Trên sông Trường Giang ngày 1/6, phía trước những đoàn tàu thuyền đang hối hả qua lại xuất hiện một cơn bão lớn với sấm sét dữ dội, chớp giật từng cơn, làm sáng cả bầu trời đen đặc. Mưa rơi như trút. 5h chiều, cơ quan kiểm soát hàng hải địa phương bắt đầu gửi cảnh báo sẽ có mưa dông lớn trong khoảng 6 giờ tiếp theo đến tất cả tàu thuyền hoạt động quanh vùng.
Ít nhất một tàu du lịch và một tàu vận tải đang lưu thông trên sông dừng lại, hạ mỏ neo tại một vùng nước nông chờ bão đi qua. Nhưng Ngôi sao phương Đông vẫn tiến lên. Hình ảnh quay từ camera của một tàu khác cho thấy Ngôi sao phương Đông tiếp tục hướng về phía bầu trời tối như mực, bất chấp mưa gió, khoảng 33 phút trước khi lật úp. Hai ngày sau, mới 14 trong số 456 người có mặt trên tàu được cứu sống.
Quyết định tiếp tục hành trình dù trời đang có bão của thuyền trưởng Trương Thuận Văn hiện bị đặt trong vòng nghi vấn là một trong những nguyên nhân khiến tai nạn xảy ra. Nhà chức trách đã bắt tạm giam ông Trương cùng kỹ sư chính của tàu để thẩm vấn nhưng không nêu rõ bằng cách nào hai người này thoát khỏi tàu hoặc liệu thuyền trưởng có phát tín hiệu cầu cứu, cảnh báo hành khách mặc áo phao hay sơ tán tàu không.
Dừng chờ bão tan
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Yan Zhiguo, giám đốc công ty quản lý Ngôi sao phương Đông, cho hay kết cấu thân tàu bị sửa chữa vào năm 1997 làm trọng tâm tàu thay đổi, khiến nó dễ bị nghiêng hơn. Một cựu thủy thủ tàu cũng khẳng định nội thất trên tàu không được gắn cố định vì thế khi đi qua những vùng nước động, đồ đạc bị xê dịch khiến trọng lượng không được dàn đều. Điều này khiến tàu dễ bị lật hơn. Ngôi sao phương Đông cùng 5 du thuyền khác năm 2013 còn bị chính quyền Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, tạm giữ do vi phạm quy định an toàn.
Hiện chưa rõ liệu cơ quan chức năng có phát cảnh báo bão tới Ngôi sao phương Đông không, đồng thời luật lệ ở Trung Quốc còn mơ hồ trong việc quy định khi nào tàu buộc phải neo đậu hoặc cập cảng gần nhất trong điều kiện thời tiết nguy hiểm. Nhưng trách nhiệm lớn hơn cả hiện vẫn thuộc về thuyền trưởng. Một số ý kiến cho rằng ông Trương nên neo tàu lại trước cơn bão lớn dù có nhận được cảnh báo hay không.
"Khi mưa bão hoành hành, tầm nhìn bị hạn chế nhiều .Trong trường hợp này, thuyền trưởng nên dừng tàu lại", ông Cai Cunqiang, giáo sư tại Đại học Hàng hải Thượng Hải, đánh giá. "Đa phần các trưởng tàu khi nhận được cảnh báo bão đều sẽ làm như vậy nhưng tôi không chắc điều này có được quy định trong luật hay không". "Rõ ràng neo tàu lại an toàn hơn so với tiếp tục di chuyển", ông nói thêm.
Theo New York Times, một số tàu khác thực sự đã dừng hành trình vào đêm tai nạn xảy ra với Ngôi sao phương Đông và họ vẫn sống sót sau cơn bão. Tàu Du khách Trường Giang 6 là một trong số đó. Nó đỗ lại vào khoảng 21h10 tối 1/6, cách hiện trường chừng 10 km. Ngôi sao phương Đông đã song hành cùng Du khách Trường Giang 6 trong nhiều ngày.
Một hành khách cho biết Du khách Trường Giang cũng gặp phải "những cơn gió mạnh, mưa nặng hạt và sấm chớp" trước khi hạ neo. "Nước còn bị gió tạt vào trong tàu", ông này miêu tả. "Trên tầng hai, các nhân viên phải rất cố gắng để múc nước đổ ra ngoài".
