Tại nhiều nước đang phát triển, hàng trăm triệu người chưa được tiêm vaccine Covid-19, hàng triệu người mắc bệnh và tử vong. Các chuyên gia y tế công cộng cho biết những quốc gia này không thể phụ thuộc vào hàng tỷ liều vaccine viện trợ từ các nước phát triển. Nhiều người cho rằng giải pháp là để họ tự sản xuất vaccine mRNA - điều mà các công ty cho rằng không khả thi.
Bất chấp áp lực từ nhiều phía, Moderna và Pfizer đã từ chối chuyển giao công nghệ vaccine mRNA ở các nước đang phát triển, lập luận rằng việc làm này là vô ích. Họ cho biết quy trình sản xuất quá phức tạp, sẽ tốn nhiều thời gian và công sức để thiết lập cơ sở đủ điều kiện. Họ không thể phân bổ nhân viên vì phải tập trung toàn bộ nguồn lực nhằm tối đa hóa sản xuất ở các cơ sở chính.
"Bạn không thể thuê người biết cách tạo ra mRNA, đơn giản là chẳng có ai như vậy cả", Giám đốc điều hành Moderna, Stéphane Bancel, cho biết.
Song chuyên gia y tế tại nhiều nước cho rằng việc mở rộng sản xuất đến các khu vực có nhu cầu cao nhất là khả thi và rất cấp thiết để ngăn ngừa các biến thể nCoV nguy hiểm, đồng thời đẩy lùi đại dịch.
Tom Frieden, cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, nhận định công ty nên thiết lập các cơ sở sản xuất vaccine mRNA tại các nước đang phát triển ngay lập tức. "Chính sách này đảm bảo không xuất hiện thêm biến thể và tình trạng đứt gãy nguồn cung. Vaccine cũng được phân bổ ở nhiều địa điểm khác nhau".
Hiện nguồn cung của đến nước nghèo chủ yếu dựa vào cơ chế Covax của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), song quá trình phân phối còn chậm và hạn chế. Các nước phát triển nắm trong tay lượng vaccine lớn. Chỉ 4% người dân ở các nước thu nhập thấp được tiêm chủng đầy đủ.
Các chuyên gia phát triển và sản xuất cho biết vaccine mRNA cần ít thành phần và nguồn lực vật lý hơn các loại vaccine truyền thống. Các công ty tại châu Phi, Nam Mỹ và một phần của châu Á đã đủ điều kiện để làm điều này. Các công ty có thể sản xuất vaccine mRNA theo mô-đun.
Hầu hết chuyên gia ước tính chi phí thiết lập cơ sở sản xuất vaccine vào khoảng 100 triệu đến 200 triệu USD. Nhiều hãng dược lớn ở các nước đang phát triển có sẵn nguồn quỹ này, số khác cần đến các khoản vay hoặc đầu tư. Công ty Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ và Công ty Tài chính Quốc tế đều có sẵn hàng tỷ USD để tài trợ cho chương trình kiểu này dưới dạng khoản vay lãi suất thấp hoặc một phần vốn chủ sở hữu.
New York Times đã phỏng vấn hàng chục giám đốc điều hành và nhà khoa học tại các công ty vaccine, từ đó tìm ra 10 ứng viên tiềm năng có thể sản xuất vaccine mRNA tại 6 quốc gia: Ấn Độ, Brazil, Thái Lan, Nam Phi, Argentina và Indonesia. Các tiêu chí chính gồm cơ sở vật chất hiện có, nguồn nhân lực, hệ thống quản lý thuốc, môi trường chính trị và kinh tế.
Trong đó, Viện Huyết thanh Ấn Độ là nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới. Các cơ sở khác đã thử nghiệm vaccine mRNA của riêng mình, một số công ty được WHO coi là trung tâm phát triển mRNA khu vực.
Gennova Biopharmaceuticals có trụ sở ở Pune, Ấn Độ, đang thử nghiệm lâm sàng vaccine giai đoạn hai và ba. Khác với các vaccine mRNA hiện hành, sản phẩm của hãng có thể được bảo quản ở nhiệt độ lạnh tiêu chuẩn. Người đứng đầu Gennova là Sanjay Singh, một nhà hóa sinh từng nghiên cứu vaccine sốt rét tại Viện Y tế Quốc gia trong 6 năm trước khi trở về Ấn Độ. Công ty đang nỗ lực mở rộng năng lực hiện có từ 100 triệu liều lên 1 tỷ liều mỗi năm.
BioNet-Asia, nhà sản xuất thuốc Thái Lan, đang thử nghiệm giai đoạn 2 vaccine mRNA có tên ChulaCov19 tại Trung tâm Nghiên cứu Chula ở Bangkok. Kiat Ruxrungtham, người đứng đầu nhóm phát triển, cho biết nếu kết quả khả quan, các nhà khoa học có thể nộp đơn phê duyệt lên cơ quan quản lý Thái Lan vào tháng 3 năm sau. BioNet sẵn sàng sản xuất thương mại ngay khi vaccine được phê duyệt.
"Chúng tôi đủ năng lực và nguồn lực với nền tảng công nghệ này ngay trong nước. Mục tiêu là khi biến thể mới lây lan hoặc có đại dịch tiếp theo, bạn sẽ bắt đầu mọi thứ rất nhanh chóng thay vì chờ đợi để mua vaccine như trước đây", tiến sĩ Ruxrungtham nói.
