Xem truyền hình qua mạng giúp khán giả không phụ thuộc vào thời gian phát sóng. Ảnh: Minh Hải |
Ngoài truyền hình theo công nghệ Analog thông thường, phát sóng miễn phí như VTV (Đài truyền hình Việt Nam), HTV (Đài truyền hình TP HCM), BTV (Đài truyền hình Bình Dương), ĐNT (Đài truyền hình Đồng Nai)..., giới kinh doanh dịch vụ truyền hình cũng xếp các hãng truyền hình kỹ thuật số vệ tinh như VTC (Công ty truyền thông đa phương tiện), Đài truyền hình Bình Dương (BTVC) vào loại hình truyền hình quảng bá. Bởi cả VTC và BTVC đều không thu phí hằng tháng (billing), mà chỉ bán bộ phận giải mã (settop box), như hình thức kinh doanh thiết bị truyền hình, gắn vào tivi.
So với 3 năm trước, loại hình dịch vụ truyền hình kỹ thuật số trên nền công nghệ Analog đang phát triển khá mạnh. Trong khi BTVC sử dụng bộ giải mã để truyền tín hiệu vào hệ analog và phát sóng trong phạm vi bán kính khoảng 100 km, thì VTC phát thông tin từ mặt đất lên vệ tinh, từ đó các vùng trên cả nước đều có thể bắt sóng được. Đây là thế mạnh của VTC so với người anh BTVC. Chỉ cần bỏ ra 1,4-2 triệu đồng để mua bộ giải mã bao gồm ăngten parabol, bộ khuếch đại, bộ chuyển đổi tín hiệu, cộng thêm chi phí lắp đặt 50.000 đồng là khách hàng có thể sử dụng thoải mái 18 kênh truyền hình kỹ thuật số của VTC.
Tuy nhiên, theo giới kinh doanh, một trong những lý do khiến dịch vụ truyền hình của VTC phát triển mạnh tại Hà Nội không bắt nguồn từ bộ giải mã do chính VTC cung cấp, mà lại nhờ bộ đầu thu kỹ thuật số của Trung Quốc, đang bán rất phổ biến trên thị trường với giá chỉ 500.000-750.000 đồng cho phép xem miễn phí 18 kênh.
Lúc này, truyền hình cáp cũng đang len vào từng nhà, khu phố để cạnh tranh với truyền hình kỹ thuật số và tivi truyền thống. Hãng truyền hình cáp SCTV (phối hợp giữa VTV và SaigonTourist), HTVC là 2 đơn vị đang chia nhau chiếc bánh thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền tại TP HCM, trong đó SCTV chiếm khoảng 80% (với khoảng 200.000 hộ gia đình đăng ký sử dụng) còn HTVC mới tròn 1 năm tuổi nên chỉ chiếm 20% thị phần (khoảng 50.000 hộ). Các chuyên gia dự tính, thị trường tiềm năng của loại hình dịch vụ này ở TP HCM có thể lên đến 1 triệu khách hàng. Đó là lý do khiến 2 hãng đang mở hết tốc lực trong cuộc chạy đua thu hút khách hàng bằng chiến lược giá, khuyến mãi, dịch vụ cộng thêm...
Thấy trước tiềm năng phát triển, hầu hết các đơn vị truyền hình địa phương đang lao vào cuộc đua kinh doanh dịch vụ cáp hoặc số, dù miễn phí hoặc thu tiền, nhưng hầu hết nhắm vào mục đích là cung cấp những thực đơn nghe nhìn đặc biệt phong phú, hấp dẫn cho khách hàng.
"Bão" cáp thổi bay ăngten
Theo giới chuyên môn, không thể phủ nhận là cáp truyền hình đang lấn lướt hệ thống truyền hình truyền thống nhờ các thế mạnh của mình như chất lượng hình ảnh đẹp, cung cấp nhiều kênh... Năm 2000, anh Vũ Đình Hòa, ngụ ở quận 1 (TP HCM), là một trong những khách hàng đầu tiên dám bỏ ra hơn 3 triệu đồng để lắp bộ phận thu phát của dịch vụ truyền hình kỹ thuật số. Hiện anh đã chuyển sang dùng dịch vụ truyền hình cáp vì nhiều kênh hơn, chất lượng ổn định mặc dù phải trả tiền hằng tháng. Theo anh, khoản chi phí dịch vụ truyền hình hằng tháng không đáng kể so với thu nhập gia đình. Anh cho biết, trong xóm nhà anh, hầu hết ăngten ở các hộ gia đình đã "rụng" hết để nhường chỗ cho cáp truyền hình.
