Độc giả Hồng Sang
Luật sư tư vấn
Theo khoản 1 Điều 93 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động phải xây dựng thang lương, bảng lương làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương theo công việc hoặc chức danh ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động.
Theo khoản 3 Điều 93 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương. Thang lương, bảng lương phải được công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện.
Theo khoản 1 Điều 6 và điểm a, b, c khoản 1 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với người sử dụng lao động là cá nhân (trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng) nếu có một trong những hành vi sau:
- Không công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện: thang lương, bảng lương.
- Không xây dựng thang lương, bảng lương hoặc định mức lao động.
- Không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương.
Căn cứ vào các quy định nêu trên, hộ kinh doanh, doanh nghiệp phải xây dựng thang lương, bảng lương để thực hiện cho đơn vị của mình. Khi xây dựng thang lương, bảng lương từ ngày 1/7/2024, bạn cần lưu ý các nội dung sau:
- Thứ nhất, bậc 1 (bậc thấp nhất) của thang lương, bảng lương từ ngày 1/7/2024 phải bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 74/2024/NĐ-CP (vùng I, II, III, IV lần lượt là 4.960.000 đồng/tháng, 4.410.000 đồng/tháng, 3.860.000 đồng/tháng, 3.450.000 đồng/tháng).
Lưu ý: Nếu bậc 1 của thang lương, bảng lương mà hộ kinh doanh, doanh nghiệp đang thực hiện thấp hơn mức lương tối thiểu vùng mới nêu trên thì phải điều chỉnh lại thang lương, bảng lương.
- Thứ hai, từ ngày 1/7/2022, theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP không còn quy định mức lương của người lao động làm công việc đòi hỏi đã qua học nghề, đào tạo nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng (Nghị định 74/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 cũng kế thừa nội dung này của Nghị định 38/2022/NĐ-CP). Do đó, phát sinh hai trường hợp sau:
+ Trường hợp hộ kinh doanh, doanh nghiệp thành lập mới từ ngày 1/7/2022 trở đi khi xây dựng thang lương, bảng lương thì không cần cộng thêm tối thiểu 7% đối với công việc đã qua học nghề, đào tạo nghề.
+ Trường hợp hộ kinh doanh, doanh nghiệp thành lập trước ngày 1/7/2022, nếu trước đó trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, các thỏa thuận khác có nội dung "người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề thì lương cao hơn mức tối thiểu vùng ít nhất 7%" thì hộ kinh doanh, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện (trừ các bên có thỏa thuận khác).
- Thứ ba, từ ngày 1/1/2021, Bộ luật Lao động 2019 thì không còn bắt buộc khoảng cách giữa hai bậc lương liền kề nhau tối thiếu là 5%. Do đó, hộ kinh doanh, doanh nghiệp được quyền tự quyết định khoảng cách giữa các bậc lương cho phù hợp với tình hình thực tế của hộ kinh doanh, doanh nghiệp mình.
- Thứ tư, tùy vào tình hình thực tế của hộ kinh doanh, doanh nghiệp mà có thể xây dựng nhiều hoặc ít bậc lương; nhóm chức danh, vị trí công việc khác nhau để đảm bảo tiền lương tương xứng với hiệu quả làm việc, thâm niên... của người lao động.
- Thứ năm, theo khoản 3 Điều 5 Nghị định 74/2024/NĐ-CP, khi thực hiện mức lương tối thiểu từ ngày 1/7/2024, người sử dụng lao động có trách nhiệm rà soát lại các chế độ trả lương trong hợp đồng lao động đã thỏa thuận với người lao động, thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của người sử dụng lao động để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
Đối với các nội dung trả lương đã thỏa thuận, cam kết mà có lợi hơn cho người lao động (như chế độ trả lương cho người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua học tập, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu và chế độ trả lương cho người lao động làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường) thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Người sử dụng lao động không được xoá bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.
Luật sư Phạm Thanh Hữu
Đoàn luật sư TP HCM