Các công ty dược phẩm khác muốn được chuyển giao quyền sản xuất (có trả phí) vaccine mRNA, sau đó chia sẻ tiền bản quyền cho mỗi liều bán ra. Stephen Saad, giám đốc điều hành của Aspen Pharmacare ở Durban, Nam Phi, ước tính với khoản đầu tư là 100 triệu USD, công ty ông có thể sản xuất một tỷ liều vaccine mRNA trong vòng một năm, đủ để cung cấp cho toàn bộ châu Phi. Aspen hiện đã có mạng lưới phân phối tiêu chuẩn.
Bio-Manguinhos, viện phát triển sinh học của Brazil, sẽ sớm thử nghiệm lâm sàng vaccine RNA, theo Sotiris Missailidis, phó giám đốc phát triển của trung tâm nghiên cứu.
Năm nay, Bio-Manguinhos đã tăng gần gấp đôi năng lực sản xuất, lên đến 215 triệu liều các loại vaccine nói chung, trong đó có AstraZeneca. Brazil có cơ quan quản lý y tế duy trì tiêu chuẩn giống với FDA của Mỹ và EMA của châu Âu.
Trước đó, quá trình phân phối vaccine đến các nước đang phát triển gặp nhiều hạn chế, như đứt gãy chuỗi cung ứng, trục trặc khâu vận chuyển và rào cản chính trị. Viện Huyết thanh Ấn Độ là nguồn vaccine chính của cơ chế Covax, song chính phủ nước này từng cấm xuất khẩu để tập trung tiêm chủng cho người dân trong làn sóng Covid-19 thứ hai.
"Vaccine sẽ được phân phối đến đâu sau khi ra khỏi dây chuyền sản xuất mới là điều quan trọng. Đây là thứ mà chúng tôi học hỏi được từ đại dịch", Andrea Taylor, giám sát viên vaccine tại Trung tâm Đổi mới Y tế Toàn cầu Duke, cho biết.
Công đoạn phát triển vaccine mRNA rất khác với các vaccine truyền thống. Zoltan Kis, kỹ sư hóa học Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vaccine tại Đại học Imperial, cho biết các nhà nghiên cứu phải làm việc với enzym, thay vì tế bào sống. Nó gần với công đoạn bào chế thuốc hơn.
Thực tế, ở giai đoạn đầu phát triển sản phẩm, BioNTech đã tìm đến một nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư ở Đức chứ không phải nơi sản xuất vaccine. Đơn vị sản xuất vaccine theo hợp đồng của Moderna tại Thuỵ Sĩ cũng thuê các nhà khoa học thực phẩm cũ từ Nestle.
Alain Alsalhani, chuyên gia vaccine của Tổ chức Bác sĩ Không biên giới, cho biết: "Nó như yếu tố thay đổi cuộc chơi vì bạn không phải làm việc với chỉ một bên liên quan nữa".
Các nhà sản xuất theo hợp đồng của Moderna sử dụng một mô-đun để tạo ra 100 triệu liều vaccine. Một số người trong ngành ví quá trình này như kiểu một nhà bếp công nghiệp.
Vaccine mRNA tạo ra doanh thu một năm cao hơn so với bất kỳ sản phẩm nào trong lịch sử ngành dược phẩm, đang trên đà đem lại hơn 53 tỷ USD trong năm nay. Zain Rizvi, chuyên gia về tiếp cận thuốc của tổ chức Public Citizen, cho biết Pfizer và Moderna càng giữ thế độc quyền trong thời gian dài, lợi thế của họ với các loại thuốc ung thư hoặc bệnh khác về sau càng lớn. Khi có sẵn dây chuyền sản xuất, quá trình chuyển mRNA sang bào chế vaccine cho mầm bệnh khác, chẳng hạn sốt rét hoặc HIV, sẽ đơn giản hơn.
Kịch bản ông Rizvi đưa ra từng có tiền lệ cách đây hai thập kỷ, với phương pháp điều trị HIV/AIDS. Rất lâu sau khi thuốc kháng virus được phổ biến rộng rãi ở nước giàu có, châu Phi vẫn có hàng trăm nghìn người chết. Thuốc được cấp phép có giá quá cao đối với những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Giờ đây, WHO đối mặt với thách thức tương tự. Các nỗ lực đạt thỏa bản quyền với Moderna và Pfizer đến nay không thành công. Tổ chức ủng hộ sản xuất phiên bản giống với vaccine Moderna tại trung tâm chuyển giao công nghệ ở Nam Phi. Theo đó, các nhà khoa học tìm cách tạo vaccine Covid-19 sử dụng công nghệ mRNA, dựa trên các thành phần đã được công khai của vaccine Moderna.
Nỗ lực sản xuất vaccine nRNA nhận được sự hỗ trợ từ WHO trong vai trò điều phối và phụ trách cung ứng nguyên vật liệu thô. Song, Zoltan Kis, chuyên gia về vaccine mRNA tại Đại học Sheffield, cho rằng việc tái tạo vaccine của Moderna là "có thể thực hiện được", nhưng sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu Moderna chấp nhận chia sẻ công nghệ. Trưởng nhóm khoa học của Biovac - đơn vị sản xuất vaccine tại Nam Phi, ông Patrick Tippoo, cho biết nếu nắm trong tay công thức và hướng dẫn dạng mô đun từ Moderna, công ty này có thể sản xuất vaccine trong 12 đến 18 tháng tới.
Tuy nhiên, thay vì chia sẻ công nghệ, Moderna đầu tháng này tuyên bố chi 500 triệu USD để xây dựng nhà máy vaccine ở châu Phi. BioNTech cũng có dự định tương tự trong 4 năm tới. Dù vậy, các chuyên gia về chuỗi cung ứng cho rằng con đường nhanh nhất để thu hẹp khoảng cách vaccine Covid-19 là tập trung phân phối công bằng hơn và chuyển giao công nghệ cho các công ty sẵn có.
Thục Linh (Theo NY Times, AP)