Lá cờ thêu sáu chữ vàng là tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (1912-1960) dành cho thiếu nhi, xuất bản lần đầu tiên năm 1960. Truyện kể về người anh hùng 16 tuổi Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, khi quân Mông Nguyên sang cướp nước Nam, đã chiêu mộ sáu trăm người, kết làm anh em, đánh giặc.
Theo GS Phong Lê, phạm vi miêu tả của truyện là cuộc chiến lần thứ hai (1285) thời Trần Nhân Tông, khi nhà Trần chịu thất thủ Thăng Long, Trần Quốc Tuấn lui quân về Thanh Hóa. Thời gian này diễn ra hai sự kiện lịch sử lớn là Hội nghị Bình Than (cuối năm 1282) và Hội nghị Diên Hồng (đầu năm 1285), thể hiện tập trung ý chí và trí tuệ của toàn dân trong một quyết tâm Sát Thát.
Sách giáo khoa Văn học lớp 7 (Nhà xuất bản Giáo dục, 2000) tóm tắt tác phẩm: Quân Nguyên sang xâm lược nước ta lần thứ hai. Vua Thiệu Bảo họp các vương hầu tại bến Bình Than bàn kế diệt giặc, cứu nước. Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản chưa đầy 16 tuổi nên không được dự bàn. Quả cam vua ban, chàng cầm trong tay bóp nát lúc nào không biết.
Trong truyện, tác giả viết: "...Hai bàn tay càng nắm chặt lại, như để nghiền nát một cái gì. Hai bàn tay rung lên vì giận dữ. Hoài Văn lẩm bẩm: Rồi xem ai giết được giặc, ai báo được ơn vua, xem ai hơn, ai kém. Rồi triều đình sẽ biết tay ta. Hai nắm tay Hoài Văn càng bóp mạnh.
Đám người nhà trông thấy Hoài Văn hầm hầm trở ra thì chạy ùa tới hỏi chuyện. Để đỡ ngượng với họ, Hoài Văn nói liều:
- Ta đã tâu với quan gia cho đánh. Quan gia ban cho quả cam này. Ơn vua lộc nước, ta đem về để biếu mẫu thân.
Trần Quốc Toản xòe bàn tay phải ra. Quả cam đã nát bét chỉ còn trơ bã".
Trích đoạn trên được đưa vào chương trình sách giáo khoa phổ thông, mang tên "Bóp nát quả cam", trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ học sinh.
Câu 2: Lá cờ của đoàn quân nghĩa sĩ do Trần Quốc Toản lập thêu sáu chữ vàng "Phá cường địch, báo hoàng ân". Nền cờ màu gì?