Với học phí 209 triệu đồng một năm, chương trình Y khoa Việt - Đức của trường Phạm Ngọc Thạch đang có mức học phí cao nhất trong các trường Y công lập. Năm ngoái, học phí ngành này là 190 triệu đồng.
Đây là khóa học liên kết kéo dài hơn 6 năm theo chương trình đào tạo bác sĩ y khoa của Đại học Johannes Gutenberg Mainz, Đức. Sinh viên phải trải qua ba kỳ thi chuyển giai đoạn dành cho sinh viên y khoa của Đức. Năm thứ 6, sinh viên được sang Đức thực hành lâm sàng. Hoàn thành chương trình học, họ được nhận chứng chỉ tương đương do đại học Johannes Gutenberg Mainz cấp và bằng tốt nghiệp bác sĩ y khoa chính quy do trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cấp.
Với các ngành đào tạo đại trà, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch thu học phí dao động 31,6-52,2 triệu đồng một năm. Trong đó, mức học phí 55,2 triệu đồng áp dụng với ngành Y khoa, Dược học, Răng-Hàm-Mặt. Các ngành còn lại, học phí là 31,6 triệu đồng một năm.
So với năm ngoái, học phí ngành Y khoa tăng 13,2 triệu đồng. Học phí ngành Dược học, Răng-Hàm-Mặt tăng 11,2 triệu đồng, các ngành khác tăng 3,6 triệu đồng.
Với những sinh viên từ năm thứ ba trở lên, học phí năm tới sẽ là 27,6 triệu đồng một năm với tất cả ngành, những em diện địa phương đặt hàng đào tạo đóng học phí 48-84 triệu đồng, tùy ngành.
Chỉ tiêu, học phí dự kiến (triệu đồng) các ngành đào tạo của trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch năm 2023 như sau:
TT | Ngành | Chỉ tiêu | Học phí |
1 | Y khoa | 660 | 55,2 |
2 | Dược học | 90 | 31,6 |
3 | Điều dưỡng | 250 | 31,6 |
4 | Răng-Hàm-Mặt | 90 | 55,2 |
5 | Kỹ thuật xét nghiệm y học | 50 | 31,6 |
6 | Kỹ thuật hình ảnh y học | 40 | 31,6 |
7 | Kỹ thuật phục hồi chức năng | 30 | 31,6 |
8 | Khúc xạ nhãn khoa | 40 | 31,6 |
9 | Y tế công cộng | 56 | 31,6 |
10 | Dinh dưỡng | 60 | 31,6 |
11 | Chương trình Y khoa Việt Đức | 209 |
Năm 2023, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tuyển tổng cộng 1.366 sinh viên, tăng 56 so với năm ngoái. Chỉ tiêu tuyển sinh của các ngành được phân bố 50% cho thí sinh ở TP HCM để đáp ứng nhu cầu nhân lực y tế của thành phố, còn lại dành cho thí sinh các tỉnh, thành khác.
Ngoài thí sinh diện tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường vẫn duy trì phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT theo tổ hợp B00 (Toán, Lý, Hóa).
Điều kiện đăng ký xét tuyển chung cho tất cả ngành là xếp loại hạnh kiểm từ khá trở lên trong năm học lớp 12. Riêng ngành Y khoa, Dược học, Răng Hàm Mặt, thí sinh phải có điểm trung bình cộng năm học kỳ THPT (trừ học kỳ II lớp 12) từ 7 trở lên. Với ngành Khúc xạ nhãn khoa, điểm thi tốt nghiệp môn Tiếng Anh phải từ 7 trở lên.
Nếu thí sinh có tổng điểm xét tuyển bằng nhau, trường sử dụng các tiêu chí phụ để xét tuyển, theo thứ tự: điểm thi tốt nghiệp môn Ngoại ngữ; điểm trung bình lớp 12; điểm thi tốt nghiệp môn Văn.
Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch là trường công lập tự chủ toàn phần trực thuộc UBND TP HCM. Năm 2022, trường lấy điểm chuẩn từ 18,01 đến 26,65 điểm.
Nhóm ngành sức khỏe có mức tăng học phí mạnh nhất theo Nghị định 81 của Chính phủ về việc này. Theo đó, mức trần học phí nhóm ngành Y, Dược ở các trường đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên (chưa tự chủ) là 24,5-35 triệu đồng một năm theo lộ trình từ nay tới năm học 2025 - 2026.
Các trường công lập đã tự chủ được thu học phí bằng 2 - 2,5 lần mức trần nêu trên. Với chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc đạt kiểm định nước ngoài, trường đại học được tự quyết học phí.
Hiện, kỷ lục về học phí Y khoa thuộc về trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng với mức thu 250 triệu đồng một năm ở ngành Răng-Hàm-Mặt. Ở các trường công, xếp sau chương trình Y khoa Việt-Đức của trường Phạm Ngọc Thạch là chương trình Răng-Hàm-Mặt của trường Đại học Y Dược TP HCM với học phí 77 triệu đồng một năm.
Lệ Nguyễn