GS.TS Phạm Minh Khuê, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược Hải Phòng, hôm 6/1 cho biết học phí của trường đã được giảm về mức như ba năm trước, tức 14,3 triệu đồng mỗi năm, thay vì 24,5 triệu đồng như kế hoạch. Sinh viên của trường đã đóng học phí kỳ I nên phần chênh lệch được trường khấu trừ vào kỳ II. "Học phí bốn năm không tăng, trong khi năm 2023 tăng lương viên chức, trường đang tìm cách duy trì tiền lương và triển khai các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học. Việc này rất khó khăn trong điều kiện hiện nay", ông Khuê nói.
Theo tính toán của trường Đại học Y Dược Hải Phòng, đến tháng 7/2023, chênh lệch giữa tổng chi dự kiến và số tiền thực tế của trường là 24 tỷ đồng.
Theo Nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ về quản lý học phí, mức trần học phí năm 2022 với khối ngành y dược, đào tạo sức khỏe tại các đại học công lập chưa đảm bảo chi thường xuyên là 24,5 triệu đồng một năm. Những trường đã tự chủ có thể thu cao hơn mức này 2-2,5 lần. Đó là lý do giữa năm ngoái, nhiều trường y công bố tăng tới 70% học phí, so với mức phổ biến trước đó là 14,3 triệu đồng một năm. Tuy nhiên, hôm 20/12/2022, Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành, cơ sở giáo dục giữ học phí năm nay bằng năm ngoái, nhằm hỗ trợ học sinh, sinh viên, gia đình thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, bình ổn giá và kiểm soát lạm phát.
Hiệu trưởng một trường đại học y dược ở miền Bắc chia sẻ điều này sẽ khiến trường khó khăn trong việc cải thiện chất lượng đào tạo, nâng cao đời sống giảng viên.
Ông cho biết sau Hội nghị tổng kết giáo dục đại học hồi tháng 9, khi Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thông báo "khả năng cao không tăng học phí", trường đã dừng thu học phí theo Nghị định 81, tức 24,5 triệu đồng một năm. Học phí quay lại mức như ba năm trước là 14,3 triệu đồng. "Chỉ tiêu tuyển sinh ổn định, học phí không tăng, nhưng giá vật tư y tế, hóa chất thực hành đều đã cao hơn trước. Đặt mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, đời sống giảng viên nhưng nguồn thu không cải thiện, tạo áp lực lớn cho cho chúng tôi", vị này nói, cho biết việc thiếu kinh phí mua sắm, hoạt động thực hành sẽ ảnh hưởng tới chất lượng sinh viên. Các em cần được thực hành tại trường với hóa chất, các loại máy móc để có thể thích nghi khi đi lâm sàng tại bệnh viện.
Bên cạnh đó, năm 2021 và 2022, gần 30 giảng viên của trường nghỉ việc. Vị hiệu trưởng cho rằng nguyên nhân chính là trường không cải thiện được thu nhập cho thầy cô. Để trở thành giảng viên Y, Dược, thầy cô sau tốt nghiệp phải học thêm thạc sĩ, chứng chỉ, ngót nghét chục năm. Thời gian và công sức đều dài, trong khi lương "ba cọc ba đồng", nhiều người tìm đến những đơn vị ngoài công lập với mức lương gấp 2-3 lần. "Điều này dễ hiểu và là hậu quả tất yếu", vị hiệu trưởng nhận định.
Theo GS.TS Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược (Đại học Huế), nếu không tăng học phí, trong ngắn hạn, trường sẽ gặp khó khăn bởi chi phí đào tạo sinh viên y cao hơn những ngành khác. Khi xây dựng mức học phí mới, trường đã xây dựng phương án tài chính cho cả năm học cùng nhiều kế hoạch phát triển chuyên môn, đào tạo, học thuật. Nếu nguồn thu không tăng, các kế hoạch phát triển chỉ dừng ở mức cầm chừng.
Ông Huy cho biết năm nay trường thực hiện tự chủ ở mức 2 nên thu học phí theo mức mới, chứ không phải là tăng theo Nghị định 81. Ban đầu, học phí hệ chính quy với các khóa tuyển sinh 2021 trở về trước dự kiến dao động 17-24,5 triệu đồng, riêng khóa 2022 áp dụng mức 19-26 triệu đồng một năm, tăng 18 - 80% so với mức học phí cũ là 14,3 triệu đồng với tất cả ngành đào tạo.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc, quyền Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược TP HCM, nói việc điều chỉnh giảm học phí sẽ ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch phát triển của trường, nhưng khi Chính phủ đã yêu cầu, trường sẽ thực hiện. Ông Bắc cho biết trường dự kiến thu mức học phí như năm ngoái, dao động 30-70 triệu đồng một năm.
Hiệu trưởng trường đại học Y Dược miền Bắc được đề cập ở trên cho biết không thể tùy tiện tăng chỉ tiêu tuyển sinh, bởi con số này được đưa ra dựa trên cơ sở vật chất, nhân lực của trường, được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. "Đào tạo phải gắn với trách nhiệm xã hội. Tăng chỉ tiêu một cách bất chấp sẽ đi ngược giá trị này", hiệu trưởng nói và cho rằng bây giờ "đường nào cũng khó", nên "chỉ biết lấy chỗ này bù chỗ kia, đến đâu hay đến đó".
Hơn một tuần nữa, giảng viên, sinh viên trường Đại học Y Dược Hải Phòng sẽ nghỉ Tết Nguyên đán 2023. GS Khuê cho biết trường cố gắng duy trì tháng lương thứ 13 như mọi năm, dù ngân sách khó khăn. "Ba năm vừa qua, giảng viên chưa được tăng thu nhập. Giờ nếu khoản hỗ trợ Tết cũng cắt giảm sẽ làm giảm động lực làm việc của các thầy cô", ông Khuê nhận định. Theo ông, để cân đối các hoạt động, phương án được tính đến là sử dụng những quỹ dự phòng, nhưng đây là việc "cực chẳng đã" vì quỹ dành cho trường hợp khẩn cấp.
"Nhiều người bảo vay nợ nhưng vay ai bây giờ, ai cho vay khoản tiền hơn 20 tỷ đồng", ông Khuê nói và cho biết "đến đâu hay đến đó", ban lãnh đạo nhà trường sẽ cố gắng cân đối để qua được năm học này.
Thanh Hằng - Lam Thanh