Theo Bộ GD&ĐT, các năng lực của học sinh được hình thành và phát triển trong quá trình tự trải nghiệm, tham gia thường xuyên vào các hoạt động học tập, sinh hoạt tập thể, vận dụng kiến thức trong cuộc sống hàng ngày. Giáo viên đánh giá mức độ hình thành và phát triển một số năng lực của học sinh như tự phục vụ, tự quản; giao tiếp, hợp tác; tự học và giải quyết vấn đề...
Nhằm từng bước đổi mới phương pháp giảng dạy đã cũ, đạt hiệu quả giáo dục cao hơn, Bộ GD&ĐT dự thảo một loạt các giải pháp, trong đó có đổi mới kiểm tra, đánh giá với học sinh tiểu học.
Thay điểm bằng nhận xét
Theo dự thảo, thay vì cho điểm cao - thấp và xếp loại học sinh yếu, kém, giáo viên sẽ đánh giá học sinh hoàn thành tốt nhiệm vụ hay chưa hoàn thành về mức độ hiểu biết kiến thức, khả năng thực hiện các thao tác, kỹ năng cần thiết, phù hợp với yêu cầu của bài học, hoạt động; khả năng vận dụng các kiến thức.
Hàng tuần, hàng tháng, giáo viên ghi nhận lại những bài học và nội dung cụ thể mà học sinh chưa hoàn thành, giúp đỡ các em đạt được kết quả học tập tốt hơn. Khi nhận xét, thầy cô chỉ dùng lời mang tính động viên, khích lệ giúp học sinh tự tin vươn lên, hoặc biểu dương, khen ngợi kịp thời từng thành tích, tiến bộ của các em.
"Giáo viên sẽ không dùng điểm số để đánh giá thường xuyên. Thay vào đó là dõi theo quá trình học tập, trưởng thành của các em để khuyến khích, động viên, giúp đỡ", Vụ trưởng Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) Phạm Ngọc Định nói.
Học sinh và phụ huynh tham gia đánh giá
Quá trình đánh giá học sinh sẽ không còn một mình giáo viên mà thêm phần tự đánh giá của học sinh và nhận xét của phụ huynh trong thời gian các em về với gia đình.
Việc tự đánh giá của học sinh được thực hiện trong và sau mỗi môn học. Các em sẽ tham gia nhận xét, góp ý với bạn, thảo luận và giúp đỡ bạn hoàn thành nhiệm vụ.
Còn phụ huynh được giáo viên hướng dẫn quan sát học sinh học tập hoặc cùng tham gia hoạt động của các em, quan sát việc ứng dụng kiến thức trong cuộc sống hàng ngày của học sinh. Từ đó, đưa ra các nhận xét, đánh giá bằng lời nói trực tiếp với giáo viên hoặc ghi vào phiếu đánh giá hay sổ liên lạc. Gia đình sẽ cùng phối hợp với giáo viên và nhà trường động viên, giúp đỡ học sinh học tập, rèn luyện.
Vụ trưởng tiểu học cho rằng, quá trình đánh giá học sinh kết hợp giữa cả nhà trường, gia đình và bản thân học sinh, tuy nhiên đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất. "Giáo viên sẽ nhận xét sự tiến bộ của học sinh, không so sánh em này với em khác", vụ trưởng Định cho hay.
Không chấm điểm 0
Việc kiểm tra định kỳ chấm điểm sẽ được thực hiện cuối học kỳ I và cuối năm học với các môn: Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lý, Ngoại ngữ, Tin học, Tiếng dân tộc. Đề kiểm tra định gồm các câu hỏi, bài tập phù hợp mức độ nhận thức của học sinh.
Mức một yêu cầu học sinh nhận biết hoặc nhớ, nhắc lại đúng kiến thức đã học. Mức hai yêu cầu các em kết nối, sắp xếp lại kiến thức, kỹ năng đã học để giải quyết tình huống, vấn đề mới, tương tự tình huống, vấn đề đã học. Còn mức ba là kiểm tra khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng để giải quyết các tình huống không giống với những tình huống, vấn đề đã được hướng dẫn.
Bài kiểm tra định kỳ được sửa lỗi, nhận xét những ưu điểm và hạn chế, góp ý cho học sinh, cho điểm theo thang điểm 10, không cho điểm 0 và điểm thập phân.
Học sinh được lên lớp nếu hoàn thành môn học
Học sinh được coi là hoàn thành chương trình lớp học phải được giáo viên đánh giá hoàn thành tất cả các môn học, hoạt động giáo dục; đánh giá định kỳ kết quả học tập cuối năm các môn học phải đạt điểm 5 trở lên; phải đạt mức độ hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất.
Với học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp học, giáo viên lập kế hoạch, trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ từng học sinh, sau đó đánh giá bổ sung để xét Hoàn thành chương trình lớp học.
Học sinh hoàn thành chương trình lớp 5 được hiệu trưởng xác nhận vào Phiếu tổng hợp đánh giá cuối năm học lớp 5 là Hoàn thành chương trình tiểu học.
Những học sinh được các bạn trong lớp bình bầu, công nhận và giáo viên đánh giá đạt thành tích nổi bật hay tiến bộ vượt bậc về một, hai hoặc cả ba nội dung đánh giá, đạt thành tích nổi bật trong các phong trào thi đua hoặc những thành tích đột xuất khác được khen thưởng bằng hình thức cấp giấy khen.
"Chúng tôi công bố dự thảo thông tư ban hành Quy định Đánh giá học sinh tiểu học nói trên, mong sẽ nhận được ý kiến đóng góp rộng rãi của nhân dân để Bộ hoàn thiện, ban hành", Vụ trưởng Giáo dục tiểu học Phạm Ngọc Định nói.
Hoàng Thùy