- Đề án cải tạo, thay thế 6.700 cây xanh đô thị hai bên đường phố của Sở Xây dựng Hà Nội đang gây tranh cãi. Ông đánh giá thế nào về đề án này?
- Chặt hạ thay thế cây bị sâu mục là việc làm hàng năm. Tại sao mọi năm công ty công viên cây xanh không chặt hạ cây sâu bệnh mà đến nay phải làm một lúc? Nếu nhu cầu cần chặt thì phải thống kê đầy đủ. Thành phố thay thế 6.700 cây song chưa rõ là loại gì, trồng mới ở những phố nào. Hà Nội có khoảng 50.000 cây xanh đô thị hai bên đường phố, nếu chặt gần 7.000 cây, với tỷ lệ 1/7 là số lượng rất lớn, giống như một người tự nhiên bị húi trọc 1/7 cái đầu. Nếu chỉ chặt tỉa vài cây trên một tuyến phố thì không vấn đề, song nếu cạo trọc cả tuyến phố thì không ổn.
Ông Phạm Sỹ Liêm. Ảnh: Đ.Loan |
Không chỉ tạo bóng mát, cây xanh còn tạo cảnh quan đô thị, là một phần chất lượng đô thị, là bản sắc của Hà Nội. Nhiều người nước ngoài đánh giá cao cây xanh Hà Nội, có nước gần ta còn muốn sang Việt Nam học hỏi phát triển cây xanh. Trồng liễu, hoa bằng lăng, phượng cũng không để lấy bóng mà là lấy cảnh quan. Cây cũng bảo đảm đa dạng sinh học, là nơi cho chim chóc, sóc, ve... trú ngụ. Mà muốn đa dạng sinh học thì phải trồng liên tục thành những dải cây, chứ không phải trồng cây cách nhau hàng km.
Trong đề án này, người ta không thấy cây với người là bạn, có những cây tuổi đời 40-50 năm đã trở thành "bạn bè" với người dân sống gần đó, nhiều cây cổ thụ còn được thờ cúng. Nhà quản lý chưa thấy vấn đề tâm linh ở đây, đó là cái sai trong quản lý đô thị.
- Ông nghĩ sao về lý do cơ quan chức năng đưa ra là phải thay thế cây không đúng chủng loại đô thị, như các loại sữa, xà cừ, keo?
- Dù cây không đúng chủng loại thì đã được trồng ở đô thị Hà Nội 40-50 năm, sao trước đấy cơ quan quản lý không thấy các cây này không đúng chủng loại mà chặt hạ dần dần. Nếu cần thay thì cũng phải làm từng bước, chặt cây hàng loạt sẽ ảnh hưởng chất lượng cuộc sống đô thị.
Từ lâu người ta đã biết cây xà cừ rễ nông, dễ bị đổ trong đô thị, song bão đến thì thường được nhà cao tầng che nên số đổ không nhiều, mà cây đổ là do có vấn đề gì đó. Tuy nhiên, không vì lý do vậy mà phải chặt hết cây xà cừ. Tôi nghĩ những cây xà cừ đã lớn thì chỉ thay thế ở những vị trí dễ gặp nguy hiểm và từ nay về sau thì đừng có trồng xà cừ nữa.
- Thành phố dự kiến trồng cây vàng tâm để thay thế cây bị chặt bỏ, ông đánh giá thế nào về cây này?
- Tôi không phải nhà sinh học song nghe thấy có vị giáo sư nói cây vàng tâm là cây gỗ quý, chậm lớn. Nếu trồng cây gỗ quý thì chúng ta lại mất công bảo vệ nó như cây sưa. Cho nên nếu trồng cây vàng tâm cả tuyến phố thì có lẽ sau này phải có trạm gác tại phố đó để canh giữ cây. Các tuyến đường đô thị đâu phải chỉ trồng một loại cây là đẹp và không cần thiết phải trồng cây gỗ quý.
- Ở Hà Nội khi làm đường, chủ đầu tư lựa chọn cây trồng, nhưng sau đó Công ty công viên cây xanh lại thay thế gây lãng phí. Ai phải chịu trách nhiệm về việc này?
- Đúng là có tình trạng nhiều tuyến đường vẫn trồng hoa sữa dù có chủ trương hạn chế cây này, rồi sau đó lại phải thay thế. Việc quản lý cây, trồng cây gì theo quy hoạch là của UBND Hà Nội, không phải để ai trồng cây gì cũng được. Để xảy ra tình trạng người này trồng, người kia lại phá bỏ để thay thế là do chính quyền Hà Nội buông lỏng quản lý, đã để các chủ đầu tư tự trồng cây trong dự án không theo quy hoạch, chứ không thể đổ tội cho những người đã trồng cây.
- Để giải quyết những tồn tại trong quy hoạch cây xanh ở Hà Nội hiện nay, theo ông thành phố nên làm gì?
- Tôi quan sát ở thành phố Alger (đất nước Algeria), do trời nắng chang chang nên đường phố trồng cây thấp, rậm lá. Singapore thì trồng cây cao vì có lợi thế là gió lưu thông, không vướng ánh đèn đô thị. Còn ở ta thì nhiều nơi ánh đèn đường thường bị lá cây che. Do đó, cần lựa chọn chủng loại cây phù hợp tình trạng đô thị của ta.
Trồng cây đô thị là môn lâm học đô thị không giống trồng cây trên rừng. Cây xanh là một môn khoa học nên cần có các chuyên gia quy hoạch kiến trúc, cây xanh cùng nghiên cứu, phân loại, lựa chọn kỹ các loại phù hợp cảnh quan cho từng khu vực, từng tuyến phố. Thành phố phải có quy hoạch cây xanh và quản lý theo quy hoạch, quy định cây nào tại khu vực nào, hoặc nơi nào không trồng cây. Như phố Tràng Tiền không được trồng cây vì sẽ che Nhà hát lớn - công trình trọng điểm của khu vực.
TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội: Hà Nội đang cụ thể hóa Nghị định 64 của Chính phủ về quản lý phát triển cây xanh đô thị. Trong đó quy định rõ các cây phải chặt hạ, cây nào được giữ lại, cây nào là di sản. Thêm vào đó, từ quy hoạch chung xây dựng thủ đô cũng xác định việc tạo lập nét đặc trưng, đặc thù từng tuyến đường, từng khu vực bằng cây xanh. Vì thế Hà Nội đã quyết liệt thực hiện thay thế cây xanh. Đây là chủ trương đúng. Trong quy định của Chính phủ cũng nhắc đến trách nhiệm của cộng đồng là phải chăm sóc, bảo vệ, duy tu cây xanh trước cửa nhà mình và trong khu vực dân cư mình đang ở. Việc chặt hạ cây của cơ quan quản lý không cần hỏi ý kiến người dân, nhưng phải tính đến vai trò của cộng đồng trong khu vực bị ảnh hưởng, do vậy cần quảng bá, thông tin đến người dân. Thực tế là việc tuyên truyền của chính quyền đến người dân chưa được tích cực. Phải mất 50 năm mới có hàng cây trên phố Phan Đình Phùng, nên khi một số cây to không sâu mục mà chặt đi là không nên. Chúng ta cần để lại cây xanh cho thế hệ sau, đó mới là mục tiêu của phát triển bền vững. |
Đoàn Loan thực hiện