- Trong Dự thảo Quy định đánh giá học sinh tiểu học của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây có quy định đánh giá thường xuyên học sinh bằng nhận xét thay vì điểm số. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
- Tôi đồng tình và ủng hộ đổi mới phương thức đánh giá thường xuyên theo xu hướng giáo dục hiện đại mà Dự thảo đã phần nào thể hiện. Cách đánh giá này nếu làm đúng và nghiêm túc sẽ thay đổi cách dạy và học, cách làm chương trình giáo dục và sách giáo khoa, cách tổ chức bộ máy hành chính và sư phạm, làm cho giáo dục Việt Nam bớt “lạc đường” so với thiên hạ.
Tuy nhiên, nên hiểu đánh giá là một phần trong chương trình giáo dục bao gồm nhiều khâu như mục tiêu giáo dục, nội dung chương trình, phương pháp sư phạm… Tất cả phải được thiết kế trên một triết lý giáo dục. Do đó, muốn thay đổi một cách căn bản và có hiệu quả cần phải thay đổi một cách đồng bộ, trong đó phải thay đổi hẳn về tầm nhìn, tư duy, quan niệm về mục tiêu giáo dục trước khi thay đổi những thứ khác.
- Theo ông dự thảo này đã đạt được đến mức độ nào của chủ trương "đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện"?
Tôi thấy Bộ Giáo dục chưa đổi mới “căn bản và toàn diện” trong việc đánh giá vì còn vương vấn nhiều thứ trong quá khứ. Chẳng hạn, dự thảo vẫn duy trì đánh giá bằng chấm điểm vào cuối kỳ và cuối năm học, chỉ khác là người ta tăng tầm quan trọng của việc đánh giá thường xuyên bằng nhận xét và được tính vào kết quả cuối cùng. Theo tôi, nên bỏ việc đánh giá bằng điểm số với các học sinh đầu cấp như lớp 1 và lớp 2 để không gây căng thẳng, nhất là với các cháu nhỏ khi mới đến trường.
Tôi cũng đề nghị bỏ mọi hình thức khen thưởng cuối kỳ bằng giấy khen của hiệu trưởng được quy định ở Điều 17. Vì khi khen thưởng công khai, cũng có nghĩa là nhà trường vẫn so sánh học sinh này với học sinh khác, gây áp lực cho học sinh, đặc biệt với những em không được tuyên dương. Ngoài ra, theo tôi, kết quả học tập của học sinh nên được xem là điều “bí mật”, chỉ lưu hành nội bộ giữa giáo viên, học sinh và phụ huynh biết thôi. Như thế sẽ không gây ra bất kỳ áp lực nào, tạo môi trường sư phạm lành mạnh.
- Nếu không công khai kết quả học tập thì làm thế nào để hạn chế được tình trạng tiêu cực?
Lâu nay, những tiêu cực như chạy điểm, chạy thầy, chạy cô quan tâm đến con mình... suy cho cùng cũng vì chủ nghĩa thành tích, điểm số. Nay, nếu có thể bỏ hẳn những thứ này thì những tiêu cực cũng sẽ được loại trừ.
Tôi lấy ví dụ cụ thể về người trong nhà cho dễ hiểu. Con tôi đang học lớp 2 tại Pháp, cuối mỗi học kỳ, cô giáo tổ chức họp cả ba bên gồm cô giáo, cha mẹ và học sinh. Các nội dung chúng tôi bàn tới không hề là điểm số, mà là thái độ với người khác, tinh thần làm việc tập thể, các thói quen tự chủ, rồi chuyện phát âm, đọc, tính toán, khả năng lập luận...
