Hướng dẫn các cục thuế địa phương mới đây, Tổng cục Thuế cho biết, dịch vụ thư tín dụng (L/C) không thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Lý do là, từ ngày 1/1/2011, khi Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực, dịch vụ L/C là hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Theo đó, Tổng cục Thuế yêu cầu rà soát, hướng dẫn các tổ chức tín dụng có phát sinh hoạt động cung cấp dịch vụ L/C kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo đúng quy định. Vì vậy, các cơ quan thuế địa phương đã yêu cầu truy thu và tính thuế giá trị gia tăng với các khoản thu từ L/C của ngân hàng từ năm 2011 đến nay.
Trước việc này, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) mới đây đã kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế không áp dụng thuế giá trị gia tăng với nghiệp vụ phát hành L/C. Lý do là các khoản phí liên quan trực tiếp đến phát hành, xác nhận, thông báo L/C để bảo lãnh thanh toán cho khách hàng là phí thu trên hoạt động cấp tín dụng - không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng.
Ngoài ra, đơn vị này lo ngại việc truy thu thuế, phạt kê khai sai và tiền chậm nộp thuế giá trị gia tăng đối với các khoản thu liên quan đến thư tín dụng phát sinh từ đầu năm 2011 đến nay sẽ gây xáo trộn lớn, ảnh hưởng xấu tới hoạt động của các ngân hàng thương mại.
Hơn nữa, Hiệp hội Ngân hàng cho rằng thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu, nếu phải nộp bổ sung thì ngân hàng phải thu lại từ khách hàng. Trong lúc nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh, việc đồng loạt truy thu tiền thuế giá trị gia tăng là không khả thi, ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng và các doanh nghiệp liên quan. Ngoài ra, việc yêu cầu "hồi tố" sẽ làm phát sinh một loạt chi phí xã hội do phải điều chỉnh hóa đơn, số liệu về kê khai, nộp thuế, khấu trừ thuế...
Chia sẻ với VnExpress, ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cho biết, quyết định hồi tố, truy thu thuế này đều dựa trên quy định của pháp luật.
Luật sư Trần Minh Hải - Giám đốc Công ty Luật Basico cho rằng, cơ quan thuế và ngân hàng, đang có sự khác biệt trong cách hiểu và vận dụng các quy định pháp luật. Ông phân tích, nghiệp vụ phát hành thư tín dụng – mở tài khoản tín dụng cho khách hàng thanh toán với nước ngoài, về hình thức giống một dịch vụ. Nhưng thực tế theo ông, đó là cam kết của ngân hàng ở Việt Nam với ngân hàng nước ngoài nhằm bảo đảm trách nhiệm của khách hàng tại Việt Nam khi họ tiến hành giao dịch với đối tác nước ngoài.
Vì vậy, ngân hàng luôn đòi hỏi khách hàng phải trả một khoản phí cam kết khi mở thư tín dụng để dự phòng họ có vi phạm hợp đồng với đối tác. "Đây là một loại hình mang tính chất tín dụng nên không có cơ sở để áp thuế", ông Hải nhận xét.
Tuy nhiên, theo Luật Thuế giá trị gia tăng, các hoạt động liên quan tới dịch vụ của ngân hàng đều phải chịu thuế giá trị gia tăng, trừ dịch vụ vay vốn. Vì vậy, cơ quan thuế coi đây là một loại phí thu trên dịch vụ nên quyết định truy thu, hồi tố thuế.
Tương tự, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, khoản phí ngân hàng thu về từ dịch vụ bảo lãnh sẽ được hạch toán vào doanh thu hoạt động kinh doanh, làm cơ sở để kê khai và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo ông Hiếu, cơ quan thuế chỉ có đầy đủ cơ sở pháp lý để áp thuế giá trị gia tăng với dịch vụ thư tín dụng (L/C) khi ngân hàng nắm giữ đồng thời hai vai trò - phát hành bảo lãnh tính dụng và giao dịch hàng hoá.
"Thực tế ngân hàng chỉ là đơn vị phát hành tín dụng thư, nếu muốn thu thuế thì cơ quan thuế phải tìm tới người mua và bán hàng", ông Hiếu nhấn mạnh.
Hoàng Thắng