Nhìn từ xa, những ngọn đồi ở khu bãi Muối (xã Phước Thành, huyện Phước Sơn) nham nhở do nhiều nơi bị cày xới, lán trại của "vàng tặc" lợp bạt màu xanh nằm thấp thoáng dưới tán cây. Lại gần một lán trại, nhóm phu vàng đang làm việc trên miệng giếng hầm sâu hơn 30 m, trong đó hai người đào đất đá bên dưới, phía trên một người dùng tời quay đưa đất đá lên. Ba người khác phụ trách thiết bị nghiền xay quặng.
Đất đá nghiền nát theo dòng nước chảy qua máng lọc rồi xả trực tiếp ra môi trường. Hàng tấn xái quặng chứa hóa chất chảy tràn lan, bốc mùi nồng nặc.
Một phu vàng cho hay quê ở huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) và đã vào làm việc tại bãi vàng này được 3 tháng. "Việc hàng ngày của tôi là kéo tời đưa đất đá lên và nhận tiền công 6 triệu đồng mỗi tháng. Chúng tôi đi làm thuê nên không quan tâm đến việc bãi vàng được cấp phép hay không", người này nói và cho biết chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức các đoàn truy quét, nhưng các phu vàng không có nghề mưu sinh nào khác nên "đành bám lại nơi đây".
Mỗi lần thiết bị khai thác vàng bị lực lượng chức năng thu giữ, tiêu hủy, các phu vàng lại được chủ mua sắm thiết bị mới để tiếp tục khai thác.
Cũng trên khu vực bãi Muối, phu vàng tên Cương, 17 tuổi, kể hàng ngày bắt đầu công việc từ 6h, nghỉ trưa 2 tiếng và chiều làm đến 17 giờ. "Mỗi tháng lương 5 triệu đồng, cơm nước do chủ bãi vàng lo", vừa nói Cương vừa gò mình kéo tời đưa đất đá lên khỏi miệng hầm vàng.
Cứ 10 phút, Cương lại quay ròng rọc kéo lên một xô đất đá khoảng 20 kg. "Khi đống đất đá được vài mét khối thì sẽ chuyển qua máy xay, nghiền nát lọc lấy vàng", Cương cho hay.
Cách bãi Muối khoảng 60 km, xã Phước Đức nơi có mỏ vàng Đăk Sa trữ lượng 7,2 tấn theo công bố của chính quyền xã, cũng bị đào bới khắp nơi. Lán trại của "vàng tặc" dựng giữa núi rừng bằng những tấm bạt rộng khoảng 40 m2, bên trong thường chỉ có một số tấm ván ghép làm giường, ngoài ra không có vật dụng gì đáng kể. Người dân địa phương cho hay ở đây thường có 9-10 phu vàng làm việc, "lán trại họ dựng đơn sơ để khi cần có thể di dời ngay".
Ông Thắng ở xã Phước Đức - người từng là phu vàng nhưng nay đã chuyển sang nghề xe ôm, cho hay từ giữa thập niên 1990, "cơn lốc" tìm vàng đã xảy ra ở Phước Sơn với dòng người từ nhiều địa phương khác lũ lượt đến tìm kiếm vận may.
"Cứ nghe tin nơi đâu có vàng là dòng người kéo đến bới tìm. Cảnh sập hầm chết người, đâm chém tranh giành khu vực, bảo kê náo loạn ở vùng núi miền Tây xứ Quảng", ông Thắng nhớ lại.
Trước tình trạng khai thác vàng trái phép diễn ra nhức nhối, tỉnh Quảng Nam huy động lực lượng chức năng vãn hồi trật tư, giải tán các điểm nóng. "Cơn lốc" tìm vàng lắng xuống. Tuy nhiên "vàng tặc" vẫn đeo bám trong các cánh rừng xa trung tâm lén lút đào bới.
Năm 2005, cơ quan chức năng địa phương cấp phép cho một số công ty khai thác vàng hoạt động trên địa bàn huyện Phước Sơn. Với biện pháp này, nhà chức trách kỳ vọng các khu vực có công ty khai thác vàng hiện diện thì đất đai sẽ được doanh nghiệp quản lý, ngăn dòng người xâm lấn. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn khai thác trái phép, đào mót xái quặng bên ngoài khu vực quản lý của các công ty. Một số "vàng tặc" còn khoét sâu vào lòng núi, lấy đất đá xay nhỏ để đãi vàng.
Ông Nguyễn Quảng, Phó chủ tịch huyện Phước Sơn, cho biết các bãi vàng trái phép đều nằm phân tán nhỏ lẻ. "Lực lượng chức năng thường xuyên truy quét, tuy nhiên việc quản lý con người vào ra khu vực bãi vàng trái phép rất khó khăn vì địa bàn xa xôi cách trở; khi chúng tôi đến truy quét thì họ giải tán, rời khỏi hiện trường, kết thúc truy quét họ làm lại", ông Quảng nói.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, cũng cho hay tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt để xử lý các bãi vàng trái phép, ban hành nhiều quyết định liên quan để quản lý ngày càng chặt chẽ hơn.
Theo ông Thanh, chính quyền địa phương không đủ lực lượng túc trực quản lý thường xuyên, do vậy để xóa bỏ các bãi vàng trái phép nhỏ lẻ thì nên tăng cường "giao cho doanh nghiệp quản lý".
Phước Sơn - "thủ phủ" vàng của tỉnh Quảng Nam nằm cách trung tâm tỉnh lỵ 120 km về phía Tây, có trữ lượng vàng lớn thứ hai cả nước, chỉ sau mỏ Bồng Miêu, huyện Phú Ninh. Địa hình hiểm trở, 27.000 cư dân sinh sống ở đây có đến 70% là dân tộc tiểu số, nên Phước Sơn từ lâu đã trở thành miếng mồi ngon của "vàng tặc".
Nằm giữa mỏ vàng nhưng Phước Sơn là một trong 3 huyện nghèo của Quảng Nam và thuộc nhóm 1 - nhóm 56 huyện nghèo cả nước cần hỗ trợ. Tỷ lệ hộ nghèo nơi đây hơn 25%; thu nhập bình quân đầu người chỉ 20 triệu đồng mỗi năm.