Người dân địa phương giúp người tị nạn Syria vừa tiếp cận bờ biển của đảo Lesbos, Hy Lạp sau chuyến vượt biển. Ảnh: Reuters |
Theo Telegraph, người mang bí danh Abu Mahmoud giàu hơn trước đây khi anh còn hành nghề bác sĩ ở Aleppo, Syria. Đưa lậu người Syria sang châu Âu giúp anh kiếm được 100.000 USD chỉ trong tháng 9 này. Tuy nhiên, đó không phải cuộc sống dễ dàng.
Anh rất bận rộn. Cuộc phỏng vấn với anh tại một quán cafe ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ liên tục bị ngắt bởi những cuộc gọi dồn dập đến ba chiếc điện thoại di động của anh. Một số cuộc gọi đến từ khách hàng. Một số khác đến từ các tay trung gian thông báo rằng chiếc xe buýt chở người tị nạn bị cảnh sát chặn và sẽ bị áp tải ngược trở lại thành phố.
Công việc buôn người của Abu Mahmoud hoàn toàn công khai. Công viên gần đó là trạm dừng không chính thức của các xe buýt nhỏ chở người tị nạn đến thành phố ven biển Izmir, nơi các thuyền sẽ khởi hành đến Hy Lạp.
Cũng có những cuộc đột kích kiểm tra. Ngày hôm trước, cảnh sát đã đến văn phòng của Abu Mahmoud và đòi hối lộ 1.000 USD.
Khó khăn này đối với anh chỉ là chuyện vặt vãnh. Khủng hoảng lớn nhất đối với Abu Mahmoud xảy ra cách đây 4 tháng khi có người mật báo cho anh biết rằng tên anh nằm trong danh sách truy nã của cảnh sát quốc tế Interpol. Anh kiểm tra lại thông tin với một cảnh sát Syria anh quen biết. Người này xác nhận thông tin đó là đúng.
Lúc đó, Mahmoud đang hoạt động tại Mersin, nằm bên bờ biển đông nam Thổ Nhĩ Kỳ gần sát biên giới Syria. Thành phố này là điểm dừng của tuyến phà đi từ Lebanon mà phần lớn người tị nạn chọn nếu muốn tới châu Âu. Anh quản lý các thuyền lớn đến Italy, với sức chở hàng trăm người một thuyền. Anh thu được rất nhiều tiền nhưng đành dừng hoạt động tại đây.
Sau khi trả hết các khoản nợ và tiền mà khách hàng đã thanh toán trước để chờ vượt biển, anh trắng tay và phải làm lại từ đầu. Tất nhiên, đây không phải là thảm họa. Thảm họa thực sự là cuộc chiến ở Syria và hậu quả của nó đã đẩy hàng nghìn người dân thường Syria như Abu Mahmoud trở thành tội phạm.
Chuyển nghề
Khi phiến quân tiến vào và chiếm một nửa Aleppo tháng 7/2012, Mahmoud bị truy lùng bởi cả hai phe. Chính quyền Tổng thống Syria Assad muốn tìm Mahmoud vì anh đã chữa trị cho phiến quân và những người hoạt động chống chính phủ Syria. Tuy nhiên, phiến quân lại cho rằng anh theo phe chính phủ. Vì vậy, anh buộc phải trốn chạy.
Mahmoud quyết định đến châu Âu từ Thổ Nhĩ Kỳ và đặt chỗ trên một con thuyền cùng với hai người anh em họ và một người bạn. Con thuyền chìm trên đường đi. Anh thấy phụ nữ và trẻ em chết đuối ngay trước mắt mình mặc dù đã cố gắng cứu họ.
Anh và hai người anh em họ biết bơi, và họ được cứu sau khi ở dưới biển trong 11 giờ.
Xem thêm: Hành trình vượt biển của hai bé tị nạn 8 tháng tuổi
Anh tìm cách vượt biển nhiều lần khác nhưng tất cả đều không thành cho đến khi móc nối với một mạng lưới liên lạc của bọn buôn lậu và những người Syria chạy nạn khác. Thông tin có được giúp anh có ích hơn ở Thổ Nhĩ Kỳ, bằng cách giúp người tị nạn và bọn buôn người liên hệ với nhau.
"Ban đầu, tôi không nhận bất cứ khoản hoa hồng nào", Abu Mahmoud nói, "nhưng tôi cần tiền để sống và chu cấp gia đình, tôi nhận ra đây là công việc kiếm lời tốt".
Anh chuyển sang làm môi giới để ăn hoa hồng, và cuối cùng trở thành một tay buôn người tự đứng ra tổ chức các chuyến vượt biển.
"Họ (người tị nạn) tin tưởng tôi vì tôi từng là bác sĩ", anh cho biết.
