SBT, SCR. Anh tâm sự buộc phải nghĩ đến việc bán càng nhanh càng tốt vì không dám tin đà giảm sẽ chững lại. "Tôi đã lỗ tổng cộng 20% ở suất đầu tư này chỉ trong chớp mắt. Nếu cố giữ, e rằng sẽ lỗ thêm nên đành bán sàn. Thật sự tôi đã nghĩ chạy là thượng sách", anh Hiệp nói.
Quyết định của nhà đầu tư tại TP HCM này khá phổ biến trong phiên hôm nay khi chỉ trong buổi sáng, Vn-Index mất hơn 33 điểm. Theo đánh giá của Bloomberg, đây là cú giảm điểm tồi tệ nhất trên thị trường trong vòng 13 năm qua.
Đáng chú ý trên sàn là việc hàng loạt mã dầu khí giảm hết biên độ, khối lượng tung ra cũng từ hàng chục cho đến hàng trăm nghìn cổ phiếu. Không chỉ vậy, nhiều mã thuộc dạng thanh khoản cao, vốn hóa lớn ở nhiều nhóm ngành khác nhau như FPT, HAG, REE... cũng đồng loạt xuống sàn và đa phần chỉ có dư bán.
Tại sàn Hà Nội, HNX-Index giảm gần 5 điểm trong ngày, còn 71,66 điểm. Toàn bộ những cổ phiếu nằm trong top giao dịch mạnh nhất sàn đều xuống giá từ ít nhất 400 đồng cho đến hết biên độ. Xu thế chung là chỉ có dư bán giá sàn mà không xuất hiện lệnh mua đối ứng. Nhiều nhà đầu tư chia sẻ đã cảm thấy hoảng loạn, đành phải bán cổ phiếu để cắt lỗ.
Tuy nhiên, vẫn có những nhà đầu tư tỏ ra kiên cường để lội ngược dòng, gom hàng giá rẻ và tự an ủi “phải hết sức bình tĩnh”. Anh Trần Văn Trung – một nhà đầu tư tại TP HCM đang sở hữu 20.000 cổ phiếu HAG từ thời điểm giá 25.500 đồng. Chứng kiến cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai rớt xuống còn 22.600 đồng trong phiên 8/5, anh không tỏ ra nao núng. "Tôi đã đặt lệnh mua thêm 5.000 cổ phiếu này và hài lòng vì có được giá rẻ. Khối ngoại vẫn gom hàng, sao tôi lại bán?", anh Trung đặt câu hỏi.
Đầu ngày, anh bị sốc và choáng váng khi chứng kiến thị trường rơi tự do mất hàng chục điểm. Lúc đó, nhiều người quen của anh đã quyết định bán để cắt lỗ vì hoang mang quá độ. Một số khác tỏ ra dao động, không biết nên giữ hay xả hàng.
"Riêng tôi kiên quyết với chiến lược chỉ mua rẻ, bán đắt. Nhưng tôi cũng khuyên bạn bè, người thân thận trọng trong phiên giao dịch đầy cảm xúc ngày hôm nay", anh Trung nói.
Chỉ mới đầu tư chứng khoán và trung thành với lĩnh vực dầu khí từ năm 2012, chị Oanh (TP HCM) đang “ôm” tổng cộng hơn 40.000 cổ phiếu gồm GAS, PVS, PVD. Phiên ngày 8/5 khiến chị đứng ngồi không yên khi thị trường đi xuống quá nhanh.
"Đà giảm ào ạt không phanh khiến tôi bị sốc. Nhưng môi giới khuyên bình tĩnh, bởi dù giảm sàn hàng loạt nhưng cổ phiếu dầu khí vẫn được khối ngoại mua ròng. Bám vào hy vọng này, tôi đã không xả hàng đi dù rất lo lắng", chị bộc bạch.
Nhiều chuyên gia phân tích tại các công ty chứng khoán nhận định một phần nguyên nhân khiến thị trường giảm sâu như hiện tại bắt nguồn từ yếu tố địa chính trị.
