Ông Võ Văn Hiếu, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phước Sơn, tổ trưởng công tác, cho hay các lực lượng chức năng trên địa bàn gồm công an, kiểm lâm, phòng tài nguyên môi trường và chính quyền các xã..., thường xuyên phối hợp truy quét bãi vàng trái phép.
"Chúng tôi đi thực địa để đẩy đuổi các tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép; phá hủy thiết bị khai thác, tháo dỡ lán trại và lập biên bản xử lý vi phạm", ông Hiếu nói.
Từ trung tâm huyện đến các bãi vàng đường đi lại khó khăn nên lực lượng chức năng phải thuê xe thồ. Trong đợt truy quét hồi tháng 5 vừa qua, theo kế hoạch, tổ công tác sẽ đến bãi Hòa Sơn 3, xã Phước Hoà, nhưng khi di chuyển được 2 km, ông Võ Văn Hiếu thông báo "kế hoạch thay đổi".
Thay vì vào bãi Hòa Sơn 3, tổ công tác chuyển hướng đến khu vực suối Văm, xã Phước Đức. "Mỗi lần đi truy quét, chúng tôi thường thay đổi lộ trình để không lộ thông tin ra ngoài, lường trước việc những người khai thác vàng trái phép cất dấu máy móc và trốn chạy", ông Hiếu giải thích.
Những chiếc xe win gầm rú theo lối mòn băng rừng, vượt dốc hơn một giờ, đưa tổ công tác 10 người đến gần bãi vàng. Họ đi bộ đến khu vực suối Văm, từ trên đồi cao nhìn xuống cánh rừng rộng khoảng 2 ha, lực lượng chức năng phát hiện hai lán trại của "vàng tặc" nằm thấp thoáng dưới tán cây.
Tổ liên ngành lập tức chia đội hình, đột nhập kiểm tra từng lán trại và khu vực xung quanh nhưng không bắt gặp bất cứ bóng người nào. Bếp lửa vẫn bập bùng cháy, trong hầm dấu vết đào khoáng sản còn mới, nhưng dụng cụ khai thác biến mất. "Vàng tặc" đã tháo chạy trước khi nhà chức trách xuất hiện.
"Đây là chuyện thường ngày. Mặc dù chúng tôi đã thay đổi lộ trình, nhưng họ có nhiều tai mắt, thấy động là tẩu tán vào rừng ngay", ông Hiếu nói và chỉ đạo các mũi tìm kiếm ở hiện trường, người chui vào hầm, người đi vào rừng. Sau 30 phút, họ phát hiện một bãi đất đào bới chôn lấp còn mới, nằm sát cửa hầm khai thác vàng
Kiểm lâm viên A Vô Tô A (Ban quản lý rừng phòng hộ Đắk Mi) bằng kinh nghiệm của mình xác định "đây là nơi chôn thiết bị trước khi phu vàng tháo chạy". Lực lượng chức năng đào qua lớp đất 20 cm, phát hiện máy nổ cùng nhiên liệu. Bốn người buộc dây khiêng máy lên rồi phá hỏng, cho vào đống củi châm lửa đốt.
Tiếp tục tìm kiếm nhiều vị trí khác, tổ công tác phát hiện một máy nổ được tháo rời các bộ phận, cất giấu trong bụi cây, hầm, chôn dưới đất...
Sau bữa trưa nhanh chóng với mỳ tôm và bánh mỳ mang theo, lực lượng truy quét "vàng tặc" đưa gạo, thức ăn, áo quần, chăn màn của các phu vàng trong lán trại ra ngoài, rồi hạ lán trại và đốt cháy.
"Chúng tôi đốt lán trại để ngăn chặn việc khai thác vàng trái phép, song để lại ít thức ăn, quần áo cho các phu vàng đang lẩn trốn trong rừng. Họ là những người làm thuê cho các chủ bãi, nếu mình đốt hết thức ăn, quần áo thì họ không đồ ăn, quần áo mặc khi ra khỏi rừng", ông Hiếu nói.
Chờ lán trại cháy rụi, tổ công tác mang nước dập tắt ngăn ngọn lửa để tránh lan ra rừng rồi rời đi khi trời đã về chiều, kết thúc một ngày truy quét vàng tặc.
Ông Hiếu cho hay, điểm truy quét kể trên cách không xa trung tâm nên tổ công tác có thể đi về trong ngày. Với những bãi vàng nằm sâu trong rừng, lực lượng chức năng phải mang theo lương thực, thực phẩm để sẵn sàng cho chuyến công tác kéo dài nhiều ngày.
"Nhiều khi chúng tôi đi bộ cả ngày đường mới đến được điểm khai thác vàng, sau khi kiểm tra xong lại di chuyển đến nơi khác. Tối xuống mọi người dựng lán trại bên suối và nấu ăn, rồi mỗi người một chiếc võng tranh thủ chợp mắt", ông Hiếu cho hay.
Đa số "vàng tặc" tìm mọi cách để tránh chạm mặt lực lượng chức năng. Nhưng một số trường hợp nhà chức trách gặp các phu vàng tỏ thái độ thách thức, thậm chí đe doạ.
Một lần, tổ công tác liên ngành đột nhập bãi vàng ở xã Phước Thành, gặp 9 phu vàng đang làm việc, nhóm này không trốn tránh mà ngang nhiên cầm hung khí đe doạ. Lúc này lực lượng chức năng ít người, giữa núi rừng hoang vắng nên tổ công tác chỉ lập biên bản sự việc và rút lui nhằm tránh những việc không hay xảy ra.
Hôm sau, huyện Phước Sơn huy động mấy chục người, gồm công an, dân quân... trở lại. Thấy lực lượng đông đủ, nhóm đào vàng trái phép mới chịu ra khỏi rừng.
Lãnh đạo Phòng tài nguyên và môi trường huyện Phước Sơn thông tin, gần đây công an chính quy được bố trí về các xã, cùng với đó chính quyền địa phương đã thành lập thêm đơn vị bảo vệ rừng. "Các lực lượng này sẽ tuần tra thường xuyên hơn, góp phần đẩy đuổi, ngăn chặn nạn khai thác vàng trái phép", vị này nói.