Một nhân viên kỹ thuật lắp đặt của SCTV thì cho hay, nhiều khách hàng tại TP HCM đang cùng lúc sử dụng song song hai hệ kỹ thuật số và cáp, vì những ưu thế riêng của từng loại hình. Ăngten đã trở nên lỗi thời trong một bộ phận gia đình thành thị.
Trên thực tế, theo phân tích của giới chuyên môn, do hạn chế của dịch vụ truyền hình truyền thống là sử dụng cần ăngten để điều chỉnh đường nét nên chất lượng hình ảnh luôn phụ thuộc vào thời tiết. Một khi thời biết có gió bão là chất lượng hình ảnh sẽ bị nhiễu theo. Đó là chưa kể, nếu sử dụng dịch vụ ở các nhà cao tầng, khu chung cư hay cao ốc bị che chắn, hình ảnh bị biến dạng thành nhiều bóng khác nhau...
Chính những hạn chế nhất định này, cùng với nhu cầu được xem nhiều kênh truyền hình trong và ngoài nước đã tạo nên xu hướng chuyển sang sử dụng dịch vụ truyền hình cáp hoặc kỹ thuật số trong dân chúng ngày càng phổ biến.
Website truyền hình băng thông rộng đầu tiên tại Việt Nam của FPT, vừa chính thức hoạt động sáng nay. Ảnh: IPTV |
Lãnh đạo VTV cũng thừa nhận, hiện nay, chiếc bánh thị phần ngày càng bị chia sẻ, cạnh tranh cũng khốc liệt hơn. Do vậy, VTV phải liên tục tung ra các chương trình mới, hấp dẫn người xem truyền hình.
Hứa hẹn một thị trường tiềm năng
Trao đổi với VnExpress, Giám đốc Trung tâm truyền hình cáp TP HCM HTVC Lê Đức Hùng cho rằng, xu hướng truyền hình thu tiền sẽ ngày càng phát triển và phổ biến hơn do đảm bảo được chất lượng dịch vụ cung cấp, mang đến nhiều sự lựa chọn về kênh giải trí cho người xem.
Ý kiến độc giả VnExpress cũng thể hiện rõ xu hướng lựa chọn các loại hình truyền hình hiện nay. Truyền hình cáp, kỹ thuật số đang là 2 phương thức đang được nhiều người sử dụng nhất, hơn 64%. Đáng chú ý là khi được hỏi bạn thích sử dụng loại hình truyền hình nào thì có tới 78,2% cho biết họ thích truyền hình cáp và kỹ thuật số. Trong đó, phần ưu ái luôn dành cho loại hình truyền hình cáp. 15% độc giả tham gia biểu quyết cho biết họ vẫn dùng truyền hình truyền thống Analog. Song chỉ có 4% người cho biết họ thích sử dụng dịch vụ này. Truyền hình Internet cũng sẽ có cơ hội phát triển mạnh, khi có tới 15,8% độc giả cho biết họ yêu thích loại hình mới mẻ này. |
Ông Hùng nhận xét, do đặc thù về thu nhập, thói quen của người tiêu dùng Việt Nam, thể loại truyền hình truyền thống sẽ tồn tại song song với các dịch vụ truyền hình khác. Tuy nhiên, xu hướng khách hàng sử dụng truyền hình cáp đang ngày càng gia tăng.
Trong khi đó, đánh giá về hiệu quả kinh doanh cũng như xu hướng của thị trường, đại diện VTC khẳng định, còn nhiều khoảng trống để khai thác và VTC tin rằng thị trường này vẫn có cơ phát triển trong tương lai. Dự kiến, VTC sẽ đưa vào khai thác thêm các loại hình dịch vụ giá trị gia tăng và về lâu dài, sẽ tiến hành thu phí đối với khách hàng xem truyền hình.
Theo giới kinh doanh, trong tương lai, khi mà truyền hình có thể xem được qua Internet, ADSL, điện thoại di động, sẽ chỉ còn một khái niệm chung là dịch vụ nghe nhìn... Đó cũng chính là động lực đẩy các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình tại Việt Nam vào đường đua khốc liệt, với mục tiêu "ai nhanh hơn sẽ chiếm được thị phần lớn hơn". Sự kiện Công ty Cổ phần Viễn thông FPT hôm nay tung ra loại hình truyền hình băng thông rộng ADSL cũng được giới kinh doanh dịch vụ nghe nhìn đánh giá là một bước phát triển mới của thị trường giải trí hiện đại.
(Theo VnExpress)