Ngại phóng viên là do ngại trách nhiệm. Báo chí có ảnh hưởng lớn, nên cán bộ sợ nói sai, sợ bị trích dẫn không đầy đủ, có thể bất lợi. Tới bây giờ, tâm lý ấy vẫn còn ít nhiều ở bộ ban ngành các cấp.
Tôi ra trường 1974 và làm ở Vụ Thông tin Báo chí Bộ Ngoại giao cho tới khi về hưu. Bài học đầu tiên và quý giá chúng tôi nhận được từ cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là không được ngại truyền thông. Tôi thực sự khâm phục sức làm việc của Bộ trưởng. Ông không ngại dành nhiều buổi tối, hay thời gian ngoài giờ để tiếp phóng viên nước ngoài. Ông làm việc không mệt mỏi để giải thích cho họ hiểu những vấn đề nóng thời đó như quan hệ Việt Nam với Mỹ, thực tế ở biên giới Tây Nam, thực trạng quan hệ với Campuchia và cuộc chiến biên giới phía Bắc.
Có lần, một phóng viên Italy phỏng vấn ông chưa xong, nhưng đến giờ phải ra sân bay. Ông kéo phóng viên lên ôtô đi cùng để cho phỏng vấn tiếp.
Chủ động với phóng viên thay vì e ngại họ là cách để gây dựng hình ảnh cho cơ quan, tổ chức, rộng hơn là quốc gia. Đến bây giờ, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch vẫn là người có số lượng các cuộc phỏng vấn với phóng viên nước ngoài cao kỷ lục.
Nếu chủ động là yếu tố thứ nhất, chân thành là yếu tố thứ hai. Một phóng viên Mỹ đã rất ngạc nhiên khi anh chị em Vụ Báo chí chúng tôi đến sinh nhật cô. Người phát ngôn và phóng viên, ngoài quan hệ chính thức hoàn toàn có thể trở thành những người bạn chân thành. Nếp làm việc đó vẫn được duy trì qua nhiều thế hệ người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho đến hôm nay.
Chân thành có thể đến từ những việc rất nhỏ. Họp báo của Bộ Ngoại giao thường diễn ra vào 3h chiều. Khi ấy ở các nước châu Âu mới là 8h hay 9h sáng. Biết họ bị lệch múi giờ, chúng tôi bao giờ cũng kéo dài buổi họp để những người chưa kịp đặt câu hỏi có thời gian hỏi thêm. Chúng tôi cố gắng không để họp báo kết thúc đột ngột, mà để họ hỏi nhiều nhất có thể. Người phát ngôn cũng sẵn sàng dành thời gian cho những buổi phỏng vấn riêng để thể hiện sự nhiệt tâm. Chân thành tạo ra thiện cảm, góp phần xác lập hình ảnh Việt Nam như một đất nước thân thiện.
Những vấn đề "vướng mắc" thuộc về các thủ tục hành chính, sinh hoạt của phóng viên, trong giới hạn cho phép, nếu giải quyết được, cán bộ Vụ Báo chí đều rất sẵn lòng. Chúng tôi làm cầu nối giữa họ với các cơ quan Việt Nam để mọi chuyện được suôn sẻ.
Yếu tố cuối cùng không kém quan trọng là hiểu biết về nghề báo và truyền thông quốc tế. Báo chí nước ngoài luôn có tính độc lập nhất định với thể chế chính trị và có những nguyên tắc đạo đức nền tảng. Năm 2001, khi sự kiện ở Tây Nguyên diễn ra, chúng ta tổ chức cho mấy chục phóng viên nước ngoài lên tận nơi để họ hiểu rõ tình hình. Đa số phóng viên hài lòng với chuyến đi. Tuy nhiên cũng có một số phản ứng khi yêu cầu hoạt động riêng của họ không được đáp ứng như mong muốn. Họ từ chối đến thăm những địa điểm mà địa phương đã tổ chức cho cả đoàn, không chấp nhận đi những nơi địa phương dẫn tới vì cho rằng đó là "sắp đặt". Số phóng viên này phản ứng bằng nhiều cách trong đó có việc "vận động" phóng viên khác hủy bỏ bữa cơm tối thân mật do tỉnh tổ chức. Họ quan niệm báo chí phải tự chủ và không thể bị ép buộc hay mua chuộc bằng bất kỳ hình thức nào.
Tuy trong lòng cảm thấy không vui, nhưng hiểu được điều này, chúng tôi không phản ứng gay gắt, tôn trọng phóng viên quốc tế. Tranh thủ lúc kết thúc các hoạt động vào cuối buổi chiều, tôi có buổi gặp gỡ ngắn với tất cả phóng viên và nói với họ rằng chúng tôi muốn chuyển lại lời mời của lãnh đạo Tỉnh cho bữa tối hôm đó. Tôi cũng giải thích, họ có thể tác nghiệp hoàn toàn chủ động nhưng bữa cơm là để địa phương thể hiện lòng hiếu khách. Đây là truyền thống Việt Nam. Cuối cùng, bữa cơm và toàn bộ chương trình làm việc do chúng ta tổ chức đã được hầu hết phóng viên quốc tế tham gia hưởng ứng một cách vui vẻ. Chúng tôi cũng cố ý bố trí cho một số phóng viên chưa hài lòng được ngồi gần nhất với lãnh đạo của địa phương để có cơ hội "đặt câu hỏi riêng" và được giải đáp những thông tin còn nghi ngờ. Bữa tối lại kéo dài hơn so với dự kiến.
Mỗi năm, những hãng thông tấn nước ngoài thường trú tại Việt Nam như BBC, AFP, Reuters... đưa hàng nghìn tin liên quan tới Việt Nam ra toàn thế giới. Ảnh hưởng của các hãng thông tấn rất lớn. Làm việc với họ phải đảm bảo nguyên tắc giữ vững quan điểm quốc gia nhưng cởi mở, uyển chuyển. Phục vụ nhu cầu đưa tin của họ bất kể giờ giấc, dù gặp trực tiếp hay qua điện thoại, là cần thiết. "Cấm cửa" phóng viên có lẽ không phải là một giải pháp hay. Chấp nhận gia hạn visa và kéo họ lại một cách chủ động và chân thành sẽ hiệu quả hơn.
Chân thành, lòng tin và trách nhiệm là những yếu tố cần thiết thúc đẩy quan hệ bang giao. Đây cũng là thông điệp được người đứng đầu chính phủ nhấn mạnh trong chuyến thăm Mỹ vừa qua. Điều đó hoàn toàn đúng trong quan hệ đối ngoại, đặc biệt là truyền thông đối ngoại.
Truyền thông đối ngoại góp phần nâng cao hình ảnh Việt Nam trên thế giới. Truyền thông từng giúp Việt Nam phá bao vây cấm vận, giờ đây tiếp tục thúc đẩy chiến lược ngoại giao công tâm, tranh thủ lòng người của Việt Nam. Truyền thông ấy bắt đầu bằng một tâm thế rộng mở và rộng lượng, một tầm nhìn cao và xa hơn. Bảo vệ lợi ích tối thượng của đất nước rất cần sự linh hoạt và mềm dẻo, ở trong tư duy, trước nhất.
Phan Thúy Thanh