Cửa hàng Milano trên đường Đồng Khởi bị niêm phong. Ảnh: Kiên Cường. |
Sáng nay (6/12), shop thời trang hàng hiệu Gucci - Milano trên đường Đồng Khởi, quận 1, TP HCM cửa chốt then cài, bị dán niêm phong, bên trong im ắng không có nhân viên. Phía trước cửa hiệu này chỉ có một người tự xưng là nhân viên trông coi cửa hàng ngăn cản chụp ảnh. Băng rôn giảm giá 30-50% vẫn được treo cao.
Trung tá Bùi Thanh Nguyên, Đội phó Đội 6 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế và Chức vụ (PC46) Công an TP HCM cho VnExpress.net biết, ngay sau khi bắt giữ lô hàng hiệu Dolce&Gabbana, Gucci (tại khách sạn Sheraton hôm 27/11) "nghi có dấu hiệu trốn thuế", cảnh sát đã điều tra các mối quan hệ của công ty nhập khẩu lô hàng này (công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Nam Đế). Trong đó, công ty Milano được xác định là chủ lô hàng hiệu, đã ủy thác nhập khẩu cho Công ty Nam Đế. Nhiều lần cơ quan điều tra mời người có trách nhiệm của Milano đến làm việc để làm rõ những vấn đề liên quan, song Milano không hợp tác.
Cũng theo trung tá Nguyên, sau nhiều ngày chờ đợi Milano không được, đến sáng 5/12, cán bộ PC46 đã đến trụ sở Milano đề nghị hợp tác điều tra nhưng cũng không có người đại diện. Các nhân viên tránh né, mọi số điện thoại của những người được cho là lãnh đạo công ty đều không liên hệ được. Cơ quan điều tra sau đó đã niêm phong toàn bộ cửa hàng, ra thông báo Milano phải có người đại diện làm việc với cơ quan điều tra vào lúc 9h sáng 6/12.
"Tuy nhiên, sáng nay chúng tôi có mặt và chờ phía Milano đến 10h30 vẫn không có ai đại diện làm việc. Cơ quan điều tra sẽ dùng biện pháp nghiệp vụ để truy tìm người có trách nhiệm của Milano", Đội phó Nguyên khẳng định.
Cơ quan điều tra đã nhiều lần mời đại diện Milano lên làm việc, song họ tránh né. Ảnh: Quốc Thắng. |
Ông Đỗ Trung Kiên, phụ trách an ninh của khách sạn Sheraton, nơi Milano thuê mặt bằng, cho biết mấy ngày nay công an đã làm việc với phía khách sạn. "Milano chỉ là đơn vị thuê mặt bằng tại đây ít nhất 9 năm và họ có đáp ứng đầy đủ các yêu cầu thì ban giám đốc mới ký hợp đồng. Chúng tôi đã hợp tác công an đáp ứng tất cả những gì họ yêu cầu", ông Kiên nói.
Nhân viên khách sạn này cũng cho biết từ hôm qua đến nay có nhiều khách hàng mang ví, túi xách, quần áo... đến để hỏi về nguồn gốc xuất xứ vì họ cho rằng đây là hàng giả. "Tuy nhiên, do cửa hàng bị niêm phong và không có nhân viên của Milano nên họ rất bức xúc", nhân viên Sheraton nói.
> Ảnh Cửa hàng Milano - Gucci bị niêm phong |
Liên quan đến xuất xứ hàng hóa của lô hàng Milano bị công an tạm giữ, lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 4 - cảng ICD Phước Long, quận 9 cho biết, trước khi thông quan, theo quy định của Bộ Công thương, hàng may mặc phải được kiểm tra tồn dư các chất độc hại. Công ty nhập khẩu hàng là Nam Đế đã đăng ký kiểm định tại Công ty Vinacontrol.
"Ngày 23/11, Nam Đế đến đăng ký kiểm định. Ngày 26/11, khoảng hơn 15h chúng tôi tới tiến hành lấy mẫu. Sau đó một ngày thì có kết quả kiểm tra. Chúng tôi chỉ kiểm tra xem hàng may mặc có đạt chất lượng hàng hóa nhập khẩu hay không chứ không kiểm tra xuất xứ", ông Lê Ngọc Lợi, Trưởng phòng giám định 2 Vinacontrol khẳng định.
Lô hàng có 526 cái quần áo, váy đầm, khăn các loại, kết quả cho thấy đáp ứng yêu cầu chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Vinacontrol không kiểm định chất lượng túi xách trong lô hàng.
Tuy nhiên, theo tờ khai hải quan của công ty nhập khẩu Nam Đế thì lô hàng xuất xứ - nhà sản xuất: Trung Quốc. Đơn vị xuất khẩu là Công ty China National Aero Zhuhai Import Ecport Co., LTD.
Công ty Nam Đế, đơn vị nhập khẩu lô hàng nói trên có trụ sở ở số 451/43 A Lê Văn Sỹ, quận 3, TP HCM là một căn phòng thuê để ở của giám đốc công ty này. Một tấm biển nhỏ ghi Công ty Nam Đế phía ngoài với số di động nhiều ngày nay cũng không thể liên lạc.
Ngày 27/11, Phòng Cảnh sát Kinh tế TP HCM bắt giữ 4 chiếc ôtô tải chở hàng tấn áo quần, túi xách, dây nịt các loại ở dưới tầng hầm khách sạn Sheraton, 88 Đồng Khởi. Giấy tờ nhập khẩu lô hàng này do công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Nam Đế đứng tên. Công ty xuất hàng nằm tại Quảng Đông, Trung Quốc. Đường đi của lô hàng bắt đầu từ Hong Kong. Trong tờ khai nhập khẩu của Công ty Nam Đế, nhiều mặt hàng sơ mi nam, áo thun nữ, quần dài nam có giá nhập khẩu rẻ mạt dù mang mác xịn. Ví dụ váy ngắn chỉ 5,5 USD mỗi cái, giầy nam 3,8 USD mỗi đôi, áo khoác nữ 3,7 USD một cái. Toàn bộ lô hàng vào Việt Nam chỉ phải đóng 27 triệu đồng tiền thuế. Đến sáng nay, đội trưởng Đội 6 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm Kinh tế TP HCM (PC46) cho biết vẫn chưa kiểm xong lô hàng "nghi là hàng lậu" trên 4 xe tải trên. Cơ quan điều tra vẫn chưa xác định số hàng quần áo, dây nịt, giày dép mang mác Dolce&Gabbana, Gucci... trên là hàng thật hay giả vì còn chờ kết luận từ cơ quan kiểm định. |
Kiên Cường - Quốc Thắng