Những pho tượng trên là phiên bản của kuman thong (nghĩa là "cậu bé vàng" trong tiếng Thái Lan). Ngày nay, chúng còn có phiên bản hiện đại hơn, dạng búp bê, rao bán trên thị trường với giá trung bình 1 - 3 triệu đồng, có con được bán vài chục triệu đồng.
Tuy nhiên, những bức tượng em bé có giá trị nhất được cho là chạm khắc từ gỗ của các ngôi chùa Phật giáo đã bị phá hủy. Nhiều người tin rằng gỗ xây đền chùa thấm đẫm sự linh thiêng từ các nhà sư hành lễ và cầu nguyện bên trong.
Câu chuyện kỳ bí về kuman thong lần đầu được nhà thơ Thái Lan, Sunthon Phu, nhắc đến trong truyền thuyết Khun Chang, Khun Phaen.
Truyện kể về Khun Phaen, vị tướng trong quân đội của Ayutthaya (một vương quốc của người Thái tồn tại từ năm 1351 đến 1767). Khun Phaen vừa giỏi võ vừa tinh thông pháp thuật. Anh ta có những linh hồn quanh mình để xua đuổi ma quỷ, giúp đi mây về gió, thu thập tin tức khắp nơi. Trong truyền thuyết, Khun Phaen dùng tà thuật để thu phục sinh linh của đứa con trai chưa chào đời trong bụng người vợ đã chết. Linh hồn của em bé này được gọi là kuman thong, đi theo hộ mệnh cho Khun Phaen.
Dù có nguồn gốc hư cấu, tà thuật trên vẫn phát triển ở miền nam Thái Lan, với niềm tin rằng những sinh linh bất hạnh sẽ cảnh báo bất kỳ nguy hiểm nào đe dọa gia chủ. Nhiều tài liệu cổ ghi chép lại những bước để thầy phù thủy thực hiện nghi lễ trước khi trời sáng để tạo ra những "em bé vàng".
Hiện luật pháp Thái Lan cấm sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc từ con người. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng bán tượng, búp bê với lời quảng cáo mang lại may mắn vẫn mọc lên, tạo ra thị trường chợ đen nhộn nhịp. Nhiều người đã lên tiếng phản đối loại bùa ngải này và cho rằng đây là hình thức mê tín dị đoan.
Bảo Ngọc (Theo BBC, Huff Post)