Thuyền trưởng tàu chở hàng Changhang Jiangning cũng chọn cách đỗ lại chờ bão đi qua. Dữ liệu vệ tinh cho thấy con tàu dừng lúc 21h19 và giữ nguyên vị trí trong khoảng một giờ. Khi đó, Ngôi sao phương Đông cách nó gần 200m. Chỉ trong vài phút, Ngôi sao phương Đông đổi hướng về phía hạ lưu, dường như sau khi gặp phải cái mà nhà chức trách gọi là một cơn lốc xoáy. Tín hiệu cuối cùng từ tàu được ghi nhận vào lúc 21h31.
"Thuyền trưởng là người duy nhất có quyền đưa ra quyết định trong tình huống khẩn cấp", Xue Yingchun, chủ một công ty vận tải đường thủy tư nhân vừa thành lập, nói. "Khi đi trên tuyến nội địa, bạn có thể thả neo bất cứ lúc nào bởi mức nước thường không quá sâu".
Stephen Richter, chuyên gia tư vấn hàng hải ở Philadelphia, Mỹ, nhận định việc neo tàu lại là hợp lý trong điều kiện tầm nhìn hạn chế và mưa lớn bởi ở những trường hợp này radar trên tàu thường không phát huy hết tác dụng. "Nếu thời tiết quá xấu như vậy, tầm nhìn thực sự là một vấn đề và có lẽ neo tàu lại là lựa chọn an toàn hơn cả", ông đánh giá.
Nhưng Richter cũng lưu ý rằng việc neo tàu sẽ không hữu ích nếu gặp lốc xoáy. Khi tầm nhìn vẫn tốt thì quyết định duy trì tốc độ để cố đưa tàu vượt qua cơn bão là điều hoàn toàn bình thường.
Ngoài ra, Ngôi sao phương Đông cũng dễ chòng chành bởi chỉ một phần nhỏ tàu được nhấn chìm dưới nước. Bất cứ thay đổi kết cấu nào cũng có khả năng khiến nó trở nên yếu hơn trước sóng to gió lớn, ông cho biết thêm.
Theo ông Zhong Shoudao, chủ tịch Hiệp hội Thiết kế Tàu thuyền Trùng Khánh, Ngôi sao phương Đông là một tàu đi trên sông vì thế khả năng chống chịu sóng, gió của nó cũng kém hơn so với tàu biển. "Trong tình huống đặc biệt như xảy ra lốc xoáy, khi áp lực lớn ép lên một mạn tàu vượt qua thông số tiêu chuẩn mà nó có thể chống đỡ, tàu sẽ lật", Zhou phát biểu trong một buổi họp báo của chính phủ.
Những mối hoài nghi
Các đồng nghiệp miêu tả ông Trương là một thuyền trưởng giàu kinh nghiệm, có trách nhiệm, với hơn 30 năm lái tàu trên sông Trường Giang. Bức ảnh dán tại trụ sở chính Công ty Phà phương Đông Trùng Khánh cho thấy vào năm 2014, ông còn là một trong 10 nhân viên xuất sắc. Nhưng một số cựu thành viên thủy thủ đoàn tàu Ngôi sao phương Đông cho hay yếu tố an toàn trên tàu bị xem nhẹ từ khi nó được đưa vào phục vụ du lịch năm 2010. Đây cũng có thể là một phần nguyên nhân dẫn đến thảm họa.
"Trước lúc khởi hành, hướng dẫn viên cấp trên sẽ dành một buổi chiều để dạy những người mới như chúng tôi về các quy định an toàn" NYTimes dẫn lời một phụ nữ giấu tên phục vụ trên tàu du lịch nói. "Thực tế, chúng tôi không được bảo phải làm gì khi có tình huống khẩn cấp ngoại trừ việc nói những câu như: 'Xin bà ngồi yên tại chỗ', 'Đừng tự làm bị thương mình' hay 'Đừng để bị rơi xuống nước'".
Bên cạnh đó, trên mạng truyền thông xã hội Trung Quốc cũng đang xuất hiện nhiều mối nghi vấn khác nhau. Vài người thắc mắc liệu thời tiết có thực sự tồi tệ như báo chí đã đưa. Một người dùng Weibo, mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc, tự nhận đến từ tỉnh Hồ Bắc nói "không nhìn thấy cơn lốc xoáy nào".
Những người khác lại đặt câu hỏi vì sao tình trạng thời tiết cực đoan lại không được phát hiện và cảnh báo sớm hơn. Tuy nhiên, theo Sina, chuyên gia chỉ có thể dự báo một trận lốc xoáy trước 18 phút. Quãng thời gian này "không đủ để họ chuẩn bị báo cáo và phổ biến nó đồng thời chính quyền cũng không thể phản ứng kịp".
Vũ Hoàng