Truyền hình trả tiền, chưa thể "thích gì chọn nấy". (TV-program) |
Nếu như tháng 9/2003, lượng thuê bao của truyền hình trả tiền mới chỉ đạt hơn 79.000 thì đến nay con số này đã vượt 460.000 thuê bao. "Chưa có nước nào phát triển nhanh đến vậy. Rồi đây không khéo cả 60 tỉnh đều có truyền hình cáp", ông Lê Đức Hùng, Giám đốc Trung tâm truyền hình cáp TP HCM, phát biểu tại hội nghị truyền hình trả tiền diễn ra ở Hà Nội hôm qua.
*Quảng cáo truyền hình: Thuyền nào, sóng nấy |
*Phát truyền hình theo nhu cầu |
*Truyền hình: Thích gì, xem nấy |
Thứ trưởng Bộ Văn hoá thông tin Đỗ Quỹ Doãn cũng chỉ ra thực trạng này. Ông cảnh báo: "Quá nhiều sinh ra hỗn độn. Cạnh tranh không lành mạnh như câu móc chương trình, làm nhiễu sóng giảm hoạt động của đài khác đang ngày càng phổ biến".
Vì hoạt động khép kín, mạnh ai nấy sản xuất, mua chương trình nên "nhà đài" ngoài chuyện một số chương trình tự dựng na ná nhau thì ngay cả các kênh phải mua lại bản quyền từ nước ngoài cũng trùng lặp vô tội vạ như Cartoon Network, Discovery, Star Sport, MTV, HBO, CNN, Star Movies...
Ngay chuyện phát lại các kênh truyền hình nước ngoài cũng có vấn đề. Ông Trần Đăng Tuấn, Phó tổng giám đốc Đài truyền hình VN, cho hay, có đài cứ vô tư dùng chui, không mua bản quyền. "Dù chỉ một ngày cũng có nguy cơ bị phạt hàng triệu USD. Đến khi bị kiện mới té ngửa ra. Đã có nhiều bài học như vậy", ông nói.
Theo Thứ trưởng Đỗ Quỹ Doãn, Việt Nam đã ký và tham gia đầy đủ các công ước quốc tế về bản quyền, vì thế các hãng cần phải nghiêm túc thực hiện. Ông khuyến cáo các hãng nên thỏa thuận để cử ra những đại diện có khả năng kinh nghiệm thương thuyết trong việc mua bản quyền chứ không mạnh ai nấy làm, dẫn tới tất cả đều đua nhau mua như hiện nay - vượt tầm kiểm soát.
Khách hàng chưa thấy lợi
Truyền hình nhiều nhưng khách hàng chưa thấy lợi. (Outsidein) |
Cả nước có tới 20 đơn vị cung cấp dịch vụ, song do tình trạng "cát cứ" nên có nhiều khu vực người dân buộc phải đăng ký dịch vụ của duy nhất một hãng, mà không có cơ hội lựa chọn. Trong khi nhiều hãng khác rất muốn nhảy vào kinh doanh nhưng không được, dù thừa khả năng.
*Trung Quốc sớm có dịch vụ truyền hình di động |
*IPTV được đánh giá cao |
*Cuộc chiến dịch vụ truyền hình |
Tại khu đô thị mới Định Công (Hà Nội), vì truyền hình cáp VN đã bắt tay với ban quản lý để cung cấp dịch vụ, nên truyền hình cáp Hà Nội khó lòng chen chân vào. Chẳng may ở một lô nhà nào đó, nếu truyền hình cáp VN chưa kéo cáp đến, người dân cứ việc chờ. Ngược lại, một số khu vực thuộc quận Tây Hồ (Hà Nội) là địa hạt riêng của truyền hình cáp Hà Nội, truyền hình cáp VN xin mời đứng ngoài.
Có những nơi như khu vực Bách Khoa, Giảng Võ tuy có đường cáp của 3-4 hãng kéo đến, người dân vẫn bị áp đặt nếu đăng ký dịch vụ của nhà cung cấp này thì miễn xem chương trình trên các kênh của nhà cung cấp kia. Nếu thích phải đăng ký dịch vụ của cả 3 "ông".
Phải đưa vào khuôn khổ
Cơ quan quản lý lúng túng khi quản lý nội dung. (Newsfromrussia) |
Cơ sở pháp lý duy nhất cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực truyền hình trả tiền hiện chỉ là Quyết định 79 của Chính phủ về quản lý việc thu các chương trình truyền hình của nước ngoài. Ngoài ra, Bộ Văn hóa thông tin còn quản lý theo Luật Báo chí. "Vì thiếu cơ sở pháp lý quy định về quản lý nội dung và kỹ thuật nên cơ quan quản lý cũng lúng túng", Thứ trưởng Doãn cho hay.
Theo ông Doãn, tới đây, Bộ Văn hóa thông tin sẽ hoàn thiện quy hoạch truyền hình, thống nhất áp dụng các yêu cầu về kỹ thuật công nghệ để đảm bảo không có những công nghệ cũ lạc hậu được nhập vào VN, nâng cao chất lượng tín hiệu cũng như nội dung chương trình. Đây cũng là cơ sở pháp lý để khách hàng có thể khởi kiện nhà cung cấp nếu họ vi phạm hợp đồng.
Bên cạnh Luật Báo chí hiện nay, Cục Báo chí của Bộ Văn hoá thông tin cũng sẽ nghiên cứu soạn thảo quy chế hoạt động truyền hình trả tiền để trình Chính phủ xem xét ban hành. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quản lý loại hình kinh doanh này.
Các doanh nghiệp cũng đề nghị cho phép thành lập hiệp hội để là đầu mối trong việc mua bán, trao đổi bản quyền các chương trình, đồng thời tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị. Theo ông Trần Đăng Tuấn, có thể tham khảo mô hình của nước ngoài, tức là chuyên nghiệp hóa các khâu cung cấp chương trình, khai thác, kỹ thuật. "Ai mạnh về sản xuất chương trình sẽ tập trung làm khâu đó và cung cấp cho các đài khác, ai mạnh về mua bán bán quyền sẽ chuyên đi đàm phán mua và bán lại cho các đài khác. Với anh chuyên về kỹ thuật, hệ thống cáp tốt thì khi đưa vào một khu đô thị nào đó sẽ mở cho tất cả các nhà cung cấp có thể dẫn được. Đơn vị nào mạnh thì kết hợp 4-5 vai trò, miễn là đảm bảo chất lượng cho khách hàng", ông nói thêm.
(Theo VnExpress)