Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tới ngày 19/8, Bưu điện tỉnh Phú Yên và thân nhân người mất đã hoàn trả quỹ toàn bộ số tiền chi sai.
Trước đó, khi thực hiện mã định danh công dân, Bảo hiểm xã hội Phú Yên phát hiện một người hưởng lương hưu đã chết cách đây 7 năm nhưng cơ quan bảo hiểm vẫn chi trả chế độ với tổng số tiền hơn 395 triệu đồng.
Người phụ nữ sống ở TP Tuy Hòa, nhận lương hưu qua tài khoản cá nhân do bưu điện chi trả. Cuối tháng 1/2016, người này qua đời. Thân nhân báo tử tại UBND phường song không làm các thủ tục cắt giảm chế độ hưu trí để hưởng mai táng phí, tử tuất. Do không xác định được người hưởng đã mất, bưu điện đều đặn chuyển tổng cộng 89 tháng lương hưu vào tài khoản cá nhân.
Khi rà soát để đồng bộ dữ liệu dân cư, Bảo hiểm xã hội tỉnh Phú Yên thấy người hưởng chưa có căn cước công dân nên liên hệ đến công an phường nơi bà cư trú, kiểm tra mới biết người hưởng đã qua đời. Lúc phát hiện, tài khoản của người hưởng hao hụt 150 triệu đồng so với tiền bưu điện chi trả do người thân rút ra dùng. Con trai bà đã đồng ý làm các thủ tục thanh toán mai táng phí, tử tuất một lần và trả lại bưu điện số tiền đã chi sau khi làm việc với cơ quan chức năng.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao cơ quan bảo hiểm các tỉnh rà soát dữ liệu, phát hiện sai sót nếu có. Việc chi trả lương hưu đang thực hiện bởi ba hình thức: qua tài khoản ngân hàng, ủy quyền cho người nhận thay hoặc trực tiếp tại bưu điện. Trường hợp chi trả cho người đã mất chủ yếu ở nhóm nhận qua tài khoản ngân hàng hoặc ủy quyền. Lý do là người thân không làm thủ tục khai báo, chuyển địa phương khác hoặc định cư nước ngoài, nên nhân viên bưu điện, cán bộ xã, phường không quản lý được.
Cả nước hiện có 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng từ Quỹ Bảo hiểm xã hội; 1,8 triệu người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ ngân sách nhà nước. Người Việt hưởng hưu trí tối đa 75% nhưng vì tiền lương tính đóng bảo hiểm thấp nên bình quân lương hưu chỉ đạt 5,4 triệu đồng.
Hồng Chiêu