Mất bố từ nhỏ, Lương Công Minh và mẹ sống trong một phòng trọ 20 m2 ở thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. Thu nhập chính của hai mẹ con đến từ việc bán cá cảnh, nhưng không ổn định. Hàng tháng, 3-4 triệu đồng mẹ con Minh kiếm được chỉ đủ lo tiền trọ (1,3 triệu đồng), tiền học cùng ăn uống, sinh hoạt tằn tiện. Những lúc ế hàng hoặc đóng cửa vì dịch bệnh, mẹ Minh phải vay mượn khắp nơi.
Minh muốn học Luật trong khi mẹ khuyên nên chọn một trường quân đội, không mất học phí, lại "ổn định và đảm bảo đầu ra". Bất đồng quan điểm giữa hai mẹ con kéo dài gần hai năm, cho đến tháng 4, khi Minh biết thông tin về mức học phí đại học sắp áp dụng.
Theo Nghị định 81/2021, mức trần học phí năm 2022-2023 với các trường đại học công lập chưa đảm bảo chi thường xuyên là 1,2 đến 2,45 triệu đồng mỗi tháng, tăng 220.000 đồng đến một triệu đồng so với năm trước. Ngành Luật thuộc nhóm III - khối các ngành kinh doanh và quản lý, pháp luật - có mức trần 1,25 triệu đồng. Những trường tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư có thể quyết định mức học phí gấp 2-2,5 lần mức trần này.
Rà một lượt những trường đào tạo ngành Luật đã công bố học phí năm tới, Minh thấy mức thu đều từ khoảng hai triệu đồng trở lên, gấp đôi mức 980.000 đồng của năm nay. Thêm tiền trọ, ăn uống và sinh hoạt, Minh nhẩm tính chi phí học đại học mỗi tháng khoảng 4-5 triệu đồng - cao hơn tiền bán cá của mẹ.
"Mức học phí năm ngoái đã vượt quá khả năng kinh tế của gia đình, nhưng em nghĩ mình có thể làm thêm để bù đắp. Năm nay học phí lại tăng, em và mẹ không thể cáng đáng được", Minh bày tỏ.
Sau nhiều ngày suy nghĩ, nam sinh quyết định nghe lời mẹ, chọn một trường quân đội.
Cũng như Minh, hoàn cảnh gia đình khiến Ngọc Trâm, 18 tuổi, sống tại Quảng Ngãi, từ bỏ ước mơ học Ngôn ngữ Anh tại một trường top đầu ở TP HCM.
Mỗi tháng, bố mẹ Trâm phải dành ra gần 10 triệu đồng tiền học cho ba chị em. Trong khi đó, mẹ Trâm làm công nhân lương 6 triệu, còn bố làm tự do. Điều kiện kinh tế gia đình không cho phép, Trâm đành chọn ngành Ngôn ngữ Anh tại một đại học ở Đà Nẵng.
"Năm ngoái, học phí ngành này khoảng một triệu đồng mỗi tháng. Gia đình em cũng không dễ dàng chi trả mức này, nhưng trong tất cả trường đã tìm hiểu, đây là mức thấp nhất", nữ sinh nói.
Theo khung mới, học phí tất cả khối ngành năm 2022-2023 đều tăng so với năm trước, dao động từ 300.000 đồng đến 10,2 triệu đồng một năm. Trong đó, khối Y dược, sức khỏe tăng mạnh nhất với 4,2-10,2 triệu đồng/năm.
Thầy Nguyễn Văn Đức, giáo viên THPT Đồng Quan, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), cho biết lớp thầy chủ nhiệm có 50 học sinh, trong đó khoảng 6 em thích các ngành đào tạo y, dược và có học lực rất tốt. Tuy nhiên, vì gia đình không có điều kiện, thời gian học lại kéo dài, các em chuyển hướng đăng ký sư phạm. Theo thầy Đức, việc học sinh từ bỏ hay thay đổi nguyện vọng đại học vì gia đình khó khăn không phải hiếm.
Trước áp lực học phí, ngoài chuyển ngành, nhiều học sinh quyết định học nghề thay vì vào đại học.
Sau vài lần thi thử tốt nghiệp ở trường, Quốc, lớp 12 tại Nghệ An, chỉ được khoảng 15-16 điểm tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa). Thích kỹ thuật nhưng nam sinh hiểu rằng mức điểm này không thể trúng tuyển đại học top đầu, đồng thời bấp bênh với những trường tầm trung.
"Em không muốn cố vào một trường đại học, bất chấp chất lượng đào tạo và mức học phí đắt đỏ chỉ để có bằng cấp. Gia đình làm nông nên em muốn tiết kiệm cho bố mẹ", Quốc giải thích cho lựa chọn học cao đẳng của mình.
Nam sinh cho rằng việc thạo nghề cũng "rất tốt và không có gì đáng xấu hổ". "Điều khiến em bất ngờ là nhiều bạn sức học chấp chới cũng lựa chọn học nghề như em", Quốc nói.
Ông Đỗ Văn Giang, Vụ phó Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết chưa thể khẳng định việc học sinh chuyển hướng từ đại học sang học nghề là xu hướng vì kỳ tuyển sinh 2022 chưa kết thúc, nhưng cũng không loại trừ khả năng này.
Nghị định 81 cũng quy định khung học phí năm 2022-2023 với các cơ sở đào tạo nghề nghiệp. Mức này không chênh lệch lớn với học phí đại học. Tuy nhiên, theo ông Giang, trường nghề có những lợi thế nhất định.
Ông cho biết nếu học nghề, sinh viên chỉ mất khoảng 1-2 năm (với hệ trung cấp) hoặc 2-3 năm (cao đẳng). Điểm mạnh của giáo dục nghề nghiệp là đào tạo gắn với doanh nghiệp, thời gian thực tập chiếm 50-70% chương trình học. Nhờ mạng lưới doanh nghiệp kết nối chặt chẽ, nhiều trường còn cam kết đầu ra với sinh viên. Ông nhận định có việc làm sớm giúp sinh viên nuôi bản thân, giúp đỡ gia đình và thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
"Trước tình trạng hàng chục nghìn cử nhân thất nghiệp hoặc làm trái ngành mỗi năm, dựa vào điều kiện gia đình và khả năng bản thân, tôi nghĩ các em nên có cái nhìn thực tế, phù hợp hơn", ông nói.
Thanh Hằng - Thu Hương