Score, công ty chuyên theo dõi và nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Seoul, cho biết vốn hóa thị trường của TSMC và Samsung Electronics chênh lệch khoảng 10 tỷ USD một năm trước, nhưng giờ đã mở rộng lên 117 tỷ USD.
Tính đến ngày 27/5, giá trị của TSMC là 543,3 tỷ USD, tăng 96,3% so với mức 276,8 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái, trong khi của Samsung là 425,4 tỷ USD, tăng 59,5%. Cổ phiếu TSMC được giao dịch trên Sàn giao dịch Đài Loan và Sàn giao dịch chứng khoán New York, trong khi cổ phiếu của Samsung được niêm yết trên Sàn giao dịch Hàn Quốc.
Dù phải ngừng sản xuất chip cho Huawei theo lệnh trừng phạt của Mỹ, TSMC vẫn đạt doanh thu kỷ lục 47,8 tỷ USD năm ngoái khi giành được hợp đồng mới từ Apple và Xiaomi nhờ áp dụng các công nghệ đúc hàng đầu trong ngành.
TSMC là xưởng đúc lớn nhất thế giới, đứng trên Samsung cả về lợi nhuận và thị phần. Trong quý đầu năm nay, TSMC đạt doanh thu 12,9 tỷ USD, nhỏ hơn mức 17,1 tỷ USD của Samsung. Tuy nhiên, hãng Đài Loan đạt lợi nhuận 5,3 tỷ USD, gấp đôi so với Samsung là gần 3 tỷ USD.
Đầu 2019, TSMC và Samsung kiểm soát lần lượt 48,1% và 19,1% thị trường đúc chip toàn cầu. Đến 2020, sự hiện diện của TSMC tăng lên 56%, trong khi đối thủ của họ giảm xuống còn 18%. Hãng cũng đã công bố kế hoạch xây dựng sáu nhà máy sản xuất chip ở Arizona.
Ngược lại, Samsung không đạt được kỳ vọng của thị trường do một loạt yếu tố tiêu cực như Phó Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong bị bắt, nhà máy ở Austin, Texas đóng cửa và doanh số chip mờ nhạt trong quý đầu. Do đó, giá cổ phiếu của Samsung Electronics, vốn tăng lên hơn 90.000 won (81 USD) đầu năm nay, đã không đạt được mốc 100.000 won và hiện được giao dịch ở mức khoảng 80.000 won.
Samsung cũng đang bị bám sát bởi Nvidia của Mỹ với giá trị vốn hóa thị trường đã tăng 81,8% lên 385,6 tỷ USD trong 12 tháng qua.
Vai trò của các hãng sản xuất chip cũng đang tăng lên trong cuộc khủng hoảng chip toàn cầu. Chip bán dẫn là thành phần thiết yếu trong mọi sản phẩm điện tử, từ máy PlayStaytion 5, bàn chải điện cho đến máy giặt, đồng hồ báo thức. Nhưng số lượng chip cung ứng hiện không đủ cho thị trường và sự thiếu hụt này không có dấu hiệu giảm bớt. Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng theo nhiều chuyên gia là từ tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, cũng như việc dự đoán sai về nhu cầu thị trường chip vào năm ngoái khi Covid-19 bùng phát.
Minh Minh (theo KoreaHerald)