Julian Assange, người sáng lập Wikileaks. Ảnh: AFP |
Wikileaks đã gửi các bí mật về thư tín ngoại giao của Mỹ cho những tờ báo uy tín hàng đầu thế giới thuộc các ngôn ngữ khác nhau, bên cạnh New York Times là Der Spiegel (Đức), Le Monde (Pháp), Guardian (Anh) và El Pais (Tây Ban Nha). Đây cũng là những tờ báo đầu tiên chọn lựa và đăng tải chúng, như phát pháo hiệu cho gần như toàn bộ giới truyền thông thế giới cùng khai thác sau đó.
Trong cuộc trò chuyện trên một chương trình của BBC, Tổng biên tập New York Times Bill Keller đã giải thích về những quyết định liên quan đến việc đăng tin tức do Wikileaks tiết lộ. Ông nhấn mạnh những tài liệu này "chứa đựng những thông tin chân thật mà độc giả và các công dân sẽ quan tâm". Cũng theo lời ông, những thư tín ngoại giao bị rò rỉ đã cho thấy sự giới hạn của những gì mà công chúng và báo chí vốn được biết.
Tuy nhiên, có rất nhiều thư tín ngoại giao do Wikileaks công bố không có gì "ghê gớm" mà thực chất chỉ là những trao đổi thông thường. Tổng biên tập New York Times gọi 250.000 thư tín mà Wikileaks có được là "nguyên liệu thô" của báo chí hoặc lịch sử và các phóng viên phải lựa chọn trong đó những gì phù hợp với thứ đã biết và cái gì thực sự có ý nghĩa thông tin.
Nhưng Keller không đồng ý với quan điểm của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton rằng việc tiết lộ của Wikileaks "đã tấn công vào cộng đồng quốc tế và các lợi ích trong chính sách đối ngoại của Mỹ". Để chứng minh cho luận điểm này, ông giải thích việc New York Times đã xử lý ra sao khối tin tức thô của Wikileaks và nhận định Bộ Ngoại giao Mỹ dù không ủng hộ việc tờ báo đã làm, nhưng sự tức giận của họ chỉ hướng trực tiếp đến Wikileaks, nơi đã công bố mọi thứ họ có mà thôi.
"Chúng tôi đã viết các bài báo dựa trên những tài liệu của Wikileaks, nhưng những gì đăng tải chỉ là một phần nhỏ của số thư tín. Chúng tôi cũng đã tham vấn Bộ Ngoại giao và biên tập chúng rất chặt chẽ, nhằm bỏ đi bất cứ thứ gì mà chúng tôi cho rằng có thể khiến cuộc sống của ai đó gặp nguy hiểm hay gây hại cho an ninh quốc gia. Hy vọng của chúng tôi là đã làm hết sức trong quyền hạn của mình để giảm thiểu những tác hại nếu có", tổng biên tập Keller nói thêm.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu với quyết định xử lý thông tin như trên, New York Times có thay đổi cách thức làm việc của các phóng viên chuyên viết về chính sách đối ngoại và quốc tế của mình hay không, vì rằng các phóng viên thuộc lĩnh vực này thường chỉ sử dụng các nguồn tin ngoại giao chính thức khi viết bài.
Tổng biên tập Keller thừa nhận có sự thay đổi đối với cách thức làm việc của phóng viên khi xử lý tin rò rỉ do Wikileaks cung cấp, nhưng nhấn mạnh đây chỉ mang tính tạm thời. "Đó là điều khá khác thường. Tôi đã nói với các đồng nghiệp rằng tôi có cảm giác những tài liệu này khiến chúng ta cứ như thể đang làm việc tại bộ phận nghe lén của Cục an ninh quốc gia vậy. Việc tiếp cận sự kiện theo cách này là cực kỳ hiếm hoi. Tôi cá là điều này sẽ không xảy ra thêm một lần nữa nên tôi nghĩ chúng tôi sẽ không thể thường xuyên được tiếp cận với dạng bí mật ngoại giao như thế", Keller giải thích cho việc phải thay đổi cách thức khai thác thông tin.
Hứng chịu chỉ trích
Trong khi đó, khi quyết định công bố các thông tin nhạy cảm do Wikileaks cung cấp, New York Times đã viết rằng "những bức thư ngoại giao đã cung cấp một biên niên sự kiện trong các mối quan hệ của Mỹ với thế giới". Tờ báo này nói thêm rằng 250.000 thư tín ngoại giao Mỹ cũng cho thấy "bức tranh chưa từng có tiền lệ về quan điểm chân thật của các đại sứ quán về những nhà lãnh đạo thế giới cũng như đánh giá về các mối đe dọa".
Ngoài ra, New York Times còn bày tỏ tin tưởng rằng họ đã đăng tải "những tài liệu quan trọng có lợi cho công chúng, đồng thời mô tả những mục tiêu, thành công, sự thoả hiệp và sự thất vọng của nền ngoại giao Mỹ theo một cách thức nguyên bản".
Nhưng có quan điểm cho rằng, New York Times đang "nối giáo cho giặc" khi tham gia vào việc phổ biến những thư tín bị đánh cắp của Bộ Ngoại giao Mỹ. Thượng nghị sĩ John McCain chỉ trích tờ báo này về việc đăng các tài liệu của Wikileaks. Ông thừa nhận việc thông tin sẽ vẫn phát tán cho dù New York Times có đăng chúng hay không, nhưng tờ báo uy tín của Mỹ vẫn đang gây ra những tác hại khi cho đăng những tài liệu này.
"Tôi ước gì New York Times chọn cách không đăng chúng. Điều này đã gây tổn hại cho nước Mỹ và các lợi ích an ninh quốc gia của chúng ta. Lập luận của họ là thông tin sẽ vẫn được phổ biến bằng cách này hay cách khác, nhưng việc New York Times quyết định cho đăng tải đã khiến cho những tài liệu nói trên có một mức độ uy tín nhất định", cựu ứng viên tổng thống Mỹ nói thêm với Daily Beast.
Do đó đang có luồng ý kiến tại Mỹ rằng, nếu người sáng lập Wikileaks là Julian Assange bị điều tra hình sự vì bị cáo buộc là vi phạm Luật tình báo Mỹ, vậy tờ New York Times khi cho đăng tải những thư tín ngoại giao liệu có phạm luật hay không. Trên thực tế đạo luật được ban hành từ năm 1917 này lại được coi là "điên khùng" và "vi hiến" vì có quy định kết tội chỉ dựa trên việc ai đó đăng bất cứ thông tin nào mà chính phủ Mỹ không muốn họ đăng.
Đình Nguyễn