Hầu như người New Zealand nào cũng yêu thiên nhiên đến lạ kỳ, gia đình tôi cũng không ngoại lệ. Chúng tôi đã nhiều lần đi bộ xuyên rừng bụi hoặc nhiều phương tiện khác nữa để tham quan những thắng cảnh cả bốn mùa “xuân, hạ, thu, đông”, chiêm ngưỡng và tận hưởng vẻ đẹp kỳ thú của thiên nhiên.
Tuy đã đi qua nhiều nơi với nhiều đặc điểm lịch sử thú vị nhưng chuyến tham quan đặc biệt vùng đất Cape Reinga (Mũi Reinga, tên Maori là Te Rerenga Wairau), tọa lạc ở phía Đông Bắc cực Bắc của New Zealand đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc thiêng liêng.
Chuyến đi chan chứa tâm tình và nỗi niềm thiết tha quay về quê cha, đất tổ Hawaiki của người Maori, là người dân đã đến định cư ở nơi này khoảng 1.300 năm sau Công Nguyên.
Mũi Reinga là phần đỉnh phía Đông Bắc của bán đảo Aupouri nằm ở cực Bắc của Đảo Bắc, là điểm bắt đầu đất nước.
Từ Auckland đến Mũi Reinga khoảng 450km, chừng 7 tiếng đồng hồ lái xe. Gia đình tôi đến Kaitaia nghỉ ngơi ở đó một đêm rồi sáng sớm lái xe đến Mũi Reinga mất khoảng 1,5 tiếng đồng hồ trên Quốc lộ 1. Lộ trình ấy khiến chúng tôi thấy thoải mái hơn.
Hàng đoàn người nhiều quốc tịch khác nhau đi bộ trên con đường dài dẫn đến ngọn hải đăng được xây dựng từ năm 1941. Đây là ngọn hải đăng do con người vận hành cuối cùng được xây dựng ở New Zealand. Sau này, nó đã được chuyển sang vận hành tự động qua máy vi tính từ năm 1987 nên không còn việc làm cho người gác hải đăng nữa.
Điểm đặc biệt thu hút du khách khắp nơi đến đây là để được tận mắt ngắm hiện tượng thú vị ngay trên mặt biển rất gần bờ.
Từ chân hải đăng nhìn ra mặt biển, bạn sẽ thấy lúc nào cũng có các cuộn nước trộn lẫn vào nhau trắng xóa do dòng nước biển Tasman phía Tây gặp gỡ dòng nước biển Thái Bình Dương phía Đông. Theo truyền thuyết Maori, đó là sự gặp gỡ của Biển Rehua (Nam) và Biển Whitirea (Nữ), biểu tượng sự sáng tạo nên cuộc sống.
Một điều thu hút du khách không kém nữa của chốn này là truyền thuyết của người Maori về con đường quay về quê cha đất tổ của người chết. Do đó, bạn được yêu cầu thể hiện tôn trọng tính chất thiêng liêng bằng việc không ăn uống khi đang ở nơi này.
Linh hồn người chết khi đến bờ biển hình vầng trăng khuyết như bạn thấy trong hình dưới đây thì sẽ quay về phía Mũi Reinga.
Mũi Reinga là nơi mà người chết đi vào cõi giới của địa phủ. Treo lơ lửng ở chót Mũi Reinga là cây Kahika, có tên là Te Aroha, thọ 800 tuổi. Linh hồn người chết sẽ hạ xuống nước theo những bậc thang do rễ cây hình thành nên. Sau đó, linh hồn sẽ tiếp tục hành trình về lại mảnh đất thiêng liêng là quê cha đất tổ Hawaiki.
Khi đến thăm chốn này và tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên, tôi xúc động tận đáy tâm hồn và thật sự chia sẻ, đồng cảm với niềm tin tưởng thành kính, thiêng liêng của người Maori đối với quê cha đất tổ.
Sở dĩ tôi xúc động là vì tôi cũng là người nhập cư. Tôi cũng đã rời quê hương để đến đây tạo lập gia đình rồi gắn bó và yêu mến mảnh đất thanh bình, xinh đẹp, hiền hòa này như người Maori đã làm, tuy nhiên, trong lòng tôi vẫn cứ mãi thương nhớ quê hương.
Những người cất bước xa quê để đến một chân trời xa lạ với nhiều nỗi niềm và nhiều lý do khác nhau nhưng rồi sau đó, có lẽ họ đều cùng có một điểm chung là mong nhớ quê hương, gia đình ở nơi chốn nào xa lắc.
Lòng người xa xứ sao cứ mãi bâng khuâng. Ai đi đâu dù xa mấy rồi cũng về với cát bụi quê nhà, không về được bằng thân xác thì linh hồn cũng tìm cách quay về quê cha đất tổ.
Sao tình yêu quê hương nguồn cội lại thiêng liêng, thành kính và mãnh liệt đến thế? Điều này không phân biệt màu da, tôn giáo hoặc một ý thức hệ nào cả. Tâm tình người tha hương nào cũng như nhau, cũng đau đáu thương nhớ nguồn cội và mong được quay về, dù chỉ một lần.
Tôi, một người con xa xứ như những người con xa xứ khác, tuy rất yêu mến quê hương mới - New Zealand hiền hòa, rộng lượng và dang tay đón nhận người mới, nhưng tận sâu thẳm lòng mình tôi vẫn nhận ra một điều rằng quê hương thật sự của mình là nơi mình sinh ra, lớn lên, là nơi ấp ủ nhiểu kỷ niệm ấu thơ và cuộc đời.
Quá khứ cùng gia đình vẫn mãi tròn đầy trong tâm hồn xa xứ. Vậy đó, nên tôi vẫn luôn ao ước, khao khát được quay về thăm lại chốn xưa một lần, rồi hai lần, rồi nhiều lần và nhiều lần nữa...