Logo SEA Games 32 được Campuchia công bố có nhiều hình ảnh mang tính biểu tượng của nước này. Phía trên cùng là hình ảnh đền Angkor Wat dát vàng, di sản lịch sử được UNESCO công nhận. Màu vàng kim được chọn làm màu chủ đạo tương trưng cho vương quốc và sự tiến bộ về phồn vinh, sức khỏe, hạnh phúc.
Bên dưới là 4 rắn thần Naga màu xanh lục, đỏ, vàng, xanh lam quấn vào nhau thể hiện sự thống nhất và đa dạng trong cộng đồng Đông Nam Á. Rắn thần Naga là biểu tượng rất phổ biến trong văn hóa Campuchia, tượng trưng cho sự bảo vệ và mang lại ổn định cho vương quốc.
Biểu tượng này còn gợi nhớ đến truyền thuyết nổi tiếng ở Campuchia về tình yêu của Hoàng tử Preah Thong và công chúa rắn Neang Neak, được coi là tổ tiên của dân tộc này.
Theo một dị bản, hàng nghìn năm trước, Campuchia là một hòn đảo nhỏ có tên Kouk Thlouk, nghĩa là vùng đất của cây Thlouk. Hòn đảo thuộc về người rắn Naga sống giữa đại dương.
Một ngày nọ, công chúa Soma và các thần dân người Naga biến hình thành những phụ nữ xinh đẹp đi lên đảo. Đêm đó, hoàng tử Ấn Độ Kaundinya cùng tùy tùng ngồi thuyền cập đảo. Hoàng tử yêu công chúa Soma từ cái nhìn đầu tiên khi thấy cô nhảy múa dưới ánh trăng và hỏi cưới. Công chúa đồng ý với điều kiện được vua cha chấp thuận.
Vì cung điện của Naga nằm dưới đáy đại dương nên Kaundinya phải tới đó bằng cách cầm đuôi của Soma. Nhà vua gặp hoàng tử Ấn Độ và đồng ý gả con gái cho chàng.
Sau đám cưới, vua Naga cho mở rộng hòn đảo bằng cách bồi thêm đất lấy từ đại dương, rồi giao cho vợ chồng Kaundinya và Soma cai trị. Tên của hai người theo tiếng Khmer là Preah Thong và Neang Neak. Người Campuchia tự coi mình là hậu duệ của hai người.
"Việc mô tả mảnh đất này vốn là một hòn đảo cho thấy phần lớn vương quốc trước đây chìm dưới nước", học giả người Đức Rüdiger Gaudes viết trong trong một báo cáo năm 1993. Các học giả đều đồng ý rằng việc người xưa mô tả Campuchia là một hòn đảo do khu vực này thường xuyên bị lũ lụt suốt hàng nghìn năm.
Tình tiết hoàng tử Ấn Độ cầm đuôi của người vợ tương lai để đi xuống đại dương đã được đưa vào nghi lễ kết hôn của người Campuchia: khi bước vào phòng cưới, chú rể phải nâng tà váy cho cô dâu. Cử chỉ này và câu chuyện phía sau cho thấy người phụ nữ trong văn hóa Campuchia là người chủ gia đình. Người Campuchia coi Neang Neak là mẹ cả.
Giống nhiều sử thi và truyền thuyết ở châu Á, chuyện về Preah Thong và Neang Neak có thể đúng vài phần. Sử sách Trung Quốc từng ghi chép về vương quốc Phù Nam, tập hợp lỏng lẻo các quốc gia nói tiếng Ấn vào thế kỷ thứ 3. Phù Nam có thể là từ Vnum trong tiếng Khmer, nghĩa là núi. Cố đô Vyadhapurac của Phù Nam đã biến mất vì thời gian tàn phá.
Trong cuốn Ngô thời Ngoại quốc ký (ghi chép về nước ngoài thời Ngô) vào thế kỷ 3 của nhà lữ hành Khương Thái có nhắc đến sự tồn tại của Phù Nam và Vyadhapurac. Ông lưu ý chữ viết của vương quốc giống chữ viết của Ấn Độ.
Hermann Kulke, nhà sử học và Ấn Độ học người Đức, nhận định hoàng tử Ấn Độ trong truyền thuyết có gốc gác Bà La Môn. Nhà nghiên cứu Sanjeev Sanyal cho hay Kaudinya có lẽ đến từ Andhra Pradesh, phía bắc Ấn Độ, hoặc Odisha, phía nam đất nước.
Cuộc hôn nhân của Kaundinya và Soma cũng được đề cập trong một số thư tịch cổ của Trung Quốc.
"Những tài liệu này phản ánh các sự kiện lịch sử từ thế kỷ 1 (200 năm hoặc hơn sau chuyến du hành của Khương Thái) liên quan tới quá trình Ấn Độ hóa: sự xâm nhập của tôn giáo Ấn Độ, văn hóa dân gian, chính trị và luật pháp và các yếu tố khác mà văn hóa Ấn Độ đem tới Đông Nam Á có liên quan tới những thay đổi xã hội và sự hình thành các quốc gia ở đây", Gaudes viết.
Sau khi Campuchia thoát khỏi ách thống trị của thực dân, quốc vương Norodom Sihanouk đã ưu tiên truyền bá câu chuyện khắp thế giới. Dưới sự bảo trợ của Norodom Monineath, phu nhân Norodom Sihanouk, Vũ đoàn Ba lê Hoàng gia Campuchia đã biểu diễn vở kịch ở nhiều quốc gia.
Màn biểu diễn từ đó trở thành biểu tượng quốc tế của Campuchia, điệu múa cũng được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Ông Sihanouk phát triển tình bạn bền chặt với cựu thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru.
Suốt chuyến thăm Ấn Độ dài 12 ngày năm 1955, ông Sihanouk đã nói về ảnh hưởng của tiếng Phạn với ngôn ngữ Khmer, cũng như câu chuyện của Preah Thong và Neang Neak. "Ấn Độ và Campuchia là anh em", ông nói.
Hồng Hạnh (Theo Scroll.in)