(*) Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
Truyền thuyết về Quán Tiên do Đinh Tuấn Vũ đạo diễn, chuyển thể từ truyện cùng tên của nhà văn Xuân Thiều. Phim lấy bối cảnh kháng chiến chống Mỹ, khi ba nữ chiến sĩ Mùi (Thúy Hằng đóng), Phượng (Minh Khuê) và Tuyết Lan (Mai Anh) được giao nhiệm vụ tổ chức một chốn nghỉ chân giữa rừng, chuẩn bị thực phẩm chiêu đãi bộ đội trên đường hành quân. Họ dựng trại trong hang động gọi là Quán Tiên, còn ba cô gái được ví như những nàng tiên.
Ở nơi hiu quạnh, cả ba đối mặt hiểm nguy từ bom đạn, môi trường hoang dã xung quanh, lẫn sự thiếu thốn tình cảm. Về sau, Mùi xin cấp trên một nam chiến sĩ tên Ku Xê (Leo Nguyễn đóng) đến hang để săn bắn, cải thiện bữa ăn, dẫn đến nhiều biến chuyển trong cuộc sống ở đây.
Truyền thuyết về Quán Tiên là phim chiến tranh nổi bật gần đây của điện ảnh Việt. Tác phẩm chọn lát cắt khá thú vị về sự trống vắng, khao khát của phụ nữ thời chiến. Ba nhân vật chính được mô tả dũng cảm, giàu tinh thần trách nhiệm. Nhưng ở hang động cách xa mọi người, họ trải qua những cảm xúc rất đời thường như thèm tình yêu, tương tác với người khác giới. Đạo diễn mô tả vấn đề trực diện qua một cảnh ở đầu phim. Khi Tuyết Lan lên cơn vật vã, Phượng nói cô cần chạm vào một bàn tay đàn ông để khỏi bệnh. Khi Mùi xin nam chiến sĩ đến hang để săn bắn, thủ trưởng cũng nghi ngờ cô có ẩn ý.
Các cô gái còn trẻ, tràn đầy sức sống nhưng phải sống dài ngày nơi rừng sâu. Mùi người kiềm nén cảm xúc nhiều nhất do phải giữ trách nhiệm của đàn chị, răn dạy đồng đội không vượt giới hạn. Các chiến sĩ ghé hang nhận xét Mùi khó tính, nghiêm khắc do cô phê bình họ lúc đùa giỡn quá trớn. Nhưng bên trong, cô mang nhiều trăn trở về tình yêu, hạnh phúc lứa đôi. Chồng của Mùi ra chiến trường đã lâu, mất liên lạc khiến cô nhớ chồng quay quắt. Ở nửa sau phim, lòng khát khao yêu thương đưa ba cô gái vào những ngã rẽ khác nhau giữa chiến trường khốc liệt.
Trong khi đó, một chú vượn lảng vảng quanh hang, gieo sợ hãi cho ba cô gái. Tuyến phụ này tạo không khí kinh dị cho phim qua tiếng hú nổi lên nơi rừng núi, hay cảnh Tuyết Lan kể chuyện loài vượn ở quê cô bắt đàn bà về làm vợ. Về sau, các cô gái phát hiện con vượn ở Quán Tiên chỉ nhắm đến Mùi. Nó rình cô tắm suối, hành động khiếm nhã, ban đầu khiến cô lo sợ nhưng về sau nảy sinh một sự cảm thông đặc biệt.
Nhạc phim được đầu tư mạnh trong Truyền thuyết về Quán Tiên. Thay vì ghi âm bằng nhạc điện tử như đa số phim Việt khác, tác phẩm dùng dàn nhạc giao hưởng, với kinh phí đến 100.000 USD. Phim giành giài âm nhạc xuất sắc ở LHP Việt Nam năm 2019, với những giai điệu hỗ trợ tốt cho cảm xúc về nỗi cô đơn, nhớ nhung.
Diễn viên Thúy Hằng là lựa chọn phù hợp cho vai chính. Nổi tiếng với phim Cuộc đời của Yến (cũng của Đinh Tuấn Vũ), cô không khó hóa thân nhân vật giàu nội tâm. Ánh mắt cô lột tả tốt hai trạng thái thường gặp của Mùi: trăn trở và nghiêm nghị. Thúy Hằng cũng giữ biểu cảm tốt trong cảnh ngâm mình dưới nước. Tuy nhiên, sao nữ chưa thuyết phục khi diễn tả nỗi sợ hãi. Ở hai vai nữ còn lại, Mai Anh và Minh Khuê thu hút nhờ sự trẻ trung, lối thoại khá tròn trịa. Loạt cảnh của Minh Khuê với Trần Việt Hoàng (vai anh lính trẻ Thiệt) tạo tiếng cười nhẹ nhàng.
Ở nửa sau, tác phẩm lồng nhiều cảnh thể hiện sự mất mát, nguy hiểm trong chiến tranh. Nhưng hiệu ứng hình ảnh về bom, súng chưa đủ ấn tượng về sự khốc liệt. Do đó, vẻ mặt đau đớn hay hốt hoảng của các nhân vật chưa ăn khớp với khung cảnh. Kỹ xảo về chú khỉ cũng chưa mượt ở tạo hình lẫn chuyển động, nên trong nhiều cảnh, khán giả dễ nhận ra diễn viên đang đóng một mình.
Lối sắp xếp, chuyển cảnh đôi chỗ khiến tác phẩm bị đổi hướng đột ngột về cảm xúc. Gần cuối, phim đẩy cao trào ở cảnh Mùi buông thả tình cảm trong phút chốc. Nhưng loạt cảnh trước đó chưa bồi đắp đủ cảm xúc để dẫn đến chuyển biến này. Ở giữa phim, đoạn Phượng bị sốt rét được đưa vào để kết nối với một cảnh trước đó, nhưng lại rời rạc trong mạch chung.
Truyền thuyết của Quán Tiên đoạt Bông Sen Bạc ở LHP Việt Nam năm 2019, Cánh Diều Bạc năm 2020, chiếu rạp từ ngày 22/5 với nhãn C16 (không dành cho người dưới 16 tuổi).
Ân Nguyễn