- Ông nghĩ sao về giải pháp tịch thu phương tiện nếu người lái xe có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu vừa được Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia đưa ra?
- Nhiều nghiên cứu cho thấy khả năng điều khiển phương tiện của người tham gia giao thông giảm sút đáng kể khi uống rượu bia. Chỉ một ly rượu vang hay nửa cốc bia thì khả năng phản ứng tăng giảm tốc, duy trì quỹ đạo của phương tiện hay xử lý tình huống đã bị ảnh hưởng. Một người có nồng độ cồn trong máu ở mức 80mg/100ml có thể gây tai nạn giao thông tăng gấp 2,7 lần so với người không có nồng độ cồn.
TS Trần Hữu Minh: "Mức phạt nặng sẽ tác động lớn đến hành vi của người tham gia giao thông". Ảnh: Đ.Loan |
Ngoài ra, khi đã uống rượu khả năng kiềm chế của con người giảm đi nhiều, đặc biệt có tâm lý "vẫn có thể đi xe an toàn" trong khi thực tế không phải như vậy.
Nhiều nước tiên tiến trên thế giới coi đây là hành vi nguy hiểm nên đã quy định mức kiểm soát nồng độ cồn từ 80/100ml xuống 50mg/100ml máu và xu hướng này diễn ra với cả các nước đang phát triển (Thái Lan, Philippines, thậm chí Campuchia) hoặc mức thấp hơn 20mg/100ml (Thụy Điển, Latvia, Luxemburg). Một số nước đã cấm tuyệt đối rượu bia khi lái xe như Cộng hòa Séc, Rumania, Hungary, Slovakia...
Việc chúng ta áp dụng giải pháp tịch thu phương tiện để kiểm soát nồng độ cồn là đi đúng hướng với thế giới. Tôi nghĩ lẽ ra phải làm sớm hơn. Nhìn vào nguyên nhân gây tai nạn thì yếu tố con người chiếm 70%, còn lại do hạ tầng, phương tiện. Nguyên nhân tai nạn do rượu bia còn đến 15% nên nếu giải quyết được vấn đề này sẽ giảm được trên 10% số vụ tai nạn. Tôi cho rằng biện pháp này không nên chần chừ, cần tiến hành càng sớm càng tốt.
- Các nước trên thế giới xử phạt người lái xe vi phạm nồng độ cồn như thế nào?
- Tại Anh, người điểu khiển xe có nồng độ cồn quá quy định thì sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, phạt tiền 5.000 bảng, cấm lái xe một năm. Ngoài ra, người đó phải chịu các tác động phụ như công ty bảo hiểm tăng mức đóng bảo hiểm năm sau gấp 4-5 lần. Luật pháp coi đó là phạm tội, lưu trữ trong hồ sơ quốc gia. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng dẫn đến chết người, mức phạt có thể lên tới 14 năm tù, cấm lái xe từ 2 năm đến vĩnh viễn. Mức phạt nặng đã tác động lớn đến hành vi của người tham gia giao thông.
Phạt tù với lỗi uống rượu bia quá mức còn được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới như Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản... Nước Đức cấm hoàn toàn việc uống rượu bia với lái xe mới nhận bằng, nếu không chấp hành có thể bị phạt tù ngay, muốn lấy lại bằng thì phải thi lại khó hơn.
Loại vi phạm này được coi là rất nghiêm trọng vì đã uy hiếp an toàn của người khác và an toàn của chính bản thân người điều khiển phương tiện, nên cần được xử lý thật nghiêm minh.
TS Trần Hữu Minh, Giảng viên ĐH Giao thông Vận tải, từng có 10 năm là chuyên gia quy hoạch giao thông tại Anh; tham gia nhiều dự án giao thông vận tải tại Việt Nam và thế giới. |
- Phương tiện cá nhân là một tài sản được pháp luật bảo hộ, một số ý kiến cho rằng hình thức tịch thu sung công khi chủ nhân vi phạm giao thông là trái hiến pháp, ông nghĩ sao?
- Việc tịch thu xe được áp dụng tại nhiều nước, thông thường với trường hợp đỗ xe không đúng, xe không có bảo hiểm, không đóng thuế đường. Ví dụ tại Anh, nếu không đóng thuế đường (tương tự phí bảo trì đường bộ tại Việt Nam) đúng hạn, chủ sở hữu sẽ nhận ngay một giấy nộp phạt 80 bảng, có thể phải ra tòa với mức phạt 1.000-5.000 bảng và thậm chí phạt tù. Phương tiện bị khóa và chủ sở hữu phải trả phí để mở khóa. Nếu chủ không trả phí, phương tiện sẽ bị tịch thu dẫn tới chi phí lưu kho. Nếu người vi phạm không trả phí lưu kho thì phương tiện sẽ bị tiêu hủy hoặc bán sung công quỹ.
