Ông Donald Trump tháng 11/2024 gây bất ngờ khi chọn Steven Witkoff, người không có kinh nghiệm ngoại giao, làm đặc phái viên về Trung Đông cho nhiệm kỳ hai. Doanh nhân 67 tuổi này là bạn lâu năm của Tổng thống Trump, đồng hành cùng ông trong vụ truy tố ở New York và suốt chiến dịch tranh cử.
Hơn 4 tháng sau, Witkoff đang là quan chức góp mặt trong cả hai vấn đề đối ngoại mà Mỹ muốn tìm giải pháp hòa bình. Ông thúc đẩy Israel và Hamas đạt thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza, tham gia đàm phán Mỹ - Nga hướng đến chấm dứt chiến sự Ukraine.

Đặc phái viên về Trung Đông Steve Witkoff tại Miami Beach, bang Florida ngày 20/2. Ảnh: AFP
Witkoff sinh năm 1957 trong một gia đình Do Thái ở New York. Ông phát triển sự nghiệp đầu tư bất động sản sau khi lấy bằng tiến sĩ luật tại Đại học Hofstra. Cuối những năm 1990, ông thành lập tập đoàn Witkoff và trở thành trùm bất động sản có tiếng. Ông tích lũy tài sản tại New York, đưa con cái vào con đường kinh doanh, trước khi chuyển đến bang Florida.
Ông Trump và ông Witkoff quen nhau từ năm 1986, mối quan hệ giữa hai người ngày càng trở nên thân thiết. Giống Tổng thống Trump, Witkoff cũng là người mê golf.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham nói ông cùng ông Witkoff thường chơi golf cùng ông Trump. Witkoff lần đầu tỏ ra quan tâm vị trí đặc phái viên Trung Đông trong một lần trò chuyện lúc ăn trưa.
"Tôi bất ngờ vì không nghĩ ông ấy lại chú ý đến Trung Đông", ông Graham kể với NBC News. "Ông Trump nhìn tôi và nói 'Ồ, cả triệu người đã thử sức. Hãy thử chọn một người khôn ngoan và tốt bụng xem nào'".
Quyết định chọn Witkoff cho thấy ông Trump đặt kỳ vọng kỹ năng đàm phán của một doanh nhân bất động sản có thể giúp giải quyết những vấn đề phức tạp. Thực tế, Witkoff còn thể hiện năng lực từ trước khi chính thức là đặc phái viên về Trung Đông.
Ngày 10/1, Witkoff tin một bước đột phá trong xung đột ở Gaza đã cận kề, sau nhiều tháng đàm phán không hiệu quả dưới thời tổng thống Joe Biden. Ông đến Doha, Qatar trao đổi với giới chức Arab và gọi điện cho văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, thông báo sẽ đến Tel Aviv ngay hôm sau.
Văn phòng Thủ tướng Israel phản hồi 11/3 là thứ Bảy, cũng là ngày Sabbath. Ông Netanyahu không làm việc trong ngày, nhưng sẵn lòng gặp ông Witkoff vào buổi tối. Tờ Haaretz mô tả Witkoff không chấp nhận, "nói bằng tiếng Anh rằng Sabbath không có ý nghĩa gì với ông".
Thủ tướng Netanyahu sau đó bỏ qua ngày Sabbath và tiếp đón quan chức Mỹ tại văn phòng. Ông Witkoff kêu gọi ông Netanyahu chấp thuận lệnh ngừng bắn mà ông đã né tránh. "Tổng thống đã là một người bạn tuyệt vời của Israel. Giờ là lúc Israel thể hiện mình cũng vậy", ông Witkoff nói, theo WSJ.
Kết quả thu được cho phép Witkoff sớm trở lại Qatar để phối hợp với Brett McGurk, đặc phái viên về Trung Đông của ông Biden, thúc đẩy thành công thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza, hiệu lực một ngày trước khi ông Trump nhậm chức.
Ngày 29/1, Witkoff trở thành quan chức Mỹ đầu tiên thăm Gaza, được quân đội Israel hộ tống, kể từ khi dải đất do Hamas kiểm soát năm 2007. Chuyến thăm khiến ông Witkoff "bị sốc trước thiệt hại tại khu vực", thúc đẩy ông Trump nêu ý tưởng tái thiết Gaza thành "Riviera Trung Đông" gây tranh cãi đầu tháng 2.
