Bạn tôi gửi link bài báo Triển lãm về thám tử Conan đầu tiên ở Việt Nam, và rủ tôi đi xem. Đến phần giá vé tham quan từ 200.000 đến một triệu đồng, tôi cảm thấy ghen tị.
Một tác phẩm truyện tranh bán được hơn 250 triệu bản in trên thị trường toàn cầu (số liệu năm 2011, cách đây hơn một thập kỷ) và kéo theo vô số sản phẩm các như điện ảnh, phim hoạt hình... vẫn còn thu được phí người tham quan.
Điều này làm tôi nhớ về bảo tàng về Sherlock Holmes ở 221B, phố Baker, London, Anh quốc. Holmes là một nhân vật hư cấu, nhưng lại vô cùng nổi tiếng, có cả một bảo tàng riêng.
Ngay cả tên Conan cũng được tác giả Gosho Aoyama "mượn" từ tác gia Conan Doyle - cha đẻ của thám tử Sherlock Holmes.
Pha vào đó là cảm giác mệt mỏi về bộ truyện tranh Thám tử lừng danh Conan, khi tôi hỏi bạn: "Bây giờ tới tập mấy rồi?". Tôi bắt đầu đọc truyện này vào đầu những năm 2000, khi đó mua từ tiệm sách cũ hoặc đi thuê. Rất hấp dẫn, cảm giác hồi hộp khi cầm trên tay cuốn số mới, cảm giác sợ sệt với những vụ án rùng rợn.
Tôi mê truyện tranh và luôn giữ nhãn quan của một độc giả tuổi mới lớn. Nhưng thú thật, đã không còn kiên trì với Conan vì tác giả quá dây dưa, dây cà kéo ra dây bí, mãi vẫn chưa có chi tiết đột phá và dấu hiệu kết thúc truyện, dù đã 30 năm.
Trên các diễn đàn, tôi thấy không ít ý kiến cho rằng tác giả đang "vắt sữa" bộ truyện, kéo dài lê thê cốt truyện một cách không cần thiết. Việc lặp đi lặp lại các tình tiết, cùng những chi tiết phi logic trong một số vụ án khiến nhiều fan cảm thấy thất vọng.
Thế nhưng, bất chấp những tranh cãi, Conan vẫn giữ vững vị thế là một trong những bộ truyện tranh ăn khách nhất. Thành công của Conan không chỉ dừng lại ở phiên bản truyện tranh mà còn được lan tỏa rộng rãi qua các bản phim hoạt hình, phim điện ảnh, game, và nhiều sản phẩm ăn theo khác.
Nhờ sức hút của Conan, Gosho Aoyama đã gặt hái được thành công vang dội, trở thành một trong những tác giả truyện tranh giàu có của Nhật Bản, với tài sản ước tính 46-50 triệu USD. Một số phim điện ảnh về Conan cũng có doanh thu khủng.
Trong khi Conan vang danh toàn cầu, ngành truyện tranh Việt Nam lại đang chật vật, nếu không muốn nói là mất hút ngay cả ở thị trường trong nước. Nhiều tác phẩm tuy sở hữu nội dung hay, ý nghĩa nhưng lại không thể vươn ra khỏi phạm vi trong nước, dần chìm vào quên lãng, như bộ Thần đồng đất Việt, Cô tiên xanh...
Học sinh Việt một thời phải nhịn ăn, hùn tiền thuê truyện Dũng sĩ Hesman bởi mỗi tập bán giá 3.000 đồng, gấp 2-3 lần tiền quà sáng. Theo lý giải, sức hút của Dũng sĩ Hesman đầu tiên nằm ở việc khai thác nội dung siêu anh hùng và khoa học viễn tưởng - đề tài ăn khách bấy giờ. Giới trẻ thời đó sôi sục với loạt truyện tranh giả tưởng từ Nhật Bản như Doraemon, Bảy viên ngọc rồng, Dấu ấn rồng thiêng...
Nắm bắt xu hướng đó, Nhà xuất bản Mỹ thuật đề xuất họa sĩ Hùng Lân thực hiện một tác phẩm cùng thể loại. Nhưng hầu như chỉ thiếu nhi 8X, 9X đời đầu là còn nhớ. Bộ truyện sau này được tái bản, nhưng chỉ mang tính chất hoài niệm.
Vì sao truyện tranh Việt quá ư nhàn nhạt? Một số người quen của tôi học ngành mỹ thuật, cũng sáng tạo ra những nhân vật mang hơi hướng hoạt hình. Họ làm fanpage, đăng bài lấy tương tác để nhận quảng cáo. Chẳng ai muốn sáng tạo ra một bộ truyện tranh nào cả, vì nếu muốn cũng không đủ lực, hoặc sợ bọn trẻ bây giờ chúi mũi vào màn hình còn hơn là đọc truyện tranh.
Đến đây, tôi thực sự ghen tỵ với Conan (chứ chưa nói đến hàng chục đầu manga ăn khách khác của Nhật), vì một tác phẩm ra đời đã 30 năm nhưng vẫn liên tục kiếm được tiền.
Hiếu Minh