Ở Mersin, anh mua những chiếc thuyền riêng để đưa người tị nạn đến Italy. Các thuyền này chỉ được sử dụng một lần vì chúng sẽ bị lực lượng cảnh sát biển Italy ngăn chặn và tịch thu. Chi phí cho mỗi chuyến đi Italy là 5.000 USD/người. Với khoản tiền thu về lớn như vậy, anh có thể bù đắp cho chi phí mất thuyền.
Ở Istanbul, anh phải làm việc thông qua các băng nhóm tội phạm Thổ Nhĩ Kỳ vì mafia ở đây kiểm soát các vụ buôn người. Anh có 15 nhân viên có nhiệm vụ tìm kiếm khách hàng và hộ tống họ đến bờ biển, còn công việc lái thuyền nặng nhọc do các băng nhóm đảm nhiệm. Cứ 1.100 USD thu được, anh phải trả họ 850 USD.
Hiện tại, anh đang thương lượng mua một chiếc xuồng cao su và một chiếc tàu cá để tự đưa người tị nạn vượt biển. Mahmoud cho biết tổng cộng anh đã đưa 8.000 - 9.000 người tị nạn sang Italy và Hy Lạp trong hai năm qua mà không để xảy ra một vụ chìm thuyền hay chết đuối nào.
Người tị nạn Syria đến đảo Lesbos, Hy Lạp. Ảnh: AP |
Tương lai
Mahmoud lý giải sở dĩ số lượng người tị nạn hiện tăng vọt là do chính sách cởi mở hơn của châu Âu, đặc biệt là việc Hy Lạp quyết định mở cửa ở biên giới phía bắc. "Đưa lậu người người tị nạn từ Hy Lạp sang các nước châu Âu khác đễ dàng hơn vì họ đã mở cửa biên giới", anh nói.
Anh cho biết điều này phản ánh trong chi phí di chuyển, hành trình đến Đức hiện được xem là sự lựa chọn tương đối rẻ.
Trong khi anh tính phí 1.100 USD/người tị nạn cho chuyến vượt biển đến Hy Lạp thì chi phí để tiếp tục đến Đức là khoảng hơn 2.200 USD. Nếu muốn đến Thụy Điển và Na Uy, những nước được xem là có chính sách tị nạn cởi mở, họ phải trả thêm khoảng 3.300 - 4.400 USD.
"Tôi muốn gửi thông điệp này đến các nước Liên minh châu Âu (EU). Người tị nạn vẫn sẽ đến đất nước của các ông dù EU đóng cửa tất cả các biên giới. Họ sẽ đào đường hầm nếu cần thiết", Mahmoud nói.
"Tại sao sao EU không sắp xếp đón nhận người tị nạn thông qua Liên Hợp Quốc? Tại sao họ để người tị nạn phải trả tiền cho mafia? Hãy để người tị nạn đến nước các ông một cách hợp pháp. Tại sao họ để người dân tự đặt mình vào nguy hiểm? Có rất nhiều người tị nạn giờ đây đang làm thức ăn cho cá", anh nói.
Nhiều người tị nạn nói rằng chiều hướng thay đổi của cuộc chiến ở Syria khiến họ từ bỏ hy vọng rằng họ, và quan trọng hơn là con cái họ, sẽ có thể trở lại cuộc sống bình thường.
Trước tình cảnh đất nước hỗn loạn, không chỉ có thêm người Syria muốn rời khỏi đất nước mà ngay cả những người Syria đang lánh nạn ở các nước láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ cũng thấy chẳng còn gì để ở lại vì, họ không có cơ hội quay về.
"Người dân không thấy ánh sáng cuối đường hầm", Fuat Oktay, Giám đốc chương trình phản ứng khẩn cấp của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho biết. "Họ cũng chẳng thấy điểm bắt đầu của đường hầm".
Tại Istanbul, Fatima Feytrouni cùng với đứa con gái Nadia 9 tuổi, đang đợi ở công viên để chờ được đưa sang Hy Lạp. Cô cho biết nhà của cô ở Damascus đã bị phá hủy. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, cô bị phân biệt chủng tộc và không được chấp nhận lưu trú.
"Không có tương lai ở Syria. Tôi muốn tìm cho con cái tôi một tương lai tốt đẹp hơn", cô nói. "Nếu ở lại Syria, chúng tôi sẽ chết. Nếu lên thuyền, có lẽ chúng tôi có 50% cơ hội sóng sót", cô nói.
Còn Abu Mahmoud rốt cục cũng nhìn thấy tương lai của anh ở châu Âu. Anh đã gửi đứa con trai 11 tuổi đi cùng người bạn đến Hà Lan. Anh hy vọng, với thân phận một đứa trẻ không có cha mẹ đi kèm, con trai anh sẽ được hưởng các đãi ngộ ưu tiên, trong đó có khả năng giới chức sắp xếp cho cả gia đình anh sang Hà Lan để đoàn tụ với con trai.
Xem thêm: Hộ chiếu Syria giả - bùa hộ mệnh của di dân kinh tế
Hồng Vân