Tại Australia, cảnh sát có thể tạm giữ ngay lập tức phương tiện đi lại của người vi phạm trong 30 ngày, nếu phạm phải một số lỗi lái xe mạo hiểm và nguy hiểm như: chạy quá tốc độ giới hạn 45 km (tốc độ giới hạn 60 km/h nhưng chạy 105 km/h), đua xe trên đường phố, cố tình lái ẩu tại các đường ngang, không tuân thủ hiệu lệnh của cảnh sát, chở quá số người quy định, tái phạm lỗi về bằng lái, uống rượu bia quá mức cho phép và sử dụng ma túy khi lái xe... Dù cảnh sát không có quyền tịch thu phương tiện tại hiện trường, trong quá trình xét xử những vi phạm trên, tòa án có thể ra phán quyết tịch thu phương tiện của người vi phạm (vĩnh viễn không trả lại người vi phạm).
Tại Mỹ, việc tịch thu phương tiện thường được dùng để ngăn chặn những lỗi lặp đi lặp lại (đặc biệt với lỗi nồng độ cồn quá mức cho phép). Vào năm 1995, một nghiên cứu tại Oregon đã cho thấy trong số những người bị tịch thu phương tiện, chỉ có một nửa tái phạm.
Tại New Zealand, nếu người điều khiển phương tiện phạm những lỗi nghiêm trọng chẳng hạn như không tuân thủ lệnh dừng xe của cảnh sát, phương tiện có thể bị tịch thu.
Kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề này là cần tách bạch rõ hai phạm trù người sở hữu và người sử dụng. Quy định là do chính chúng ta đặt ra, nếu quy định trở nên bất hợp lý, cản trở quá trình phát triển thì cần thay đổi.
Phạt thật nặng với người uống rượu bia quá giới hạn là giải pháp đúng, còn việc bán phương tiện như thế nào để phục vụ cộng đồng sẽ cần lộ trình cụ thể. Các bộ ngành cần nghiên cứu lộ trình giáo dục, tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn (gồm cả việc nhờ người khác lái xe, sử dụng phương tiện công cộng, chọn địa điểm và thời gian uống rượu bia phù hợp), xử phạt thí điểm, đến áp dụng triệt để.
Những bài học như cấm đốt pháo năm 1995 hay đội mũ bảo hiểm năm 2008 cho thấy trước khi thực hiện, dư luận phản ứng gay gắt nhưng vẫn cần quyết tâm làm.
- Với những phương tiện đi mượn hay sử dụng chung trong gia đình, ông nghĩ thế nào nếu xe này bị tịch thu?
- Trên thế giới, người sử dụng chỉ được lái xe khi đã đăng ký với công ty bảo hiểm. Nếu gặp hậu quả thì công ty bảo hiểm chi trả. Tuy nhiên, người sở hữu phải chịu trách nhiệm khi xe gây ra hậu quả cho xã hội. Vi phạm nồng độ cồn mà đi mượn xe của người khác, tôi cho rằng cần tập trung xử lý với người vi phạm, người sở hữu phương tiện chịu phạt liên đới trách nhiệm.
Tại Việt Nam, tình trạng người mượn xe phổ biến nên cần nghiên cứu thêm, phân tách rõ giữa người sử dụng hay sở hữu theo hướng tiệm cận các nước phát triển. Người sở hữu có liên đới trách nhiệm khi cho mượn xe, quyết định xem ai được đi chiếc xe mà mình sở hữu. Nếu có quy định chặt chẽ thì người dân lại không muốn cho mượn vì e ngại pháp lý.
TS. Đào Huy Hoàng, Viện Khoa học và công nghệ Giao thông Vận tải cho rằng quy định về tịch thu phương tiện tại Việt Nam nên áp dụng với các trường hợp sau: - Đối với phương tiện hết hạn, hoặc chưa qua đăng kiểm mà người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trên 80mg/100ml máu. - Đối với các trường hợp người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trên 80mg/100ml máu gây tai nạn nghiêm trọng trở lên. Hiện nay các vụ tai nạn giao thông phân thành các mức độ từ thấp đến cao như va chạm giao thông, tai nạn gây hậu quả ít nghiêm trọng, tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Đây là trường hợp cần được tiếp tục nghiên cứu, xem xét coi là “Tội phạm giao thông” để có những quy định về xử phạt cụ thể và chi tiết hơn. - Đối với các trường hợp khác thì nên xây dựng các khung xử phạt nặng nhưng không quá 3 lần so với quy định hiện nay. |
Đoàn Loan