Chủ nhật, 24/11/2024
Thứ bảy, 21/3/2015, 01:00 (GMT+7)

Đường phố Hà Nội trước và sau chặt hạ cây xanh

Hàng trăm cây cổ thụ, tán rộng, rợp bóng bị chặt hạ, thay thế bởi những cây mới và những dự án đô thị, khiến phố phường thời gian này thiếu vắng màu xanh.

Theo đánh giá của Sở Xây dựng Hà Nội, tỷ lệ cây xanh trong đô thị còn thấp có chỗ không có hoặc đạt dưới 50 cây/km. Hệ thống cây xanh chưa phát huy được tầm quan trọng trong hệ sinh thái môi trường như tạo không gian xanh trong cuộc sống đô thị, giảm nhiệt độ không khí, tăng độ ẩm, chống ồn, chống bụi. Tuy nhiên, để phục vụ cho phát triển và cảnh quan  đô thị, hàng nghìn cây xanh ở thủ đô phải chặt hạ chỉ trong thời gian ngắn.

Để đảm bảo an toàn cho tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và người tham gia giao thông, thành phố cho phép chặt gần 400 cây xà cừ và nhiều cây xanh khác trên tuyến đường này. 

Những cây này có đường kính lớn, nhiều cây đến 0,9 m và cao hơn 20 m, khu vực dải phân cách được san lấp để mở đường phục vụ dự án. Hàng cây xanh với hàng trăm cây cổ thụ rợp bóng mát, kéo dài vài km trên đường Nguyễn Trãi, Hà Đông.. chỉ còn trong ký ức.

Hàng xà cừ ven sông Tô Lịch trên đường Láng với gần 30 cây to cỡ hai người ôm ở dải phân cách giữa cũng bị chặt bỏ để phục vụ xây dựng nhà ga đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.

Theo thống kê, cây xanh Hà Nội được trồng trên 500 tuyến phố với hơn 100 loài trong đó 25 loài có số lượng cá thể lớn. Số lượng cây trồng khoảng 50.000 cây trong đó xà cừ chiếm 1/10. Loài cây truyền thống này của Hà Nội được trồng nhiều ở các tuyến phố cổ, phố cũ với ưu điểm là cây cao, tán rộng. Tuy nhiên nhược điểm của xà cừ là cây rễ chùm bám đất rất nông, ăn nổi gây hư hại cho các công trình ngầm và vỉa hè, dễ bị đổ khi gặp mưa bão nếu rễ cây bị xâm hại do quá trình thi công của con người.

Để phục vụ tuyến metro đầu tiên ở thủ đô, hàng trăm cây xanh, trong đó có nhiều cây cổ thụ được trồng cách đây vài chục năm trên đường Tây Tựu (đường 70) cạnh khu nhà ga chính (depot) của tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội.

 

Theo kế hoạch, số cây phải chặt hạ để thi công tuyến đường này là hơn 300, trong đó có hơn 100 cây xà cừ. Đến nay, số cây này đã được đánh chuyển và trở thành công trường thi công tuyến đường sắt đô thị. 

Đoạn đường Kim Mã, cạnh cổng công viên Thủ Lệ cũng nằm trong diện phải chặt hạ cây, giải phóng mặt bằng để phục vụ tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội. Hiện nay dù nhiều đoạn vẫn chưa được thi công nhưng hàng cây xà cừ với tán rộng che kín đường Kim Mã đã bị đốn hạ.

Mới đây nhất, hàng cây trên đường Nguyễn Chí Thanh, một trong những con đường được bình chọn là đẹp nhất thủ đô, cũng bị chặt hạ để thay thế bằng cây hợp chuẩn đô thị trong đề án thay thế 6.700 cây do Sở Xây dựng khởi xướng.

 

Hàng hoa sữa và nhiều cây khác trên tuyến phố này đã được thay bằng cây vàng tâm. Thân cây khá lớn, nhưng toàn bộ cành lá đã được cắt bỏ. Việc thay thế cây đang tạm dừng sau khi công luận phản ứng. Chủ tịch Hà Nội đã phê bình các đơn vị triển khai đề án chặt hạ, di chuyển, thay thế cây xanh vì thông tin, tuyên truyền chưa đáp ứng được yêu cầu.

 

Phương Sơn