Quan chức này được cho là đã trở lại Qatar ngày 11/3 để tham gia đàm phán gián tiếp giữa Israel và Hamas nhằm gia hạn lệnh ngừng bắn.
Trong vấn đề Trung Đông, Witkoff còn phụ trách ngoại giao với Iran. FT dẫn nguồn thạo tin nói ông Witkoff sẽ dẫn đầu nỗ lực đàm phán thỏa thuận hạt nhân với Tehran, nằm trong kế hoạch bao quát hơn nhằm "ngăn các cuộc chiến ở khu vực".

Đặc phái viên về Trung Đông Steve Witkoff tại Riyadh, Arab Saudi ngày 18/2. Ảnh: Reuters
Khi tiếp cận Nga để phá băng quan hệ, ông Trump cũng chọn Witkoff để đặt niềm tin, thay vì cử Ngoại trưởng Marco Rubio, chính trị gia từng có quan điểm cứng rắn với Moskva. Ngày 11/2, Witkoff thay mặt Tổng thống Mỹ đến Nga để thương lượng đưa công dân Marc Fogel về nước.
"Vẫn còn nhiều việc cần làm", ông Witkoff nói khi đặt chân đến Moskva. Đặc phái viên Mỹ sau đó gặp giám đốc Quỹ Đầu tư Quốc gia Nga Kirill Dmitriev, cố vấn của Tổng thống Vladimir Putin, và cả ông chủ Điện Kremlin.
Sau khoảng 7 giờ trên đất Nga, máy bay chở ông Witkoff khởi hành về Mỹ cùng với Fogel. Đổi lại, phía Mỹ trả tự do cho trùm tiền điện tử Alexander Vinnik.
Một ngày sau, ông Trump thông báo đã có cuộc điện đàm "dài và rất hiệu quả" với ông Putin về biện pháp chấm dứt xung đột Ukraine. Hai bên nhất trí khởi động đàm phán, cuộc gặp đầu tiên giữa phái đoàn hai nước diễn ra ở Riyadh, Arab Saudi hôm 18/2.
Dù là đặc phái viên về Trung Đông, ông Witkoff vẫn có mặt trong phái đoàn Mỹ, cùng Ngoại trưởng Rubio và cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz, đàm phán với các đại diện phía Nga. Sự hiện diện của ông Witkoff càng gây chú ý khi Keith Kellogg, đặc phái viên về vấn đề Nga - Ukraine, vắng mặt. Các nguồn thạo tin cho rằng lý do là ông Kellogg có quan điểm cứng rắn với Nga và phía Moskva muốn đối thoại với ông Witkoff hơn.
Ông Witkoff ngày 13/3 lại đến Moskva để gặp Tổng thống Putin. Nhiệm vụ của ông Witkoff lần này là thuyết phục lãnh đạo Nga chấp nhận đề xuất ngừng bắn 30 ngày do Mỹ đưa ra sau cuộc đàm phán với Ukraine tại Arab Saudi ngày 11/3.
Những người từng tham dự các cuộc họp với ông Witkoff mô tả đặc phái viên này là tốt bụng, thẳng thắn, biết sử dụng những lợi thế theo cách có thể xoa dịu phần nào căng thẳng trong đàm phán.
"Phong cách đàm phán của ông ấy không bao giờ mang tính đối đầu", Don Peebles, doanh nhân nổi tiếng từng tham dự tiệc cưới con trai Witkoff, nhớ lại những vụ làm ăn của họ cách đây nhiều năm. "Witkoff không phải kiểu người muốn hai bên 'sứt đầu mẻ trán' trước khi đạt được thỏa thuận".
"Ông Witkoff đã trở thành một trong những trụ cột trong đối ngoại, siêu đặc phái viên của Tổng thống Mỹ", Jean-Pierre Filiu, giáo sư chuyên nghiên cứu về Trung Đông tại viện chính sách Sciences Po, Pháp, bình luận.
Như Tâm (Theo Guardian, BBC, Le Monde)