Bộ luật Hình sự 2015 lùi thời gian có hiệu lực đến khi hoàn chỉnh việc sửa đổi bổ sung theo Nghị quyết 144/2016/QH13 của Quốc hội. Tuy nhiên, theo Công văn 301 của TAND Tối cao ra đầu tháng 10, gần 200 quy định có lợi cho người phạm tội trong Bộ Luật Hình sự 2015 vẫn được áp dụng từ ngày 1/7.
VnExpress đăng tải một số quy định nổi bật sau:
Cha, mẹ che giấu con phạm tội được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự
Khoản 2, điều 18 quy định nếu người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, nếu che giấu tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội đặc biệt nghiêm trọng có thể bị phạt tù tối đa tới 7 năm.
Được miễn tội nếu gây thiệt hại khi bắt giữ người phạm tội
“1. Hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm.
2. Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Không phạt tử hình với tội phạm cướp tài sản
Theo khoản 4, điều 168 Bộ Luật hình sự 2015, người phạm tội cướp tài sản có trị giá 500 triệu đồng trở lên, gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của một người với tỷ lệ trên 61% hoặc làm chết người... sẽ bị phạt từ 18 đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Trong Bộ luật Hình sự 2009, mức phạt với hành vi này là tử hình.
Miễn truy cứu trách nhiệm hình sự với người mắc bệnh hiểm nghèo
Theo quy định tại điều 29, người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự trong 3 trường hợp. Thứ nhất, khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
Thứ hai, khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thứ ba, người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Người từ 75 tuổi trở lên không bị tử hình
Theo Điều 40, hình phạt tử hình sẽ không áp dụng với người từ 75 tuổi trở lên khi gây án hoặc xét xử. Phạm nhân ở độ tuổi này cũng không bị thi hành án tử hình.
Người bị kết án tử hình về tội Tham ô tài sản, tội Nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng hoặc lập công lớn được chuyển thành án tù chung thân.
Phụ nữ nuôi con nhỏ được tha tù trước hạn
Theo điều 66, người đang chấp hành án phạt tù có thể được tha tù trước thời hạn khi có đủ các điều kiện như: phạm tội lần đầu; có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt; có nơi cư trú rõ ràng; đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí và các nghĩa vụ bồi thường dân sự; đã chấp hành được ít nhất là một phần hai mức thời hạn tù đối với hình phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất 15 năm đối với tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn…
Ngoài ra, trường hợp người phạm tội là thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng, người đủ 70 tuổi trở lên, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi đã chấp hành ít nhất một phần ba hình phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất 12 năm đối với tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn cũng được áp dụng chính sách khoan hồng này.
Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đã chấp hành được ít nhất là một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ, theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách.
>> Gần 200 quy định áp dụng trước khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực
Bảo Hà