Một tối cuối hè năm 2016, Nguyễn Thành Vinh chạy chiếc xe máy cũ lượn lờ dạo quanh các phố ở thị trấn một huyện thuộc tỉnh Hưng Yên. Ngang qua nhà một người quen, anh ta lẻn vào trộm chiếc điện thoại di động để trên mặt bàn sau vài câu gọi không thấy tiếng trả lời. Vinh chuẩn bị nổ máy xe bỏ đi thì bị chủ nhà phát hiện, tri hô hàng xóm giữ lại.
Chiếc điện thoại Vinh ăn trộm được định giá 150.000 đồng. Vinh khi từ phường về nhà đã bỏ trốn và bị truy nã. Cơ quan điều tra xác định, ngoài vụ trộm bị bắt quả tang nói trên, trước đó, Vinh đã ba lần bị phạt tù đều về tội Trộm cắp tài sản vào các năm 2002, 2003 và 2015.
Đầu năm 2016 anh ta vừa thi hành xong án phạt song vẫn ‘ngựa quen đường cũ’, không chịu hối cải dù đã có vợ và hai con nhỏ. Trong phiên xử mới đây, tòa nhận định dù Vinh trộm cắp tài sản có giá trị chỉ hơn 150.000 đồng song trước đó đã bị kết án nhiều lần về hành vi này nên phải xử lý hình sự.
Tòa áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015, Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc hội với tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là con của người có công với cách mạng nên phạt Vinh 9 tháng tù. Bị cáo lần thứ 4 vào trại giam.
Từ ngày 1/1/2018 trộm cắp tài sản từ hai triệu đồng trở lên bị phạt tù
Trong vụ án trên, Vinh bị truy tố và xét xử theo quy định tại điều 138 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009. Khoản một của điều luật này quy định, giá trị tài sản trộm được từ 500.000 đồng trở lên, người phạm tội sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Nếu tài sản đó dưới 500.0000 đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính, bị kết án về tội Chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2018 khi Bộ Luật Hình sự 2015 có hiệu lực, mức tiền phải chịu trách nhiệm hình sự với tội này tăng lên thành hai triệu đồng. Theo đó, người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ hai triệu đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về tội Chiếm đoạt tài sản, bị kết án mà chưa xóa án tích với một số tội liên quan tới hành vi chiếm đoạt tài sản sản, hoặc tài sản đó là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại, kỷ vật, di vật hoặc đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần với người bị hại, có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Khi bộ luật mới có hiệu lực, mức án cao nhất áp dụng cho người phạm tội là 20 năm thay vì tù chung thân như bộ luật hiện hành.
Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015: Tội trộm cắp tài sản 1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ hai triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai đến bẩy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 đến dưới 200 triệu đồng; d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; đ) Hành hung để tẩu thoát; e) Trộm cắp tài sản trị giá từ hai đến dưới 50 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này; g) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bẩy đến 15 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 đến dưới 500 triệu đồng; b) Trộm cắp tài sản trị giá từ 50 đến dưới 200 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này; c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 12-20 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên; b) Trộm cắp tài sản trị giá từ 200 đến dưới 500 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này; c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 5-50 triệu đồng. |