Chia sẻ với VnExpress, giám đốc tư vấn đầu tư tại một công ty chứng khoán thuộc top 10 thị phần sàn Hà Nội cho rằng chuyện thị trường biến động mạnh có tới 90% do lo ngại khu vực biển Đông, nơi Trung Quốc đang ngang ngược đặt giàn khoan trái phép và tấn công tàu Việt Nam đang thi hành nhiệm vụ. Diễn biến này ảnh hưởng trực tiếp đến nhóm cổ phiếu dầu khí tại sàn gây giảm điểm trên diện rộng đồng thời bị bán tháo mạnh.
“Rất lâu rồi tôi mới nhìn thấy PVD, GAS giảm sàn. Nếu diễn biến này tiếp tục sang tuần sau, nhiều khả năng nó sẽ làm mất xu hướng tăng dài hạn của chứng khoán Việt Nam vốn được tích lũy bằng năm và vẫn được xem là tốt”, chuyên gia này bày tỏ.
Trong khi đó, ông Lê Anh Tuấn – Phó giám đốc Khối khách hàng cá nhân tại Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng phiên ngày 8/5 có thể là kết quả của một chuỗi thời gian dài thị trường phải chịu đựng sự giảm điểm. Chuyên gia này cho rằng yếu tố khiến chứng khoán nhuộm đỏ hàng loạt còn do áp lực giải chấp cổ phiếu margin.
Ngoài những nguyên nhân trên, “tâm lý nhà đầu tư nói chung đang thận trọng khi sự điều chỉnh quá đà khiến việc bắt đáy không thành công. Điều này tạo ra rào cản tâm lý rất mạnh khiến sức cầu của thị trường chung dè dặt”, ông Tuấn chia sẻ.
Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý, dù giảm điểm mạnh, thanh khoản hai sàn vẫn ở mức cao. Lệnh mua sàn các cổ phiếu vẫn được đẩy vào đều đặn từ đầu đến cuối phiên. “Thanh khoản tăng vọt cho thấy mức giá này đã đủ hấp dẫn với một bộ phận nhà đầu tư, trong đó có khối ngoại. Lịch sử cho thấy mỗi lần xuất hiện các phiên giảm mạnh, thị trường ít nhiều đều xuất hiện cú hồi ít nhất cũng đủ T+ để kiếm lợi nhuận”, chuyên gia VNDirect nói thêm.
Tính chung toàn phiên, dù giảm điểm trên diện rộng, khối lượng giao dịch tại hai sàn vẫn duy trì ở mức cao. Hơn 146 triệu cổ phiếu khớp lệnh thành công trên sàn TP HCM, cao nhất trong hơn một tháng qua, trị giá trên 2.862 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch tại sàn Hà Nội cũng vượt 100 triệu cổ phiếu, ghi nhận phiên khớp lệnh nhiều nhất từ hôm 1/4, trị giá hơn 1.000 tỷ đồng.
Trong khi đa phần khối nội đẩy mạnh bán cổ phiếu giá sàn, các nhà đầu tư ngoại liên tục đặt lệnh gom chứng khoán, tập trung chủ yếu vào những mã được đánh giá có chất lượng cơ bản tốt, thị giá từng lên cao qua những đợt tăng điểm đầu năm. Nổi bật nhất số này phải kể đến GAS khi giá niêm yết phiên 8/5 chạm sàn, tương đương mức giảm 6.500 đồng.
Thế nhưng hết giờ giao dịch sáng, hơn một triệu cổ phiếu GAS được khối ngoại mua ròng. Những mã khác như HPG, VND, VIC, ITA, HAG… cũng được nhà đầu tư nước ngoài tích cực gom với số lượng hàng trăm nghìn cổ phiếu.
Theo đánh giá của giám đốc tư vấn đầu tư tại một công ty chứng khoán top 10 thị phần, những giai đoạn thị trường lâm vào trạng thái thiếu ổn định như hiện thời chính là cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài săn cổ phiếu tốt với giá rẻ. “Tôi nghĩ khối ngoại có lối suy nghĩ khác với nhà đầu tư trong nước. Mục tiêu của họ là nắm giữ rất dài hạn. Yếu tố căng thẳng về chính trị có thể xem như dấu hiệu tạm thời và rằng đây là cơ hội để mua cổ phiếu”, vị này đánh giá.
Tường Vi - Hà Thanh