Sau khi đã trình bày, cô giáo hỏi cháu có đồng ý không, rồi cô hỏi chúng tôi xem ở nhà cháu như thế nào? Chúng tôi có đồng ý với những đánh giá đó của cô không? Có những mục (đã có sẵn trong phiếu đánh giá) cô chưa quyết định mà cùng chúng tôi và cháu quyết định trong buổi họp ba bên đó. Sau đó, chúng tôi bàn nhau về học kỳ tới cháu sẽ làm gì, cô sẽ làm gì và chúng tôi sẽ phải làm gì. Nếu là lần họp cuối năm thì cô giáo thông báo về quyết định của cô là học sinh lên lớp, phải phụ đạo thêm, hay phải học lại (rất hiếm), nhưng phụ huynh được tham gia thảo luận để đi đến quyết định cuối cùng.
Phiếu đánh giá sẽ được lưu lại và chuyển cho giáo viên của cháu ở năm học sau. Những ghi chép của người thầy tựa như các bác sĩ ghi chép trong hồ sơ bệnh lý của từng người. Nó không phải để phán xét học sinh tốt xấu, mà để giáo viên và cha mẹ hiểu về các cháu, nhận biết cách dạy, cách phối hợp của người lớn đã phù hợp hay chưa, cần điều chỉnh những gì.
- Nếu phụ huynh vì sĩ diện không muốn con ở lại lớp, giáo viên không công tâm hoặc giữa giáo viên và phụ huynh bất đồng thì giải quyết ra sao?
Những buổi họp thường xảy ra trong sự tương kính, cả cô giáo và phụ huynh đều đặt học sinh làm trung tâm và muốn điều tốt nhất cho các em. Nên những quyết định đưa ra thường tạo được sự đồng thuận, ai cũng cảm thấy quyết định đó có mình can dự chứ không bị áp đặt. Nếu có sự bất đồng không thể giải quyết, thì phụ huynh sẽ họp với hiệu trưởng. Vẫn không giải quyết được thì mới chiếu đến luật lệ, nhờ đến thanh tra giáo dục…
Mọi quyết định của giáo viên phải là vì sự phát triển toàn diện của học sinh, chứ không phải để tô điểm cho những báo cáo đẹp của nhà trường. Nếu giáo viên vì lý do nào đó mà quyết định không đúng sẽ phải chịu trách nhiệm đến cùng. Xã hội nên tin tưởng giao quyền, sự tự do sư phạm và trách nhiệm cho các thầy cô, song cũng phải có luật lệ nghiêm khắc đối với những trường hợp đứng lớp mà bản chất không phải là nhà giáo.
- Làm thế nào để đạt được sự đồng nhất đó khi mà xã hội chưa có một nền tảng vững chắc về sự lành mạnh và công bằng thưa ông?
Tôi cho rằng việc đánh giá cũng như chuyện giáo dục nói chung, muốn thành công, ngoài những quy định, luật lệ, một môi trường xã hội lành mạnh, còn cần đến những tấm lòng và niềm tin. Đó là niềm tin vào sự công tâm và thương yêu trẻ nhỏ của người thầy; vào sự thương yêu của cha mẹ dành cho con cái được thể hiện qua việc lưu tâm đến chuyện học hành, phát triển của con; vào khả năng và sự tự lớn lên, tự trưởng thành của từng trẻ nhỏ...
Theo TS Nguyễn Khánh Trung, tại một trường tiểu học ở Phần Lan mà ông có dịp quan sát, người ta loại trừ hoàn toàn hình thức thi đua khen thưởng trong nhà trường, thậm chí, các giáo viên tỏ ra lo lắng về việc cha mẹ học sinh dùng phần thưởng để khuyến khích con đạt thành tích này nọ. Người Phần Lan quan niệm, trách nhiệm của nhà trường, nhất là trường tiểu học, là tạo ra một môi trường sư phạm thân thiện, không có áp lực. Trong đó đứa trẻ phải cảm thấy hạnh phúc nhất bởi như thế mới có thể lĩnh hội bất kỳ điều gì mà nhà trường muốn truyền đạt. Các hình thức thi đua khen thưởng bị họ cho là nguyên nhân gây ra những căng thẳng nơi học sinh, không tốt cho môi trường sư phạm. |
Phan Linh